Tái cơ cấu: Tập trung vào những lựa chọn ưu tiên thiết thực

(HQ Online)- Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 được trình bày tại Hội thảo Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 cho thấy, qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu 2012-2015, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Ảnh minh họa: Internet.

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu đầu tư công bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tỉ trọng đầu tư công giảm dần, đầu tư ngoài nhà nước tăng lên, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Nợ xây dựng đang từng bước được xử lý và kiềm chế. Hiệu quả đầu tư bước đầu được cải thiện.

Một trong những kêt quả nổi bật được ghi nhận là thị trường tài chính ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo. Chúng ta đã tích cực, chủ động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống. Quy mô thị trường tài chính, bao gồm thị trường chứng khoán tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu DNNN đạt được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2011 - 2015, chúng ta đã sắp xếp được 558 DN, trong đó cổ phần hóa được 478 DN, đạt 93% kế hoạch; sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN.

Theo dự thảo, mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Đánh giá về dự thảo đề án tái cơ cấu, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ không đồng tình với nhận định về thị trường tài chính là tái cơ cấu đã “lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng”. Theo chuyên gia này, thực tế là nợ xấu còn nhiều, nhiều ngân hàng còn chưa giải quyết cơ bản vấn đề này thì sao là lành mạnh được?

Nhận xét về tổng thể, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng đề án còn hơi “tham” cả về mục tiêu, công việc và tiến độ thực hiện. Lý giải cho điều này, TS. Lưu Bích Hồ cho biết, thực tế là sau khi đề án được thông qua chúng ta chỉ còn 4 năm để thực hiện tái cơ cấu, quỹ thời gian là rất ít, lại đặt trong điều kiện và cung cách làm việc của chúng ta là “rất giỏi nói nhiều nhưng làm ít hoặc không làm”, tốc độ và hiệu suất làm việc của bộ máy quản lý của ta thuộc hàng yếu kém so với nhiều nước trên thế giới thì mục tiêu, khối lượng công việc đặt ra là hơi “hoành tráng”. “Ngay danh mục các chương trình trong đề án trong gồm 102 mục đã thấy “ngợp”, thấy quá hoành tráng, như vậy có phải là tham vọng không?”, TS. Lưu Bích Hồ thắc mắc. Theo đó, chuyên gia này khuyến nghị cần tập trung vào những lựa chọn ưu tiên ít hơn, thiết thực hơn.

Góp ý về đề án này, bàn về chủ thể tái cơ cấu, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề nghị tái cơ cấu kinh tế giao đoạn tới cần phải nhấn mạnh vào kinh tế tư nhân, có sự hỗ trợ để làm sao có những DN, tập đoàn tư nhân lớn. Theo TS. Trần Đình Thiên, hiện nay hầu hết DN của Việt Nam là các DN li ti, vì thế, nếu có thêm 50 triệu DN li ti thì cũng khó giải quyết vấn đề. Trong phân bố nguồn lực, chuyên gia này cho rằng không được để diễn ra cơ chế “xin – cho”, cũng không được chia đều mà tái cơ cấu là phải ưu tiên cho những DN, địa phương làm tốt, có tiềm năng phát triển.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tai-co-cau-can-tap-trung-vao-nhung-lua-chon-uu-tien-thiet-thuc-hon.aspx