Tài chính tuần qua: Con đường đến nghề 'buôn tiền' của ông Trầm Bê

Thân thế của ông Trầm Bê bắt đầu thu hút sự quan tâm từ thương vụ thâu tóm Sacombank vào tháng 2/2012, khi đại diện nhóm cổ đông từ Eximbank công bố đã được ủy quyền tới 51% cổ phần Sacombank và yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo Sacombank.

Trầm Bê - từ “ông trùm” kinh doanh nhiều lĩnh vực tới dứt duyên nghề “buôn tiền”

Ông Trầm Bê sinh ngày 10/9/1959 tại Trà Vinh và bắt đầu sự nghiệp không liên quan đến tài chính ngân hàng, mà từ hoạt động liên quan đến lâm nghiệp.

Từ năm 1991 - 1994: ông Trầm Bê trở thành Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh, từ năm 1995 - 2001 là Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty này.

Đến năm 1999, ông Trầm Bê tham gia vào thị trường bất động sản với việc mua cổ phần của Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) khi đơn vị này chuyển đổi từ mô hình quản lý Nhà nước sang công ty cổ phần. Ông Trầm Bê tham gia vào hoạt động của BCCI với vai trò là thành viên hội đồng quản trị. BCCI làm ăn khá tốt khi trong giai đoạn khó khăn kinh tế vừa qua, nhiều công ty bất động sản rơi vào bế tắc thì BCCI vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu 66% và lợi nhuận 36% trong năm tài chính 2009-2010 (tháng 8/2016 ông rời khỏi BCCI). (Xem tiếp)

Ông Trầm Bê và con trai chính thức rút hoàn toàn khỏi Sacombank

Thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của hai ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chấp thuận sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam (PNB) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín ( Sacombank ).

Ngày 01/10/2015, PNB và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật. Ông Trầm Bê và các tổ chức, cá nhân liên quan đã thực hiện ủy quyền quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) tại PNB/Sacombank/Sacombank sau sáp nhập cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước. (Xem tiếp)

Gia đình ông Trầm Bê sở hữu 179 triệu cổ phiếu tại Sacombank

Ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ra thông báo về việc chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và người có liên quan tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Thông báo của NHNN nêu rõ ông Trầm Bê và các tổ chức, cá nhân liên quan đã thực hiện ủy quyền quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo chỉ định của NHNN.

Ngoài ra, ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành. (Xem tiếp)

Đề xuất nâng bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu: Vẫn còn quá thấp?

Theo nguyên tắc được khuyến nghị bởi Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), thì việc tính toán hạn mức trả tiền bảo hiểm phải tuân thủ hai mục tiêu cơ bản là bảo vệ những người gửi tiền nhỏ, thiếu thông tin về hoạt động ngân hàng và góp phần đảm bảo ổn định tài chính. Theo đó, trong giai đoạn kinh tế bình thường, IADI khuyến nghị tỷ lệ hạn mức/GDP bình quân đầu người nên tối thiếu bằng 2 lần và tương đương với mức trung bình của các quốc gia có cùng tình độ phát triển dịch vụ ngân hàng.

Theo quy định hiện hành, thì số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng. Quy định này đã được áp dụng từ năm 2005, tức cách đây đã 12 năm. (Xem tiếp)

Các nhà băng Việt đang chi bao nhiêu cho bảo hiểm tiền gửi?

Thống kê 10 ngân hàng Việt Nam mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 gồm ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, NCB và Eximbank cho thấy, tổng mức chi phí bảo hiểm tiền gửi của 10 ngân hàng này trong năm 2016 là gần 2.142 tỷ đồng, tăng 34,73% so với năm 2015.

Chi phí bảo hiểm tiền gửi đang chiếm 3,64% tổng chi phí hoạt động của các ngân hàng, tăng so với mức 3,23% trong năm 2015.

Xét về con số tuyệt đối, BIDV hiện đang là ngân hàng có chi phí bảo hiểm tiền gửi cao nhất với gần 533 tỷ đồng trong năm, tăng 34,9% so với năm 2015. Nguyên nhân là đây là ngân hàng huy động được lượng tiền gửi lớn nhất, hơn 726.185 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016. (Xem tiếp)

Thấy gì từ bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2016?

Thống kê 10 ngân hàng cho thấy, 7/10 ngân hàng tăng trích lập dự phòng cho năm 2016 với tổng trích lập dự phòng của 10 ngân hàng đạt 27.751 tỷ đồng, tăng 13,93% so với năm 2015.

Mặc dù trích lập dự phòng rủi ro đã “bào mòn” không ít lợi nhuận của ngân hàng, nhưng sức ảnh hưởng của nó đến đâu thì lại phụ thuộc vào “sức khỏe” của từng nhà băng.

Như BIDV, ngân hàng trích lập dự phòng mạnh nhất nhóm khảo sát, và nhiều khả năng là ngân hàng trích lập nhiều nhất trong hệ thống, với mức trích lập lên tới gần 9.274 tỷ đồng trong năm 2016, tăng tới 63,4% so với năm 2015. Theo đó, mặc dù lợi nhuận thuần của ngân hàng tăng mạnh tới 24,8% so với cùng kỳ, nhưng do trích lập dự phòng “ăn mòn” tới hơn nửa nên lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt gần 7.735 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ. (Xem tiếp)

Phía sau cơn sốt tỷ giá?

Trong tuần trước, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng mạnh với biên độ từ 0,82-1,28% ở các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,28%, đạt mức 4,01%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 1,14%, đạt 4,13%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,82% lên mức 4,02%/năm.

Xu hướng tăng tiếp diễn trong hai ngày giao dịch đầu tiên của tuần bắt đầu ngày 20/2. Theo đó, ngày 21/2, các ngân hàng đã chào nhau mức lãi suất trên 5%, tăng khoảng 0,3-0,7% ở các kỳ hạn so với cuối tuần trước.

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đáy ngày 8/2, khoảng 1 tuần sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu 2017. Nguyên nhân một phần từ việc NHNN đã hút về 177.000 tỷ đồng (qua cả kênh OMO và tín phiếu) vào khoảng giữa tháng 2/2017. (Xem tiếp)

“Nỗi sợ trách nhiệm” có vào đề án luật xử lý nợ xấu?

Trong giai đoạn 2011-2015, thị trường đã chứng kiến sự nhượng bộ, hoãn binh trong các giải pháp hạn chế tác động của nợ xấu , qua đó tạo điều kiện để từng bước xử lý.

Nay, định hướng xây dựng một bộ luật, hoặc có thể một nghị quyết của Quốc hội, đặt ra. Tuy nhiên, nếu được xây dựng và ban hành, khung pháp lý này dự kiến sẽ mất nhiều thời gian, trong khi việc xử lý nợ xấu không thể “tạm ứng” trước hướng hoặc khả năng điều chỉnh luật được.

Quá trình xử lý nợ xấu theo đó sẽ còn khó khăn kéo dài, ngay cả ở vấn đề quan điểm. (Xem tiếp)

Điều gì đang diễn ra với tỷ giá?

Sáng cuối tuần, theo khảo sát của PV Báo Giao thông, một số ngân hàng tiếp tục tăng giá bán USD lên mức phổ biến 22.820-22.830 đồng/USD; Giá mua vào cũng tăng phổ biến lên 22.720-22.753 đồng/USD. Cụ thể, tại 3 ngân hàng thương mại lớn, Vietcombank và BIDV niêm yết giá 22.750-22.820 đồng/USD, Agribank là 22.720-22.800 đồng/USD.

Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần, giá bán ra tái lập mức cao nhất trong tuần là 22.840 đồng/USD tại Eximbank và Techcombank. Trước đó, mức giá này đã được DongA Bank đã đẩy lên trong ngày 15/2. Sau khi giảm nhẹ, trong ngày giao dịch cuối tuần, DongA Bank tiếp tục tăng giá niêm yết lên 22.830 đồng/USD. Cùng ngày, ACB cũng bán ra USD ở mức giá này. Trong khi đó, một số ngân hàng khác niêm yết giá USD thấp hơn như Sacombank và LienVietPostBank tương ứng là 22.820 đồng/USD và 22.810 đồng/USD. (Xem tiếp)

Linh Linh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-tuan-qua-con-duong-den-nghe-buon-tien-cua-ong-tram-be-2504956.html