Tái cơ cấu: Bộ trưởng 'lo nhất là ngân hàng'

Phải minh bạch các ngân hàng 0 đồng, nợ bao nhiêu, chuyển hoá thế nào, ai chịu trách niệm phải công khai...

Phiên thảo luận của tổ gồm các đoàn  Thanh Hoá, Hậu Giang, Vĩnh Phúc.

Nguyễn Lê

"Tôi đố đồng chí nào hình dung được ngân hàng Việt Nam đang như thế nào, mạnh hay yếu, thực chất ra sao",  Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung (Thanh Hoá) phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 22/10 của Quốc hội.

Cũng như nhiều ý kiến khác, ông Dung còn không ít băn khoăn về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng.

Phải minh bạch các ngân hàng 0 đồng

Ông Dung cho rằng vấn đề cần phải lưu ý là thời gian qua đặt vấn đề tái cơ cấu kinh tế nhưng thực ra tăng trưởng theo chiều rộng. Tức là tăng trưởng dựa vào lợi thế có sẵn, tài nguyên thiên nhiên môi trường và gia tăng lao động mà chủ chủ yếu là tận dụng giai đoạn dân số vàng, nhưng giai đoạn này chỉ đến 2025 là hết. Ngoài ra, Việt Nam cũng dựa vào vốn đầu tư để phát triển nền kinh tế.

Nhìn vào những hạn chế, yếu kém trong ba trọng tâm tái cơ cấu, Bộ trưởng nhấn mạnh lo nhất là ngân hàng.

"Mạnh như Mỹ mà khi ngân hàng quốc gia có chuyện cả nền kinh tế chao đảo, ở Việt Nam chỉ cần hai ngân hàng có vấn đề thì chắc chắn không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn liên quan đến đời sống chính trị, xã hội rất nhiều", ông Dung nói.

Sự lo lắng của Bộ trưởng cũng xuất phát từ các số liệu ngân hàng hiện tại theo ông là rất “nhảy múa”.

Phải minh bạch các ngân hàng 0 đồng, nợ bao nhiêu, chuyển hoá thế nào, ai chịu trách niệm phải công khai không thể mập mờ, ông Dung đề nghị.

Theo Bộ trưởng, tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 cần tập trung xử lý ngân hàng thương mại yếu kém trên cơ sở đánh giá thực chất tình hình.

Bên cạnh hệ thống ngân hàng, về hai trọng tâm tái có cấu còn lại Bộ trưởng cho rằng bức tranh đầu tư công còn lãng phí và doanh nghiệp nhà nước cũng còn không ít vấn đề.

Người ta nói một số doanh nghiệp nhà nước không chỉ phá về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, nhìn vào vinashin, vinaline và một số vụ án tham nhũng làm sao mà không xói mòn, ông Dung bình luận.

Đề nghị phải xem xét rà soát xem cần để lại doanh nghiệp nào, Bộ trưởng cũng nói rõ quan điểm là như Vinashin hay Vinaline thì đã chết nên cho chết luôn, chứ không nên lâu lâu lại bơm cho tí sữa, chết chả chôn được.

Chưa đạt mục tiêu

Khái quát kết quả tái cơ cấu 5 năm qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, Quốc hội yêu cầu là đến năm 2015 phải cơ bản đạt được các mục tiêu về tái cơ cấu thế nhưng rõ ràng chúng ta khẳng định là chưa đạt được, cho nên phải tiếp tục thực hiện.

Đấy là nội dung cần tập trung phân tích kỹ, Phó chủ tịch lưu ý.

Cho rằng cần suy nghĩ về chất lượng tái cơ cấu, Phó chủ tịch nhận xét, tái cơ cấu đầu tư công có lẽ mới chỉ được một việc thôi là trước đây quyết định những dự án công trình không theo quy hoạch hoặc chỉ dựa vào ý kiến chủ quan mà chưa tính đến nguồn lực. Nay bắt đầu phải theo quy hoạch, theo định hướng rồi bố trí nguồn lực.

Còn việc dành dư địa lẽ ra là ngân sách trước đây ôm đồm bao hết thì nay chuyển sang các thành phần kinh tế khác làm thì hiệu quả chưa cao, ông Hiển nói.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Phó chủ tịch nhận xét rõ ràng đang chậm và đến phút cuối vẫn tranh luận với nhau là có để doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia không.

Có nguyên nhân cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm là do thị trường tài chính, thị trường chứng khoán chưa mạnh, còn ảm đạm nhưng rõ ràng cũng có nguyên nhân xác định mục tiêu cũng chưa rõ. Thậm chí cũng có phần là một số còn bảo thủ, không muốn chuyển đổi, vì lợi ích, đấy là cái chúng ta cũng cần mổ xẻ, phân tích, ông Hiển nói.

Với cơ cấu lại thị trường tài chính trong đó trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng thương mại, Phó chủ tịch nhận xét thời gian vừa qua đã làm tương đối quyết liệt nhưng rõ ràng có cái chưa thực chất, như vấn đề xử lý nợ xấu.

Nợ xấu - cái gọi là ách tắc nhất, "cục máu đông" nhất thì bây giờ vẫn là 253 ngàn tỷ, coi như VAMC mới mua về để đấy thôi, khoanh đấy thôi còn xử lý thực ra mới được 13% thôi, còn hơn 200 ngàn tỷ nữa là chưa, vẫn đắp chiếu để đấy, Phó Chủ tịch đề cập một số con số cụ thể.

Hệ thống ngân hàng có cái đã sáp nhập, một số cái phải mua lại 0 đồng , phải nói rằng cũng có thay đổi nhưng rõ ràng chưa thực chất, chưa có chiều sâu, Phó chủ tịch nhận xét.

Theo phó chủ tịch, ba đột phá trong ba trọng tâm tái cơ cấu chưa giải quyết được chính là nút thắt cho quá trình tài cơ cấu nền kinh tế, cần đặc biệt quan tâm thời gian tới.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/tai-co-cau-bo-truong-lo-nhat-la-ngan-hang-20161022021958869.htm