Tái cơ cấu nông nghiệp: Bắt đầu từ đâu?

Ngày 3/11, thảo luận tình hình kinh tế xã hội tại Hội trường, các ĐBQH khẳng định cần phải tạo chính sách mới, động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp…

Tích tụ ruộng đất đã và đang diễn ra

Phát biểu trước QH về thực tiễn đời sống nông thôn, ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) thể hiện sự đồng tình cao với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường.

ĐB Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình

Bà cho biết, để tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn có nhiều việc phải làm, từ công tác quy hoạch đất đai, quy hoạch thủy lợi, giao thông đến quy hoạch nội bộ trong ngành trên từng lĩnh vực đến cơ chế, chính sách ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức sản xuất, chế biến, thị trường, quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên theo ĐB thì việc cấp thiết hiện nay Chính phủ cần tổng kết, nghiên cứu đưa ra những chính sách mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ưu tiên. Đặc biệt là chính sách về đất đai vì đây là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Việc tích tụ tập trung ruộng đất đã và đang diễn ra với nhiều hình thức và bước đi khá đa dạng, như dồn điền đổi thửa, nhận chuyển nhượng, mua hoặc thuê ruộng đất, góp ruộng đất và nhà nước thu hồi đất giao lại cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.

“Thực tế ở địa phương chúng tôi thấy hình thức doanh nghiệp thuê đất của người dân có thời hạn từ 5 đến 10 năm có tính khả thi và hiệu quả cao hơn, vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, vừa khắc phục được tâm lý sợ mất ruộng của người dân”, ĐB Thanh nhận xét.

Mặc dù quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất đang diễn ra đúng hướng nhưng theo bà Thanh, hoạt động tích tụ vẫn còn thiếu những định hướng và hành lang pháp lý của nhà nước, chưa tạo được niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp và người dân, do vậy tình trạng sản xuất manh mún vẫn còn phổ biến trong nông thôn.

Điều này hạn chế thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cũng như phát huy lợi thế nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp. Dẫn tới tình trạng người nông dân kém nhiệt tình đầu tư vào nông nghiệp, có xu hướng chuyển vốn sang đầu tư ở các lĩnh vực khác hoặc không sản xuất nhưng vẫn giữ ruộng để phòng cơ.

Để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, nhà nước cần có cơ chế động viên và hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả qua tích tụ, tập trung ruộng đất. Gắn quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại lao động ở từng địa phương, từng lĩnh vực trên phạm vi cả nước.

Trên cơ sở đó mới giải quyết được công ăn việc làm cho số lao động dôi dư không còn đất chuyển sang ngành nghề khác, giải quyết được vấn đề nâng cao năng suất lao động chung và năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nên xây dựng các chính sách phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê đất, tạo hành lang pháp lý về đất đai cho các đối tượng mua, bán, thuê, góp thuận lợi, thủ tục đơn giản và chi phí thấp.

Cần tăng đầu tư và đầu tư có định hướng

Quan tâm đến việc xây dựng cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp nhưng ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, chỉ nên có chính sách cho những doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp theo mô hình vừa sản xuất tập trung, vừa phân tán.

Trong đó lĩnh vực cần lưu ý là giống, công nghệ, vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm phải là do doanh nghiệp thực hiện. Người nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất phân tán. Việc này sẽ giải quyết được sản phẩm vừa đồng nhất về giống, về chất lượng và có một số lượng đủ lớn để tham gia thị trường.

“Đây là một mô hình đã khẳng định được, chính vì vậy nên chủ trương đầu tư. Theo tôi nên có chính sách thỏa đáng cho những doanh nghiệp đầu tư trọn gói như thế này”, ĐB Gia bày tỏ quan điểm.

Dưới góc độ khác, ĐB Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến tạo vùng sản phẩm kinh tế chủ lực, có thương hiệu, có giá trị gia tăng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng khẳng định phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên mối liên hệ của liên kết vùng và gắn với việc phát huy thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương.

“Gần đây Thủ tướng Chính phủ khẳng định nông nghiệp là một trong 3 loại thế mạnh của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay và kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng dành một khoản đầu tư cho lĩnh vực này.

Với đặc thù là lĩnh vực gặp nhiều rủi ro và tầm bao quát lớn liên quan đến nông dân của chúng ta còn trên 70%, tôi cho rằng việc tăng đầu tư cho lĩnh vực này là hết sức cần thiết và cần phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực này, chí ít là phải bổ sung thêm một gói đầu tư cho tái cơ cấu nông nghiệp như đề xuất của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chiều hôm qua”, ĐB RY kiến nghị.

ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh): "Những năm qua, nhà nước rất quan tâm, hỗ trợ trực tiếp đến người trồng lúa, trước đây theo Nghị định 42 và nay là Nghị định 35. Qua tiếp xúc cử tri, bà con rất cảm ơn nhà nước quan tâm đến người nông dân. Tuy nhiên, mỗi năm bình quân có nơi nhận 20 nghìn, có nơi nhận 10 nghìn. Bà con đề nghị toàn bộ số tiền này xin tập trung cho đầu tư nông nghiệp, nông thôn. Theo tôi được biết năm 2015 và năm 2016 chúng ta chi 6.800 tỷ cho chương trình này. Tôi đề nghị Chính phủ phải thay đổi hoặc điều chỉnh Nghị định 35, thay nguồn chi này vào cho đầu tư nông nghiệp, hoặc dùng nguồn vốn này để tái cơ cấu lại nông nghiệp".

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tai-co-cau-nong-nghiep-bat-dau-tu-dau-post179477.html