Tái diễn nạn đổ trộm phế thải

KTĐT - Do buông lỏng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đổ trộm phế thải ra đường phố, nơi công cộng nên trong vài tháng trở lại đây, tình trạng này lại tái diễn tại nhiều tuyến đường, khu dân cư.

Đổ trộm giữa ban ngày

Trong những tháng gần đây, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng bùng phát trở lại trên nhiều tuyến đường của Thủ đô, đặc biệt, tại các khu vực thưa dân cư. Trong đó, các tuyến đường bị nạn đổ trộm phế thải hoành hành phải kể đến đường Nguyễn Xiển, Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, nhất là các tuyến đường tại Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy.

Tại đường Nguyễn Xiển, suốt dọc hai bên tuyến đường này đâu đâu cũng thấy phế thải xây dựng, thậm chí lấp cả cống rãnh thoát nước. Anh Nguyễn Văn Minh, một người dân sống ở đường Nguyễn Xiển bức xúc: "Trước đây, do Thanh tra Sở GTVT thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra nên các xe ô tô chở phế thải chỉ dám đổ trộm vào ban đêm. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, nhiều lái xe tải ngang nhiên đổ phế thải ra hè phố giữa ban ngày khiến cho toàn tuyến thường xuyên nhếch nhác, bẩn thỉu, ngày nắng thì bụi mù mịt, ngay mưa thì mặt đường đầy bùn đất".

Còn trong khuôn viên Khu đô thị Nam Trung Yên, tình trạng đổ trộm phế thải ra vỉa hè, lòng đường diễn ra hầu hết tại các tuyến đường. Đường càng rộng, càng to, đường càng vắng… thì vi phạm xuất hiện càng nhiều. Ông Nguyễn Thái Hùng, một người dân cho biết: "Nạn đổ trộm phế thải ra đường diễn ra cả ngày lẫn đêm. Nhiều lần người dân phát hiện xe ô tô đang đổ trộm, chạy ra ngăn cản thì bị một số đối tượng ra dọa nạt".

Cần sự phối hợp đồng bộ

Trong thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Công an TP, Sở GTVT phối hợp với thanh tra xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý nạn đổ trộm phế thải xây dựng. Tuy nhiên, dư luận đang đặt ra câu hỏi phải chăng có quá nhiều đơn vị cùng quản nên ỷ nại vào nhau dẫn đến không ai quản dẫn đến vi phạm tái diễn. Bởi thực tế đã chứng minh vào năm 2008, Liên ngành Công an TP và Sở GTVT đã vào cuộc quyết liệt với việc chỉ đạo các lực lượng như Thanh tra Sở GTVT, CSGT, CSTT, CSHS, CSMT tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm. Hai ngành còn phối hợp trong xử lý, khi Thanh tra Sở GTVT, CSMT phát hiện, bắt giữ một xe đổ trộm sẽ giữ xe 60 ngày và chuyển hồ sơ sang Công an TP tiếp tục xử lý theo hướng, nếu tái phạm nhiều lần sẽ tịch thu phương tiện; Trao thưởng cho những người dân khi phát hiện bắt giữ hoặc thông báo BKS xe ô tô đổ trộm phế thải xây dựng… nên đã khuyến khích được người dân cùng tham gia. Với cách làm này, nạn đổ trộm phế thải xây dựng ra đường đã cơ bản chấm dứt.

Ông Trần Đăng Hải, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, hiện việc kiểm tra, xử phạt xe đổ trộm phế thải xây dựng đang có nhiều đơn vị như Thanh tra GTVT, CSGT, CSMT, Thanh tra xây dựng cùng chịu trách nhiệm. Để tránh việc ỷ lại, giảm thiểu số vụ đổ trộm phế thải, các đơn vị phải cùng xắn tay vào cuộc. Thanh tra GTVT, CSGT tiến hành kiểm tra, xử lý các xe chở phế thải xây dựng, vật liệu xây dựng che chắn không kỹ làm rơi vãi ra đường; phối hợp với CSMT, Thanh tra xây dựng tuần tra, bắt quả tang đối tượng đổ trộm nếu làm tốt được việc này chắc chắn vi phạm sẽ giảm. Tuy nhiên, ông Hải cũng kiến nghị, để ngăn chặn nạn đổ trộm phế thải phải có chế tài xử phạt nặng, như yêu cầu các chủ xe vi phạm phải trả tiền thu dọn phế thải đổ bừa bãi; giữ xe dài ngày; tăng mức xử phạt các chủ đầu tư công trình thuê xe chở phế thải đổ không đúng nơi quy định. Thậm chí, có thể khởi tố các vụ vi phạm nghiêm trọng đến các công trình công cộng… Ngoài ra, rất cần sự vào cuộc của người dân, khi phát hiện các vụ việc báo ngay cho các cơ quan có trách nhiệm để xử lý nghiêm vi phạm.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/331087/tai-dien-nan-do-trom-phe-thai.aspx