Tài chính tuần qua: Ngân hàng Xây Dựng “đau đầu” với “con nợ” Phương Trang

Với khoản nợ xấu gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu tại 10 bộ hồ sơ khởi kiện liên quan đến nhóm công ty Phương Trang, do tồn đọng từ nhiều năm qua, sau nhiều lần làm việc, không đạt kết quả như mong muốn, để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, CB bắt buộc phải đưa ra khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật căn cứ trên quyền chủ nợ đầy đủ và hợp pháp của CB.

Ảnh minh họa.

Lãnh đạo Ngân hàng Xây Dựng: “Công ty Phương Trang mới trả chưa tới 0,34% nợ gốc”

Khởi kiện là hoạt động hết sức bình thường, công việc mà CB cũng như bất kỳ ngân hàng nào cũng phải làm, là điều khoản mặc định trong tất cả các hợp đồng giao dịch; nhất là đối với bên có quyền lợi hợp pháp cần được bảo hộ.

Ở đây nói tới công ty Phương Trang là một khái niệm chung để chỉ nhóm nợ có liên quan đến các doanh nghiệp có mang thương hiệu Phương Trang và các cá nhân có liên quan.

"Kể từ khi CB chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu Nhà nước, chúng tôi tiếp nhận toàn bộ hồ sơ lưu lại từ ngân hàng cổ phần tiền nhiệm trước đây, căn cứ trên hồ sơ để lần lượt đưa ra xử lý". Ông Khá cho biết: "Quan điểm của CB, nhóm nợ công ty Phương Trang vẫn là khách hàng, và chúng tôi luôn mong muốn xử lý nợ được bằng thu hồi tiền mặt. Về tài sản thế chấp, nhóm công ty Phương Trang vẫn đang khai thác". ( Xem tiếp)

Vì sao ngân hàng Xây Dựng dính “con nợ” Phương Trang?

Theo nguồn tin của BizLIVE, công ty Phương Trang thực hiện vay vốn của CB từ thời ngân hàng này mang thương hiệu ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank).

Công ty Phương Trang trước khi có quan hệ tín dụng với TrustBank đang thực hiện vay vốn tại ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Với mối quan hệ của chủ TrustBank lúc đó đã kéo công ty Phương Trang về với TrustBank bằng cách chuyển nợ của công ty Phương Trang từ SCB về TrustBank. (Xem tiếp)

Bộ Tài chính: Yêu cầu BIDV và VietinBank thực hiện đúng quy định của pháp luật

Ngày 18/5, Bộ Tài chính đã có công văn số 6715/BTC-TCT gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thu NSNN từ cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước.

Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ, thì việc Bộ ban hành văn bản nói trên là đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc yêu cầu các ngân hàng phải chấp hành đúng chính sách pháp luật của nhà nước. (Xem tiếp)

Yêu cầu VietinBank, BIDV trả cổ tức tiền mặt: “Không vì ngân sách khó khăn”

Liên quan đến vấn đề Bộ Tài chính có công văn "đòi" Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) trả cổ tức bằng tiền mặt, ngày 7/6, Bộ Tài chính đã phát đi thông báo cho biết, việc Bộ ban hành văn bản nói trên là đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc yêu cầu các ngân hàng phải chấp hành đúng chính sách pháp luật của nhà nước.

Ngày 8/6, trao đổi với phóng viên, thông tin chi tiết hơn về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tiếp tục khẳng định, việc đề nghị BIDV và VietinBank trả cổ tức của Bộ Tài chính là thực hiện Nghị quyết của Quốc hội chứ không phải do ngân sách khó khăn. (Xem tiếp)

Chưa biết lấy tiền đâu cho vay mua nhà ở xã hội lãi suất 4,8%

Ngày 6/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi của NHCSXH đối với các đối tượng quy định tại Nghị định sẽ là 4,8%/năm, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016 và được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Như vậy, song song với quyết định kéo dài thời hạn giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng tới cuối năm 2016 vừa được NHNN công bố thì những người lao động có thu nhập thấp sẽ có thêm sự lựa chọn vay vốn tại NHCSXH với mức lãi suất thấp hơn gói vay 30 nghìn tỷ đồng ở các NHTM là 0,2%/năm. (Xem tiếp)

Trong ngân hàng, làm ở bộ phận nào để có lương cao và dễ được thưởng nhất?

Lương ngân hàng cao, đó là điều không cần bàn cãi. Thống kê cho thấy, trong quý đầu năm nay, bình quân cán bộ nhân viên Vietcombank và VietinBank đều có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Các ngân hàng như Techcombank, Quân đội, BIDV, VIB trả lương cho nhân viên từ 17 – 19 triệu đồng/tháng, còn làm tại ngân hàng ACB, Sacombank, Eximbank cũng được trên 14 triệu đồng/tháng…

Bởi vì thu nhập tính bình quân nên người này lương cao, người kia lương thấp là chuyện đương nhiên. Nhưng ai là người lương cao, ai lương thấp, làm ở bộ phận nào để có thu nhập “đỉnh” nhất, phòng ban nào có thưởng to nhất thì không phải ai cũng biết. (Xem tiếp)

Tranh cãi quanh việc VietinBank không chịu thi hành án với Phước Sang

Chi cục Thi hành án quận I cho rằng, việc VietinBank đề nghị cơ quan này liên hệ với bên có tài khoản bị khấu trừ để có sự đồng thuận là vô lý. Mặt khác, Chi cục nhấn mạnh quyết định khấu trừ là một biện pháp cưỡng chế thi hành án, không cần biết có sự chấp thuận hay không chấp thuận của người bị cưỡng chế. Mọi thắc mắc, khiếu nại của bên bị khấu trừ thì cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm giải quyết, còn ngân hàng phải chuyển tiền theo quyết định của cơ quan thi hành án.

Tuy nhiên, VietinBank chi nhánh Đồng Nai không thực hiện quyết định chuyển tiền này. Và theo đơn vị thi hành án dân sự quận I thì việc này đã vi phạm vào khoản 10, điều 162 Luật Thi hành án dân sự "không chấp hành quyết định của Chấp hành viên về việc khấu trừ tài khoản, trừ vào thu nhập, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án". (Xem tiếp)

Bộ phận ăn lương cao nhất ngân hàng: Vào đã khó, tồn tại được quá 1 tháng còn khó hơn

Kinh doanh ngoại hối là lĩnh vực rất phức tạp, thường xuyên phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro từ sự biến động của thị trường. Chẳng thế mà dù mức lương được trả cao hơn hẳn các vị trí khác song không phải ai cũng có thể đảm đương được.

Theo Phó tổng giám đốc phụ trách về kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có 3 tố chất đòi hỏi ở một người làm về ngoại hối đó là am hiểu sâu thị trường tài chính; nhạy cảm với diễn biến của thị trường; và đặc biệt phải có bản lĩnh. (Xem tiếp)

BIDV sẽ điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức 2015?

Riêng nội dung Dự thảo Tờ trình ĐHĐCĐ thông qua Báo cáo tài chính năm 2015, việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2016 và phương án tăng vốn điều lệ năm 2016, ĐHĐCĐ đã ủy quyền cho HĐQT BIDV thực hiện điều chỉnh phương án theo phê duyệt chính thức cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

"Như vậy, Đại hội đồng cổ đông thông qua nội dung phương án chi trả cổ tức là quyết định 'có điều kiện' và ủy quyền cho Hội đồng quản trị BIDV thực hiện điều chỉnh phương án chi trả cổ tức theo quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền", thông cáo ngân hàng cho biết. (Xem tiếp)

Nghề tay trái bán bảo hiểm giúp nhân viên ngân hàng thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm

Câu chuyện giới văn phòng tranh thủ làm thêm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập không còn là mới. Thế nhưng, trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu đang lan tỏa cả hệ thống ngân hàng, cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí, hai chữ “tiền thưởng” vốn là “đặc sản” của ngành không biết từ lúc nào đã trở thành “món xa xỉ” đối với nhân viên, nhất là nhân viên làm tại các ngân hàng đang được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng nhà nước (NHNN), thì việc làm thêm đã trở thành một nhu cầu tất yếu như bao nhiêu ngành khác.

Giảm lương hoặc không có thưởng đã trở nên quen thuộc với nhân viên của nhiều ngân hàng. Ngoài chính sách giảm, ngân hàng còn siết chặt hơn trong hoạt động và lương thực nhận của nhiều vị trí thậm chí còn bị cắt mạnh hơn mức chung. Chẳng hạn ngân hàng áp dụng hình thức phạt đối với các lao động không đạt doanh số, phạt lao động đi làm muộn…Không chỉ giảm công khai, nhiều ngân hàng còn gián tiếp cắt giảm lương của nhân viên thông qua việc điều chuyển vị trí công tác, trong đó đáng ngại nhất là bị chuyển từ nhân viên chính thức thành cộng tác viên, hợp đồng thời vụ, khiến cho mức lương có thể giảm đi một nửa so với trước. (Xem tiếp)

Bài toán bán bò và ngân hàng “lãi suất bèo”

Đề bài: “Bác Nam mua một con bò với giá 13 triệu, sau đó bác đem bán con bò với giá 15 triệu. Nhưng vì tiếc con bò nên bác Nam đã đến mua lại con bò nhưng người kia đòi bán với giá 17 triệu. Sau đó bác Nam lại đem bán con bò với giá 19 triệu. Hỏi cuối cùng bác Nam lãi được bao nhiêu tiền?”.

Đáp án đưa ra bốn lựa chọn: lãi 4 triệu, hòa vốn, lãi 2 triệu, lỗ 2 triệu.

Đáp án đúng xác định lãi 4 triệu. Một số ý kiến chọn đáp án này cho rằng, với học sinh lớp 3, chỉ cần giải thích đơn giản là thực hiện hai giao dịch, mỗi giao dịch lãi 2 triệu, tổng lãi 4 triệu. Một số áp phương pháp hạch toán kế toán để tăng tính thuyết phục… (Xem tiếp)

Nghịch lý đầu tư: Ngân hàng nhỏ bán cổ phần thành công, cổ đông vẫn khó thoái vốn!

Năm 2015, Tổng Công ty Bến Thành Sài Gòn phải thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), nhưng đến thời điểm hiện tại Tổng Công ty Bến Thành Sài Gòn vẫn chưa thể hoàn thành nhiệm vụ nói trên. Báo cáo tài chính năm 2015 của Tổng công ty Bến Thành Sài Gòn cho thấy giá vốn đầu tư của Tổng công ty vào OCB là 283,5 tỷ đồng, đã được trích lập dự phòng 44,4 tỷ đồng, tương đương mức chiết khẩu rủi ro tích lũy là 15,7%.

Tương tự như Tổng Công ty Bến Thành Sài Gòn, CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã VNM) xác định sẽ thoái vốn và đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) lên đến 87% giá gốc ban đầu. Giá trị hợp lý của 2.450.963 cổ phiếu ABBank vào cuối quý I/2016 được VNM ghi nhận là 10,54 tỷ đồng, tương đương khoảng 4.300 đồng/cổ phần. ( Xem tiếp)

Tranh cãi “nảy lửa” việc chia cổ tức của BIDV và Vietinbank: Ai sẽ quyết định?

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc Bộ Tài chính đòi BIDV và Vietinbank chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt để nộp vào ngân sách Nhà nước là một mâu thuẫn rất lớn, nhưng vẫn phải cân nhắc trên hai khía cạnh: về phía ngân hàng thì họ vẫn ưu tiên cho ngân hàng, đảm bảo sự lành mạnh, các chỉ số an toàn hoạt động rất quan trọng hiện nay vì các ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu.

Về khía cạnh Nhà nước thì hiện nay ngân sách Nhà nước cũng đang hết sức khó khăn. (Xem tiếp)

Nhân sự ngân hàng bị bắt vì nợ xấu tăng cao

Riêng 03 ngân hàng 0 đồng: ngân hàng Xây Dựng (CB), ngân hàng Đại Dương ( OceanBank ) và ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có tổng số nợ xấu là 20.388 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM. Đây là những khoản nợ xấu rất khó xử lý và gắn liền với quá trình tái cơ cấu của các ngân hàng này.

Nếu loại trừ nợ xấu của 03 ngân hàng 0 đồng trên thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng TMCP trên địa bàn chỉ ở mức 2,9%. (Xem tiếp)

Lại “tắc” hoàn thuế

Trong văn bản gửi UBND TP.HCM giữa tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) cho biết đang gặp khó với thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trước đó, hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn năm 2006 giữa đại diện thành phố là Sở TN-MT và VWS có nêu rõ: đơn giá xử lý mỗi tấn rác là đơn giá thuần, không bao gồm thuế GTGT.

Nhưng sau đó, Bộ Tài chính ban hành quy định mới bắt đầu từ năm 2014, loại hình dịch vụ “xử lý rác” là mặt hàng chịu thuế với thuế suất 10%. Từ 1/4/2014 đến tháng 3/2016, số tiền thuế GTGT 10% mà Sở TN-MT không thanh toán cho VWS là hơn 107 tỷ đồng. (Xem tiếp)

Mỗi người Việt đang “gánh” hơn 1.000 USD nợ công

Trong bối cảnh nợ công căng thẳng, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố và Ngân hàng phát triển Việt Nam, ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đề nghị các đơn vị nêu trên sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thực hiện một số công việc nhằm xây dựng ngưỡng an toàn vay ODA, vay ưu đãi không ảnh hưởng trần nợ công.

Cũng trong tuần qua, trao đổi với báo chí liên quan đến vấn đề nợ công, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, nợ công tăng cao như hiện nay là vấn đề mang tính lịch sử, nợ công dồn lại do từ nhiều năm trước, cách nhìn nhận về sử dụng nguồn vốn vay vẫn còn hạn chế, chẳng hạn cho rằng vốn rẻ, thời hạn dài nên trong sử dụng và quản lý không thật chặt chẽ. (Xem tiếp)

Ngân hàng nào sẽ bị ảnh hưởng “nặng” nhất do Thông tư 06?

Trong một báo cáo mới công bố, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cho rằng, mặc dù thông tư sửa đổi mới đã được nới lỏng so với thông tư cũ được ban hành hồi tháng Hai, nhưng vẫn sẽ có tác dụng tích cực lên tín dụng của các nhà băng bởi thông tư này sẽ hỗ trợ thanh khoản cũng như hạn chế cho vay lĩnh vực rủi ro cao là bất động sản.

"Các quy định mới sẽ giúp tiết chế tăng trưởng tín dụng trong hệ thống, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Lịch sử cho thấy đây là lĩnh vực mang lại rủi ro rất lớn đối với các nhà băng, nhất là trong giai đoạn bùng nổ tín dụng 2008-2011, khi việc rót vốn quá nóng vào lĩnh vực này đã gây ra tổn thất nặng nề cho các ngân hàng", Moody's nhận định. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-tuan-qua-ngan-hang-xay-dung-dau-dau-voi-con-no-phuong-trang-1754701.html