Tái cơ cấu nông nghiệp chưa tạo chuyển biến

Sáng 25/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tái cơ cấu nông nghiệp.

Đổi mới sản xuất còn chậm

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và phê duyệt 6 Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực nhằm cụ thể hóa nội dung, giải pháp và lộ trình tái cơ cấu trong từng lĩnh vực bao gồm: Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi, Chế biến nông lâm thủy sản và muối. Ở các địa phương, đến nay, đã có 62/63 tỉnh, TP đã ban hành đề án (hoặc kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu (2013 - 2015), mặc dù nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng với tốc độ khá cao. Tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013 - 2015 đạt 88,3 tỷ USD, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD/năm. Đáng chú ý, đã có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào nông nghiệp như: TH True Milk, Vingroup, Vinamilk...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT cũng thẳng thắn thừa nhận, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trên thực tế, tăng trưởng của ngành chưa bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, triển khai tái cơ cấu chưa đồng bộ và không đồng đều ở các địa phương. Nhiều mô hình tổ chức sản xuất đổi mới còn chậm, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang ngày càng bộc lộ hạn chế. Ngoài ra, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số loại nông sản còn thấp, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập….

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, nông nghiệp Việt Nam cơ bản vẫn dựa trên quy mô nhỏ lẻ ở tất cả các lĩnh vực. Nước ta có hơn 13 triệu hộ nông dân nhưng chỉ có trên 3 triệu ha đất lúa, bình quân 0,3ha/hộ. Do vậy, việc tổ chức sản xuất hàng hóa lớn đáp ứng yêu cầu hội nhập vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu khốc liệt, nước biển dâng, nhiệt độ, lượng mưa đều diễn biến khốc liệt hơn, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất.

Xây dựng những vùng chuyên canh

Theo các đại biểu tại hội nghị, để tái cơ cấu nông nghiệp cần xác định sản phẩm thế mạnh, hướng đến thương hiệu quốc gia. Muốn vậy, các tỉnh phải hình thành các vùng chuyên canh đặc trưng, sau đó áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩn cạnh tranh.

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, phải hình thành các vùng chuyên canh tương ứng với quy mô đầu tư của các doanh nghiệp; tăng cường các ứng dụng khoa học công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư, phát triển các tổ chức cộng đồng, phân cấp cho các hiệp hội. Đặc biệt, phải đột phá chính sách đất đai để tích tụ ruộng đất để thu hút đầu tư.

Thực tế đất đai vẫn là một nút thắt trong nông nghiệp Việt Nam để vươn lên sản xuất lớn, vì vậy ông Sơn cho rằng, đột phá về chính sách đất đai là để tích tụ đất cho những người sản xuất kinh doanh giỏi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời đất đai trong nông nghiệp phải sử dụng linh hoạt theo tín hiệu của thị trường, không phụ thuộc quá nhiều vào đất lúa mà có thể chuyển sang các cây trồng giá trị kinh tế cao và thủy sản.

Ghi nhận những ý kiến trên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: “Bộ NN&PTNT đang tích cực hợp tác với các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia triển khai các mô hình đối tác công tư từ sản xuất đến tiêu thụ đối với rau, hoa quả, cà phê, chè, thủy sản và nhóm hàng hóa khác. Đồng thời đang xây dựng Nghị định về thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều địa phương cũng đã chủ động ban hành và thực thi các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trong và ngoài nước”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, nông nghiệp là “mặt trận” quan trọng, vì đa số dân nghèo sống ở nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp là để nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi mô hình từ chiều rộng sang chiều sâu, áp dụng khoa học công nghệ, kinh tế trí thức, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, tái cơ cấu nông nghiệp là lĩnh vực khó, không thể vội vàng. Do vậy, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ của tái cơ cấu nông nghiệp trước hết là gắn với phát triển thị trường, xác định các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, phát triển các sản phẩm cấp quốc gia, tỉnh, địa phương. Bên cạnh đó, tái cơ cấu nông nghiệp phải ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

H.V

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/tai-co-cau-nong-nghiep-chua-tao-chuyen-bien-20160825235250340.htm