Tái cơ cấu ngân hàng: Đích ngắm là dứt điểm sở hữu chéo

Mặc dù các ngân hàng hiện vẫn nỗ lực thực hiện thoái vốn theo quy định lộ trình Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã trễ hạn hơn 1 năm, nhưng trước sức ép thoái vốn ngoài ngành ở lĩnh vực ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như áp lực tăng năng lực tài chính để đáp ứng chuẩn Basel II, tiến trình này đang gặp khó.

Vietcombank hiện vẫn nắm lượng lớn cổ phần tại 1 công ty tài chính và 4 ngân hàng khác

Những năm gần đây, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã từng bước lên kế hoạch và dần đẩy mạnh việc thoái vốn ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Song trên thực tế, việc thoái vốn tại lĩnh vực ngân hàng chưa đạt thành công như kỳ vọng.

Chẳng hạn, tại phiên đấu giá được tổ chức tại Sở GDCK Hà Nội hồi trung tuần tháng 4/2016 vừa qua, MobiFone đăng ký bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại SeABank (33,4 triệu cổ phiếu) và TPBank (14,28 triệu cổ phiếu) đều với giá thấp hơn mệnh giá (lần lượt là 9.600 đồng/CP và 8.900 đồng/CP), kết quả, không nhà đầu tư nào đăng ký mua cổ phần của SeABank, trong khi chỉ có 6 nhà đầu tư đăng ký mua 8,7 triệu cổ phần TPBank.

VNPT cũng thất bại trong việc bán 71,5 triệu cổ phần MaritimeBank và hiện tiếp tục đăng ký bán số cổ phần này nhằm thu về hơn 837 tỷ đồng. Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng bán bất thành gần 50.000 cổ phần tại hai ngân hàng, cho dù giá bán khởi điểm chưa đầy 5.000 đồng/CP.

Thực tế còn cho thấy, trong quá trình gia tăng năng lực tài chính, các ngân hàng không chỉ chịu áp lực thoái vốn ngoài ngành từ phía doanh nghiệp nhà nước, còn chịu sức ép thoái vốn theo Thông tư 36.

Vietcombank nắm 7,16% vốn MB; 8,19% vốn Eximbank; 5,07% vốn OCB và 4,37% vốn tại Saigonbank, 10,91% vốn của Công ty Tài chính cổ phần Xi măng.

Thông tư này quy định, một ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phần của tối đa không quá hai tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó; ngân hàng thương mại nắm giữ tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng hoặc ngân hàng tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm có hiệu lực, các ngân hàng thương mại vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện quy định nói trên, và sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng tiếp tục là vấn đề nan giải.

Điển hình là Vietcombank, khi là một trong những ngân hàng đang nắm giữ cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác vượt 5% theo quy định. Cụ thể, Vietcombank nắm 7,16% vốn MB; 8,19% vốn Eximbank; 5,07% vốn OCB và 4,37% vốn tại Saigonbank. Ngoài ra, Vietcombank còn sở hữu 10,91% vốn của Công ty Tài chính cổ phần Xi măng. Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Vietcombank được giữ nguyên tỷ lệ này tại MB, do MB hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vietcombank, Ngân hàng sẽ chỉ giữ lại cổ phần ở 2 nhà băng khác, tùy vào diễn biến của thị trường, giá cổ phiếu và kế hoạch kinh doanh của mỗi nhà băng.

"Tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong năm 2016 cần ở mức độ sâu hơn, chứ không chỉ dừng ở việc mua lại hay sáp nhập các ngân hàng yếu kém" - BVSC.

Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho cho rằng, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào lĩnh vực này, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nắm hơn 30% và thậm chí là 100% cổ phần của các ngân hàng Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt, nhằm tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu.

Hiện không ít ngân hàng trong nước đang tìm kiếm cổ đông nước ngoài để bán cổ phần, với tỷ lệ kỳ vọng vượt mức cho phép 30% như hiện nay, nhằm nâng cao năng lực tài chính, cũng như sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các ngân hàng đều hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Bởi khi quyết định đầu tư, họ đều phải xem xét, tính toán hết sức kỹ càng, trong đó bao gồm các vấn đề về “sức khỏe” ngân hàng, tiềm năng tăng trưởng, giá cổ phiếu…

Thực tế, để đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam lên trên mức trần 30% như hiện tại, thậm chí có thể bán 100% cho nhà đầu tư ngoại đối với những ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém đang cần nâng cao tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, chưa ngân hàng nào bán được 100% vốn cho nhà đầu tư, kể cả các ngân hàng yếu kém, và cuối cùng phải bán lại với giá 0 đồng cho Ngân hàng Nhà nước.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một trong các “đích ngắm” của quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng là giải quyết tình trạng sở hữu chéo. Vì vậy, tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong năm 2016 cần ở mức độ sâu hơn, chứ không chỉ dừng ở việc mua lại hay sáp nhập các ngân hàng yếu kém.

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/tai-co-cau-ngan-hang-dich-ngam-la-dut-diem-so-huu-cheo-165867.html