Tái cơ cấu cần gắn với kết quả là đời sống người dân được tốt hơn

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 được đặt ra là nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển.

Báo cáo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nêu rõ, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thuận lợi, hiệu quả đầu tư bước đầu được cải thiện. Thị trường tài chính dần đi vào ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo, lãi suất cho vay trung bình giảm. Tái cơ cấu các ngành kinh tế đã đạt được một số thay đổi về chuyển dịch tỷ trọng các ngành. Tái cơ cấu vùng kinh tế được chú trọng thực hiện...

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Cụ thể, mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp và chậm được cải thiện, môi trường vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Việc thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra, tái cơ cấu các ngành kinh tế chưa tạo ra được sự thay đổi tích cực đủ lớn trong cơ cấu kinh tế giữa các ngành, nội ngành...

Quang cảnh phiên họp chiều 20-10

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm và các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cụ thể, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên. Các nội dung tái cơ cấu trọng tâm bao gồm: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu NSNN và khu vực dịch vụ sự nghiệp công; Tái cơ cấu thị trường tài chính; Hiện đại hóa công tác quy hoạch,cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Trong Báo cáo tóm tắt thẩm tra Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Tuy vậy, về quan điểm tái cơ cấu, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ mô hình tăng trưởng từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới; nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện, đó là: tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin-cho; nhanh chóng khoanh vùng xử lý các vấn đề tồn đọng kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, đe dọa các thành quả kinh tế-xã hội và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Những vấn đề tồn đọng cần hoàn thành trong 2 năm đầu của Kế hoạch để tập trung nguồn lực tái cơ cấu các lĩnh vực khác. Gắn tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thu hút nguồn lực cho tăng trưởng trong xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tái cơ cấu gắn với kết quả là đời sống người dân tốt hơn.

Ủy ban Kinh tế cũngđề nghị tăng cường giám sát của Quốc hội, có ý kiến đề nghị thành lập Nhóm theo dõi việc tái cơ cấu gồm đại diện các cơ quan Quốc hội. Đề nghị UBTVQH tăng cường chất vấn (2-3 lần/năm) về tái cơ cấu; đề nghị Chính phủ hàng năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu tại các kỳ họp Quốc hội cuối năm, báo cáo hàng quý gửi Ủy ban Kinh tế và các cơ quan Quốc hội khác.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tai-co-cau-can-gan-voi-ket-qua-la-doi-song-nguoi-dan-duoc-tot-hon/705419.antd