Tái cơ cấu kinh tế: Phải có tiền

Trong phiên thảo luận tại tổ, kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XIV sáng nay 22-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Để tái cơ cấu phải có sự quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phải có "đội đặc nhiệm" đứng ra tái cơ cấu, có nguồn lực để thực hiện, nếu không chẳng khác nào “bổn cũ chép lại”.

ĐBQH trong phiên họp tại tổ thuộc các đoàn: Ninh Bình, Sóc Trăng, Quảng Bình... Ảnh: T.Th.

Phải có tiền

Nhấn mạnh thêm, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, phải cần một lượng tiền cần thiết dành cho tái cơ cấu, vì đây cũng là kinh nghiệm các nước.

Đây cũng là một trong những nội dung được Chính phủ báo cáo với Quốc hội tại Tờ trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Tại báo cáo này, trên cơ sở mục tiêu và quan điểm (bao gồm 2 cột trụ tái cơ cấu kinh tế), Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 do Chính phủ đưa ra, có 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm và các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên.

Tại mỗi nội dung và nhiệm vụ đều có các mục tiêu định lượng cụ thể, phân công công việc cụ thể và giải pháp thực hiện cụ thể nhằm tăng khả năng đo lường, đánh giá và kiểm soát quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này, Chính phủ dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng. Chính phủ cũng nhận định “khả năng huy động nguồn lực bổ sung là rất hạn chế”, do đó đã đưa ra nhiều phương án cụ thể.

Chính vì sự cần thiết phải có nguồn lực cho tái cơ cấu nền kinh tế, nên người đứng đầu Chính phủ đã nhắc đến điều này trong buổi thảo luận tại QH sáng nay.

Theo Thủ tướng Chính phủ: “Chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công. Bởi không quyết tâm chính trị cao thì vẫn là cách làm cũ, không ăn thua, kém hiệu quả”.

“Dám cắt bỏ đi cái gì kém hiệu quả” là quyết tâm phải thực hiện khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế được Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Ngoài ra, theo Thủ tướng Chính phủ, cần tập trung hơn vào một số thế mạnh của Việt Nam để tái cơ cấu.

Tăng trưởng coi chất lượng làm trọng

Đánh giá về công tác điều hành của Chính phủ thời gian qua, góp phần vào đạt và vượt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế- xã hội, các ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đều nhận định, các giải pháp thời gian qua của Chính phủ đã thể hiện sự năng động, lựa chọn những vấn đề liên quan cốt lõi đến người dân và DN, tạo bước đột phá. Theo các ĐB, một Chính phủ kiến tạo, khơi dậy phong trào khởi nghiệp, đã tạo niềm tin lớn cho DN yên tâm phát triển.

Cho ý kiến về các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế- xã hội, theo ĐB Nguyễn Đức Kiên: “Nói là 30 năm đổi mới nhưng chúng ta vẫn bị bệnh nhìn nền kinh tế theo kinh tế kế hoạch hóa, lấy chỉ tiêu làm trọng. Chúng ta vẫn đưa ra các con số là kinh tế vĩ mô ổn định, số DN đăng ký mới, số vốn đăng ký... Khi đi vào thực chất phải nhìn từ sức khỏe của DN, có bao nhiêu DN đi vào hoạt động, phát sinh thuế đóng góp cho ngân sách là bao nhiêu, như vậy mới thấy được kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển ra sao”.

ĐB dẫn chứng qua tổng hợp các con số thống kê tăng trưởng. Ông cho rằng, 10 năm qua quy luật là quý 1 thường tăng trưởng thấp, đến quý 2 tăng dần và quý 4 mới tăng thật sự. Nếu quý 1 và quý 4 chênh nhau quá thì có nghĩa nền kinh tế có vấn đề.

“Tình trạng xuất siêu vẫn do FDI là chính, cơ cấu kinh tế sau 5 năm 2011-2015 thể hiện ở năm 2016 là cơ cấu kinh tế đổi mới rất chậm. Như vậy có bền vững không? Câu trả lời là rất chậm. Nếu XK giảm mà công nghiệp chế biến tăng hơn năm trước 0,7%, như vậy hàng của chúng ta quay sang thị trường nội địa không còn khả năng XK nữa. Do đó, sang năm 2017 không đề mục tiêu XK cao quá vì còn phụ thuộc thị trường của nước ta”, ĐB Nguyễn Đức Kiên nói.

Góp ý cụ thể vào tình hình kinh tế- xã hội năm 2016-2017, ĐB này cho rằng, các chỉ tiêu năm 2016 phải được xem xét một cách kỹ lưỡng hơn, nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, ví dụ như chỉ tiêu GDP giảm, XNK giảm, thu ngân sách cũng vì thế bị ảnh hưởng là một thực tế.

“Như vậy, năm 2017, xác định tăng trưởng 6,2% hay 6,7% cũng là quan trọng nhưng không quyết định bằng chất lượng tăng trưởng và hài hòa giữa phát triển kinh tế- xã hội và tài chính ngân sách”, ĐB Nguyễn Đức Kiên phân tích thêm.

ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) bày tỏ băn khoăn vì năm nay không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, chỉ tiêu thu chi ngân sách cũng được dự kiến theo mức tăng trưởng này nên tạo nhiều áp lực cho ngành Tài chính. “Nếu vậy các chỉ số tổng thu, tổng chi, huy động vốn, nợ công sẽ thay đổi và thay đổi theo chiều hướng xấu. Từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian, cần tập trung vào khâu đột phá, nhất là nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, cần tập trung vốn, nhân lực, trí tuệ để phấn đấu tăng trưởng kinh tế khu vực nông lâm thủy sản được thêm 1-2%, sẽ góp phần tăng trưởng cho kinh tế và 70% người dân sống ở nông thôn sẽ được hưởng lợi, giữ an sinh xã hội”, ĐB Nguyễn Văn Thể nói.

Liên quan đến việc thực hiện dự toán năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ, cần thiết phải có sự vào cuộc của các địa phương trong phối hợp thực hiện với ngành Tài chính. Ngành Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, kiểm soát chặt chi ngân sách, hạn chế bội chi và nợ công tăng nhanh.

Trong chương trình làm việc ngày 22-10, các ĐBQH thảo luận ở tổ về: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Minh Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-doi-dac-nhiem-tai-co-cau-kinh-te.aspx