Tái cơ cấu kinh tế: trăm bề khó khăn

(TBKTSG Online) - Ngày mai (19-4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề án phức tạp nhất hiện nay mang tên “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”.

Tư Giang

Phân bố lại nguồn lực kém hiệu quả hiện nay là mục tiêu chính của đề án tái cơ cấu kinh tế. Ảnh TL.

Đề án tái cơ cấu bao gồm hàng loạt các lĩnh vực như hệ thống tín dụng, thị trường chứng khoán, doanh nghiệp nhà nước và kinh tế ngành, vùng,… và được xem như tín hiệu của công cuộc đổi mới lần hai của Việt Nam.

Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, một trong những tác giả chính của đề án này cho biết, mục tiêu tổng quát của đề án là phân bố lại nguồn lực hiện nay để làm nền kinh tế trở nên hiệu quả, năng suất, và cạnh tranh hơn.

“Trọng tâm của đề án phân bổ lại nguồn lực, tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và hệ thống tài chính là bước ban đầu để tạo ra tín hiệu cho thị trường nhằm phân bổ lại nguồn lực của nền kinh tế, làm cho nguồn lực từ ngành năng suất thấp, hiệu quả thấp sang ngành năng suất cao, hiệu quả cao”, ông Cung giải thích.

Theo ông Cung, đề án đưa ra 13 nhóm giải pháp, trong đó có hai nhóm đặc biệt nhằm làm cho môi trường vĩ mô tốt hơn lên để tạo tiền đề tái cơ cấu kinh tế.

Thứ nhất, là phải đạt được ổn định kinh tế vĩ mô chắc chắn và bền vững. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng thương mại cần được tái cơ cấu để tạo ra thị trường tài chính ổn định làm nền tảng cho phân bổ lại nguồn lực.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, ông Cung thừa nhận, đây là một đề án rất phức tạp, đụng chạm và ảnh hưởng đến nhiều nhóm lợi ích hiện nay trong nền kinh tế. Ông nói: “Thách thức lớn nhất của tái cơ cấu kinh tế là chưa ai lường được chi phí của nó. Tái cơ cấu nhằm phân bổ lại nguồn lực sẽ tạo ra một giai đoạn không thể tăng trưởng nhanh, nghĩa là sẽ phải có sự đánh đổi. Chúng ta có chấp nhận đánh đổi không?”.

Ông Cung, một trong những người góp công lớn cho Luật Doanh nghiệp năm 2000 tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, lo ngại các nhóm lợi ích đang hưởng lợi từ cơ chế phân bố nguồn lực hiện hành có thể sẽ cố tình làm chậm lại tiến trình tái cơ cấu.

Hơn nữa, nhiều DNNN sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất khi tái đầu tư công. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của một bộ phận trong khu vực kinh tế được xác định là chủ đạo trong nền kinh tế.

“Chính phủ có bù đắt cho lợi ích của khu vực này không, cũng như để họ ủng hộ chương trình tái cơ cấu?”, ông đặt câu hỏi.

Tóm lại, theo ông Cung, để có nhận thức chung và hành động theo đề án này là “điều không đơn giản vì chúng ta có nhiệm kỳ”.

Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được Chính phủ giao biên soạn đề án này, đồng tình với những lo ngại của ông Cung. Ông Sinh nói: “Để thực hiện đề án trước tiên phải tìm ra sự đồng thuận... Nhưng hiện tại mọi người dường như vẫn đang đứng ngoài cuộc”.

Ông Sinh nhận xét, kinh tế vĩ mô bất ổn hiện nay không tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành tái cơ cấu. “Môi trường vĩ mô của ta vẫn còn rủi ro. Không thể hôm nay hay ngày mai tái cơ cấu ngay được mà cần có thời gian”, ông nói.

Ông cho biết, phải làm sao để tái cơ cấu không tạo ra xáo trộn lớn trong xã hội. Vì lẽ đó, ông Sinh nói, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa dám đưa đề án này ra công chúng.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/sotay/75139/