Tài chính tuần qua: Vietcombank bị cướp, truy nã nguyên Giám đốc Techcombank

Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh ở Trà Vinh bị cướp, truy nã nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Techcombank TP.HCM là hai trong số những tin bài 'nóng' trên mặt báo tài chính tuần qua.

Ảnh minh họa.

Cướp ngân hàng ở Trà Vinh: Lộ diện nghi phạm

Ngày 28/4, tổ công tác của Cục cảnh sát hình sự (Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an) đã đến Trà Vinh họp bàn phương án với Ban giám đốc, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Trà Vinh điều tra, truy bắt nghi phạm gây ra vụ cướp ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh thị xã Duyên Hải.

Hiện tổ công tác của Bộ Công an cùng với Công an tỉnh Trà Vinh đã quay lại kiểm tra hiện trường vụ cướp.

Theo nhận định của Cục cảnh sát hình sự, vụ cướp ngân hàng mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Nghi phạm có thể đã theo dõi hoạt động của chi nhánh nên chọn thời điểm gây án là phòng giao dịch không có khách, nhân viên đang tất toán… (Xem tiếp)

Tiết lộ bất ngờ về vụ cướp 2 tỷ đồng trong ngân hàng

Theo cơ quan điều tra, thủ phạm có thể đến từ nơi khác và đã theo dõi ngân hàng một thời gian dài, nắm rõ quy luật hoạt động tại đây. Đối tượng chờ thời điểm nhân viên ngân hàng đang tất toán để gây ra vụ cướp.

Được biết, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trụ sở tại khóm 1, phường 1, TX Duyên Hải vừa mới khai trương và đưa vào hoạt động khoảng 2 tháng nay.

Theo nguồn tin từ một lãnh đạo Công an tỉnh Trà Vinh, toàn bộ vụ cướp diễn ra trong thời gian khoảng 5 phút. (Xem tiếp)

Truy nã nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Techcombank TP.HCM

Chiều 24/4, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an cho biết cơ quan này vừa phát lệnh truy nã đối với Lương Hữu Lâm (nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN Chi nhánh TP.HCM (Techcombank HCM) và Đinh Thị Hiền (nguyên Phó Giám đốc Techcombank HCM) về tội vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại Techcombank HCM, gây thiệt hại cho ngân hàng 30 tỷ đồng.

Cầm đầu trong vụ án này là ông Đặng Phước An (Giám đốc công ty TNHH Vân An, tỉnh Bình Phước), bị khởi tố và bắt giữ vào tháng 3/2016 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số lãnh đạo, cán bộ khác của Techcombank HCM cũng bị khởi tố và bắt tạm giam về tội "Vi phạm phạm quy định về cho vay".

Theo CQĐT, tháng 3/2007, Công ty TNHH Vân An vay vốn tại Techcombank HCM và được cấp hạn mức tín dụng đến 45 tỷ đồng. Giữa năm 2008, do kinh doanh thua lỗ, công ty này không còn khả năng tài chính để hoạt động nên ông An đã lập báo cáo tài chính thể hiện công ty Vân An kinh doanh có lãi để được gia hạn hạn mức tín dụng. (Xem tiếp)

ĐHĐCĐ MB: Trả cổ tức đều, sao giá cổ phiếu vẫn thấp hơn các ngân hàng khác?

Báo cáo tại Đại hội, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, năm 2016, MB đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2016 với tổng tài sản đạt 256.259 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2015, huy động vốn đạt 194.812 tỷ đồng, tăng 7,3%, dư nợ đạt 150.738 tỷ đồng, tăng trưởng 24%, lợi nhuận trước thuế đạt 3.651 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2015, trong đó riêng ngân hàng đạt 3.711 tỷ đồng, tăng trưởng 17,8% so với năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,32%.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2016, HĐQT ngân hàng trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 11% vốn điều lệ, trong đó, ngân hàng trả 6% bằng tiền mặt và trả 5% bằng cổ phiếu. (Xem tiếp)

Vì sao VietABank tăng vốn bất thành?

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện phương án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt, tính đến cuối năm 2016, VietABank về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, bao gồm hoàn tất việc chỉnh sửa 75/77 kiến nghị theo kiến nghị và kết luận thanh tra NHNN.

Về việc tăng vốn điều lệ, lãnh đạo ngân hàng cho biết, năm 2016, VietABank vẫn chưa thực hiện được phương án tăng vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng như kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do chịu sự ảnh hưởng từ tăng trưởng chậm của kinh tế trong và ngoài nước. Đồng thời, do nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng tăng cao trong những năm gần đây đã làm tăng lượng cung cổ phiếu của ngành ngân hàng trên thị trường chứng khoán. (Xem tiếp)

Cựu phó Chủ tịch LienVietPostBank ứng cử vào hội đồng quản trị Sacombank

Trong danh sách các ứng viên HĐQT lần này của Sacombank xuất hiện 3 cái tên mới bao gồm ông Nguyễn Đức Hưởng, ông Phạm Văn Phong và bà Nguyễn Thị Bích Hồng. Ông Nguyễn Đức Hưởng nguyên là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank và vừa từ nhiệm ngân hàng này hôm 24/4.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Hồng hiện đang giữ chức Tổng giám đốc công ty chứng khoán Liên Việt còn ông Phạm Văn Phong là Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đăk Lăk

Bốn thành viên cũ không còn tên trong danh sách ứng cử lần này của ngân hàng bao gồm Phó Chủ tịch Phan Huy Khang, các Thành viên HĐQT bao gồm bà Nguyễn Thị Lệ An, bà Dương Hoàng Quỳnh Như và ông Nguyễn Gia Định. (Xem tiếp)

ĐHĐCĐ ABBank: Dự kiến đưa cổ phiếu lên UPCoM năm 2017

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT của ABBank, cho biết, tại ABBank có 2 tổ chức quốc tế là IFC và Maybank góp vốn nên cổ đông yên tâm là ngân hàng sẽ hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mục tiêu của ban lãnh đạo ngân hàng trong thời gian tới là đưa ABBank trở thành ngân hàng số trong tương lai. ABBank yêu cầu Maybank thuê các chuyên gia để tư vấn về vấn đề này vì Maybank đã có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng bán lẻ. (Xem tiếp)

ĐHĐCĐ SHB: Sẽ trả ngay cổ tức 7,5% nếu được cổ đông thông qua

Xin Ban lãnh đạo cập nhật hoạt động công ty tài chính tiêu dùng SHB. Tăng trưởng tín dụng 2017 chỉ ở mức 18% mà lợi nhuận trước thuế tăng 50% thì có hợp lý hay không? Ngân hàng có khoản thu khác nào không?

Về công ty tài chính tiêu dùng, chúng tôi đã hoàn tất các yêu cầu thủ tục pháp lý, vốn điều lệ công ty đạt 1.000 tỷ đồng, cơ bản cũng hoàn thành cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Chúng tôi đang tiến hành tuyển dụng Tổng giám đốc, đã mời được một số ứng viên xuất sắc trên thị trường về làm Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, con người là yếu tố quyết định.

Một số ngân hàng đi trước có công ty tài chính tiêu dùng có hỗ trợ rất tốt, đóng góp lợi nhuận đáng kể cho các ngân hàng thương mại. Công ty tài chính tiêu dùng làm được những điều mà ngân hàng không làm được, kể cả về mặt lãi suất. Thế mạnh của SHB là có các đối tác lớn, nếu có thêm công ty tài chính tiêu dùng, bên cạnh bán lẻ thông thường, chúng ta sẽ tiến hành cả bán lẻ trong bán buôn. (Xem tiếp)

ĐHĐCĐ NCB: Đang đàm phán với 4-5 đối tác nước ngoài để tìm cổ đông chiến lược

Bà Nguyễn Thị Mai, Thành viên HĐQT cho biết, trong quý II, III, IV vừa rồi, HĐQT đã có rất nhiều cuộc làm việc với rất nhiều đối tác trong nước và nước ngoài, mong muốn làm đối tác của ngân hàng. Cũng chính vì vậy, HĐQT trình cổ đông phương án tăng vốn để gọi đối tác nước ngoài, hy vọng cổ phiếu NCB cũng vì vậy sẽ có động lực để tăng mạnh trong thời gian tới.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên HĐQT độc lập: Tôi cảm thấy phương án tăng vốn 3.000 tỷ trong năm nay khá táo bạo nhưng có lẽ đây cũng là điều mà HĐQT tâm đắc từ 3 năm nay, chúng ta đã rất nỗ lực tìm kiếm các đối tác trong nước và nước ngoài. Cho tới hiện tại, ngân hàng đã ký hợp đồng chính thức với một ngân hàng tư vấn lớn của Mỹ về tư vấn và lựa chọn đối tác chiến lược cho ngân hàng, hy vọng năm nay sẽ tìm được đối tác chiến lược. (Xem tiếp)

ĐHĐCĐ Vietcombank: Đề xuất rút vốn khỏi Eximbank, ước lãi trên 700 tỷ

Báo cáo tại đại hội, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, năm 2016, Vietcombank đạt và vượt các chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao. Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt 787.907 tỷ đồng, tăng 16,83% so với năm 2015, vốn chủ sở hữu đạt 48.102 tỷ đồng, tăng 6,48%, trong đó, lợi nhuận chưa phân phối đạt 5.831 tỷ đồng.

Vốn huy động từ nền kinh tế trong năm của ngân hàng đạt 600.737 tỷ đồng, tăng 19,28% so với năm trước, dư nợ cho vay khách hàng đạt 460.808 tỷ đồng, tăng 18,85% so với cuối năm 2015.

Kết thúc năm, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 8.523 tỷ đồng, tăng 24,8% so với năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,46%, hệ số an toàn vốn CAR ở mức 11,13%. (Xem tiếp)

Chủ tịch Vietcombank: Việc bán vốn cho đối tác là khó khả thi nhưng nhu cầu tăng vốn là cấp thiết

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 tổ chức sáng nay (28/4), ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, hiện Ban lãnh đạo đã có một số kiến nghị lên Chính phủ và NHNN, tuy nhiên, vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan quản lý.

“Việc bán cho đối tác là khó khả thi nhưng việc tăng vốn của ngân hàng là cấp thiết. Với kế hoạch kinh doanh của VCB, đã có một số đối tác lớn nước ngoài, trong đó có GIC tiếp tục đề xuất hợp tác. Chúng tôi cũng tiếp tục đàm phán và đệ trình phương án vừa đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước nhưng cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào VCB. Hiện giá của VCB sau pha loãng vẫn lớn hơn giá của 3 ngân hàng đứng sau cộng lại”, ông Thành cho biết. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-tuan-qua-vietcombank-bi-cuop-truy-na-nguyen-giam-doc-techcombank-2716910.html