Tái cơ cấu phải là trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Đây là ý kiến TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong cuộc trao đổi với Báo Hải quan về vấn đề tái cơ cấu kinh tế.

Xin ông cho biết những đánh giá của ông về quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

Khi thảo luận về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chúng ta đều nhấn mạnh trọng tâm là nguồn lực ở đâu và huy động nguồn lực như thế nào để tái cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy rằng, xét về huy động nguồn lực thì chúng ta đã làm rất tốt, có thể nói đã đến giới hạn của nó trên tất cả các phương diện.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hiện nay đã lên tới 30-32% GDP, thu ngân sách đạt khoảng 22-23% GDP (chỉ thua Trung Quốc), chi ngân sách cũng chiếm tới 27% GDP, đều là mức cao thuộc hàng đầu thế giới. Chi thường xuyên của chúng ta quá cao, đến mức thu ngân sách không đủ bù chi, từ đó bội chi ngân sách rất cao, cũng thuộc tốp đầu thế giới. Nợ công những năm gần đây cũng rất cao và có xu hướng tăng nhanh. Đấy là xét về nguồn lực đầu tư qua ngân sách. Còn xét về nguồn lực huy động từ tín dụng thì tổng tài sản của hệ thống tín dụng là trên 100% GDP. Độ sâu tài chính này thuộc loại cao so với các nước có thu nhập bình quân như Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, huy động của FDI cũng rất cao, chiếm 26-28% tổng đầu tư toàn xã hội. Điều đó cho thấy nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế là ở mức tối đa có thể, tuy nhiên vấn đề của chúng ta là hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, đang có xu hướng giảm dần và nếu không thay đổi, không tăng hiệu quả thì càng huy động thêm nguồn lực thì giá trị cận biên gia tăng của một đơn vị huy động thêm sẽ giảm xuống. Đó là cách thức tăng trưởng không bền vững.

Theo ông, tới đây chúng ta cần phải tái cơ cấu như thế nào để khắc phục được tình trạng này?

Nguyên nhân chủ yếu của việc nguồn lực được sử dụng kém hiệu quả là do cơ chế phân bổ nguồn lực của chúng ta chủ yếu theo cơ chế hành chính xin - cho. Do đó, tôi cho rằng, điều quan trọng hơn việc huy động nguồn lực, chính là việc sử dụng và phân bố nguồn lực. Khi sử dụng, phân bố nguồn lực có hiệu quả thì các dòng chảy của nguồn lực sẽ được khai thông và càng tăng thêm. Như vậy, tái cơ cấu kinh tế của chúng ta trong thời gian tới đây cần phải thay đổi, thu hẹp dần cơ chế hành chính xin - cho và thay thế dần bằng cơ chế thị trường trong phân bố nguồn lực. Và như thế, trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế phải là thiết lập một thể chế để phát triển thị trường các nhân tố sản xuất bao gồm thị trường tài chính, thị trường đất đai, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ. Đây mới là trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế.

Nếu nhìn vào 3 trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế giai đoạn trước đây đó là tái cơ cấu thị trường tài chính, đầu tư công, DNNN, tôi cho rằng hiện nay chúng ta phải mở rộng thêm, đó là trong khu vực Nhà nước thì không chỉ là DNNN mà còn phải tái cơ cấu tài chính công, ngân sách Nhà nước, đầu tư Nhà nước, khu vực dịch vụ công lập, nghĩa là toàn bộ khu vực Nhà nước về mặt tài sản, đồng thời với đó phải thay đổi cách thức điều hành, vận hành nền kinh tế của Nhà nước. Và ở đây chúng ta phải thay đổi tư duy, cổ phần hóa có nghĩa là chúng ta đang cơ cấu lại toàn bộ danh mục tài sản và đầu tư Nhà nước, rút bớt nguồn lực của Nhà nước để tạo vốn đầu tư vào phát triển hạ tầng và thực hiện nhiều chức năng khác của Nhà nước.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Đơn cử như việc cổ phần hóa DNNN, việc bán cổ phiếu của Vinamilk là một mũi tên trúng hai đích, một mặt sẽ huy động được các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư vào Vinamilk, mặt khác nguồn vốn mà Nhà nước thu về sẽ lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng của nền kinh tế. Như vậy, cùng một hoạt động nhưng chúng ta mở rộng được nguồn vốn phát triển. Nhiều vốn hơn sẽ được huy động, nhiều cơ hội kinh doanh hơn sẽ được tạo ra bởi một hoạt động thoái vốn ra khỏi DNNN. Hoặc với vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, chúng ta có nhiều việc để làm nhưng phải tập trung vào xử lý dứt điểm và nhanh nợ xấu trong nền kinh tế. Tôi nhấn mạnh là nợ xấu trong nền kinh tế chứ không phải nợ xấu trong các ngân hàng. Phải thay đổi tư duy xử lý nợ xấu ở chỗ không phải là để xử lý những cá nhân đã gây ra nợ xấu, cũng không phải để cứu những tổ chức tín dung yếu kém mà là để nền tài chính Việt Nam vận hành bình thường, thực hiện đúng và tốt chức năng của nó là huy động và phân bố nguồn lực cho nền kinh tế. Còn nếu chúng ta cứ chần chừ thì cái giá phải trả cho việc chậm xử lý nợ xấu càng tăng lên, đồng thời trở thành vật cản cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bởi càng chần chừ thì tăng trưởng càng chậm lại. Chúng ta cần tách biệt hai vấn đề, xử lý nợ xấu và xử lý những cá nhân gây ra nợ xấu. Không nên gắn hai quá trình này vào nhau. Muốn vậy, cần sửa đổi hàng loạt luật có liên quan, tạo ra khung khổ pháp lý để vận hành tốt thị trường mua bán nợ và mua bán nợ thực chất theo giá thị trường. Đây là điều đầu tiên phải làm. Hai nữa, cần nguồn lực Nhà nước hợp lý và đủ lớn để xử lý nợ xấu này. Hai việc này cần làm cùng lúc.

Bên cạnh việc phải thay đổi tư duy tái cơ cấu kinh tế, theo ông, việc thực thi cần lưu ý vấn đề gì?

Tôi cho rằng, về tổ chức thực hiện cũng cần phải thay đổi. Lâu nay chúng ta nói nhiều về tái cơ cấu nhưng thực chất vấn đề tái cơ cấu kinh tế mới chỉ nằm bên rìa của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta có hai loại kế hoạch: Kế hoạch phát triển kinh tế (hàng năm, 5 năm) và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế. Trong tổ chức điều hành kinh tế, chúng ta thường chỉ nhắm đến mục tiêu nhiệm vụ của phát triển kinh tế - xã hội mà không chú ý đúng mức đến tái cơ cấu kinh tế. Vì thế, theo tôi cần đưa tái cơ cấu kinh tế thành một trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phải gắn mục tiêu phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu của tái cơ cấu kinh tế và ngược lại, không thể tách rời. Có như vậy tái cơ cấu mới có những đột phá chiến lược, các chuyển động của tái cơ cấu kinh tế mới trở thành những dòng chính của phát triển kinh tế - xã hội, chứ không chỉ là bên lề của phát triển kinh tế - xã hội. Và có như thế thì mới thu hút được tâm trí của các cơ quan lãnh đạo đối với vấn đề tái cơ cấu kinh tế, từ đó mới có hệ thống chỉ tiêu đánh giá, động lực thúc đẩy mô hình tăng trưởng, bởi nếu không người ta sẽ chỉ làm những điều có lợi, những điều không có lợi sẽ không làm. Trong khi đó, trong tái cơ cấu kinh tế thì những điều phải làm là vì lợi ích chung và rất nhiều người, nhóm người trong bộ máy của chúng ta sẽ bị giảm đi quyền lực, quyền lợi, vì như trên tôi đã nói, tái cơ cấu kinh tế sẽ thu hẹp, thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế xin - cho, mà cơ chế này gắn với quyền lợi của rất nhiều người, nếu thay thế nó thì chắc chắn họ sẽ không làm, hoặc làm chần chừ, do dự, không dứt khoát. Do đó, cần một sự chỉ đạo quyết liệt từ bên trên với sự giám sát mạnh mẽ của các lực lượng khác, cùng với nội lực tái cơ cấu từ bên trong thì mới thúc đẩy được quá trình tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy mô hình tăng trưởng.

Xin cảm ơn ông!

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

“Để nâng cao khả năng chịu đựng các cú sốc tài chính mới khi Việt Nam hội nhập sâu vào các FTA, Việt Nam cần tăng cường tính hiệu quả và lành mạnh của thị trường tài chính. Việt Nam đã có đề án và đang thực hiện cơ cấu lại hệ thống chứng khoán và ngân hàng. Tuy vậy, cách tiếp cận cải cách hệ thống tài chính vẫn thiên về từng thị trường, thay vì có tính liên hoàn giữa các thị trường cấu thành với nhau. Để làm mới so với các đề án, ngoài lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại và hoàn thiện thị trường tiền tệ, vấn đề cốt yếu là thúc đẩy mạnh hơn phát triển các thị trường cổ phiếu và trái phiếu để thị trường tài chính từng bước có được cấu trúc cân đối hơn, qua đó nâng cao tính lành mạnh và hiệu quả cho thị trường tài chính và quản trị công ty.

TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê:

“Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 cần tiến hành cổ phần hóa hiệu quả và quyết liệt hơn đối với các DNNN, đảm bảo khu vực này hoạt động lành mạnh, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và bình đẳng với các loại hình DN khác. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến DN”

TS.Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright:

“Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có trong lịch sử. Đây là những cơ hội rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, nhìn từ kinh nghiệm gia nhập WTO cho thấy, việc tận dụng các cơ hội không phải là điều đơn giản và các cơ hội đã biến thành thách thức. Với dư địa cho tăng trưởng sẵn có không còn và nội lực chưa được phát huy, thách thức phía trước với Việt Nam trên con đường hội nhập là rất lớn. Trong bối cảnh ước muốn là rất lớn, nhưng vai trò của Nhà nước là có hạn. Nhà nước chỉ nên tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng thay vì có sự tham gia một cách chủ động như thời gian qua. Nói chung đây là lúc Nhà nước cần phải xác định rất rõ vai trò của mình và phân định rạch ròi những vấn đề Nhà nước cần có vai trò, tránh việc làm thay thị trường và cần thiết tạo môi trường cho xã hội dân sự phát triển nhằm kiềm chế sự cấu kết giữa các doanh nhân (những người có tiền) và một số quan chức Nhà nước (những người có quyền), tạo ra các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm”.

Hoài Anh (ghi)

Thu Hiền (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tai-co-cau-phai-la-trong-tam-cua-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.aspx