Tái cơ cấu chậm do chủ quan là chủ yếu

Trong 2 ngày thảo luận (từ 2-3/11) về nội dung kinh tế-xã hội, có 91 đại biểu Quốc hội phát biểu. Một số đại biểu đã tranh luận về nội dung mình quan tâm và có 6 Bộ trưởng tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan. Trong đó, nhiều đại biểu góp ý sâu về nội dung tái cơ cấu kinh tế.

Phát biểu kết thúc phần thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng.

Nội dung ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện, bao quát các lĩnh vực từ kinh tế-xã hội, chính trị, ngoại giao, quốc phòng và an ninh. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao và thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, các ý kiến cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về 5 kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Đó là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm so với yêu cầu và lộ trình đã được phê duyệt, hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn thấp, tái cơ cấu tổ chức tín dụng mới đạt kết quả bước đầu, nợ xấu và hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết triệt để. Hiệu quả đầu tư công còn thấp, tái cơ cấu đầu tư công chưa gắn với tái cơ cấu tài chính công. Tái cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, trong nội bộ ngành, lĩnh vực còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là khâu chậm và yếu nhất.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Có ý kiến cho rằng trong một số trường hợp có biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm chi phối, công tác giám sát của tổ chức và cá nhân chưa được phát huy.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại thị trường tài chính, cơ cấu lại đầu tư công. Song cần làm rõ mô hình tăng trưởng; đồng thời, cần thiết rà soát các chỉ tiêu, nội dung và nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm tính cụ thể, tính khả thi trong thực hiện.

Nhiều ý kiến đại biểu lo lắng trước vấn đề đầu tư công kém hiệu quả. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ việc đầu tư 5 dự án và một số dự án khác không hiệu quả, trách nhiệm thuộc về ai. Vấn đề huy động và phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, vấn đề nợ công, kỷ luật, kỷ cương tài chính, ô nhiễm môi trường, vấn đề đất đai và chính sách đất đai có thể ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho biết nhiều ý kiến thống nhất với 10 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện 5 nội dung theo Báo cáo của Chính phủ, song yêu cầu phải cụ thể hơn, không chung chung và phân tích sâu hơn, tập trung vào vấn đề tái cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn. Các ý kiến cũng cho rằng, chính sách và nguồn lực chưa đủ mạnh, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa có nhiều cơ chế đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm vẫn là lực cản cho sự phát triển. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp và nông thôn là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa (Thừa Thiên-Huế). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều ý kiến đại biểu lo lắng về vấn đề môi trường xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, tình trạng phá rừng làm thủy điện, làm nhà máy ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên, thậm chí phá vỡ môi trường sống, môi trường văn hóa của người dân nhất là các vùng miền núi, đồng bào dân tộc. Một số ý kiến đề nghị cần thay đổi chính sách và nâng cao kinh phí trong công tác bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ cấp bách.

Về đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và cho rằng Chính phủ có những bước khởi động hết sức tích cực và đã có hành động cụ thể và quyết liệt, tạo được niềm tin cho nhân dân.

Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn rõ vào những khó khăn nội tại của nền kinh tế, những tồn tại, yếu kém trong quản lý và điều hành; đánh giá được những thách thức, tác động đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm 2016. Nhiều đại biểu đề nghị trong những tháng cuối năm nay, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra. Do đó, cần tập trung vào nhiệm vụ khắc phục ô nhiễm môi trường, tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật tài chính, tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra năm 2016 ở mức cao nhất.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất mục tiêu tổng quát, các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 như Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các yếu tố tăng trưởng tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giữ trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội chia sẻ và đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chú trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nông dân, tập trung triển khai tại các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt hạn hán, biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn, chú trọng hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống và giáo dục, y tế. Trong đó đặc biệt quan tâm chú ý đến địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế chưa phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các vấn đề về y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, vấn đề an ninh, quốc phòng, hoạt động tư pháp, phòng, chống tội phạm được nhiều đại biểu quan tâm. Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường và quyết liệt hơn nữa hoạt động giám sát, thực hiện pháp luật và nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được Tổng Thư ký Quốc hội ghi chép và phản ánh đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo hai nghị quyết trình Quốc hội thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/tai-co-cau-cham-do-chu-quan-la-chu-yeu/290751.vgp