Tái cơ cấu và bài toán phí tổn

(baodautu.vn) Khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế bắt đầu được khởi động, cũng là lúc cần phải nói nhiều hơn tới bài toán phí tổn cho câu chuyện này.

Không thể tái cơ cấu mà không phải trả giá và cũng không thể tái cơ cấu mà không có nguồn lực trong tay.

Nói vậy là bởi, dù tái cơ cấu nền kinh tế đã trở thành chủ đề nóng của rất nhiều hội thảo, hội nghị trong năm qua, song dường như dư luận thường nhắc nhiều hơn tới việc thế nào là tái cơ cấu, làm thế nào để tái cơ cấu, các giải pháp cần thực hiện…, mà quên mất một thách thức rất lớn: đó là tiền đâu để chúng ta thực hiện kế hoạch vô cùng quan trọng này. Đây đó bắt đầu đề cập con số 3 - 4 tỷ USD, nhưng đó chỉ là với riêng việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Chính ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những chuyên gia chắp bút cho Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 (sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày mai, 19/4), cũng đã thừa nhận điều này.

Ông Cung đã hoàn toàn có lý khi đặt ra hàng loạt câu hỏi rằng, quá trình tái cơ cấu, với việc tạo ra một cơ chế phân bố nguồn lực mới, tất yếu sẽ dẫn tới một giai đoạn không thể tăng trưởng nhanh và chúng ta, liệu có chấp nhận đánh đổi không? Nếu còn vương vấn bài toán đánh đổi, thì tư duy nhiệm kỳ, chuyện nhóm lợi ích có thể sẽ là cản trở lớn nhất cho quá trình này.

Thêm vào đó, trong quá trình tái cơ cấu, không ít doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư. Cộng thêm chuyện cắt giảm đầu tư công, sẽ có một bộ phận không nhỏ người lao động thiếu việc làm, mất đi thu nhập chính đáng của mình. Vậy Chính phủ có sẵn sàng bù đắp cho lợi ích chính đáng của họ, cũng như để họ ủng hộ quá trình tái cơ cấu hay không? Khi rất nhiều dự án dang dở phải đình hoãn, thậm chí là không thể đầu tư nữa, thì kinh phí đã bỏ ra, thì ai là người phải gánh chịu? Nhà nước có sẵn sàng đứng ra chi trả khoản đầu tư đó hay không?... Rất nhiều câu hỏi tương tự cần phải đặt ra.

Không chỉ là những phí tổn mang tính đánh đổi, mà thực sự là cần có một nguồn lực không nhỏ để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu chỉ tính 3 - 4 tỷ USD cho riêng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thì liệu, khi tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải mất bao nhiêu? Chưa ai lường trước được chi phí này, nhưng rõ ràng là đã đến lúc cần tính toán chi tiết, tỷ mỷ. Thậm chí, phải lên kế hoạch huy động ở đâu, sử dụng ra sao, làm thế nào để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư cho quá trình tái cơ cấu… Đây là một bài toán vô cùng khó khăn cho việc thực hiện một đề án không hề dễ dàng, nhưng khó mấy thì cũng phải làm, nếu Việt Nam không muốn giậm chân tại chỗ.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chinhsachvimo/c2dd23aa7f0000010192dc6646b84eb5