Tài chính 24h: Thực hư 'tin đồn' Oceanbank đã được bán cho đối tác ngoại?

Thông tin Ngân hàng 0 đồng Đại dương (Ocean Bank) đã được bán và đang đi đến hồi kết với một đối tác nước ngoài trong khu vực châu Á đã bắt đầu rộ lên từ một tháng trước. Tuy nhiên, phải đến hôm nay mới có thông tin từ Cơ quan quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa.

Việc bán ngân hàng 0 đồng Ocean Bank cho đối tác ngoại đã đến hồi kết?

Chia sẻ tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 diễn ra sáng nay, ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho hay, hiện đang có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng OceanBank.

“Không phải trả lời, xác nhận mà là chia sẻ quan điểm cá nhân các thông tin tôi có được. Thông tin về nhà đầu tư nước ngoài đang ở giai đoạn cuối của tham gia tái cơ cấu ngân hàng Đại Dương thì tôi không xác nhận nhưng theo tôi biết thì nhà đầu tư nước ngoài đang ở giai đoạn thứ 2 trong việc soát xét đánh giá toàn diện ngân hàng. Và nhà đầu tư nước ngoài này rất nghiêm túc và thực lòng muốn đầu tư vào việt nam dưới hình thức là 1 ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài”, ông Thọ nói. (Xem tiếp)

Vụ ngân hàng ngoại đồng loạt thoái vốn: Đại diện NHNN nói gì?

Trong thời gian gần đây có hiện tượng một số ngân hàng ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng Việt như HSBC rút khỏi Techcombank hay thu hẹp hoạt động như hiện tượng CBA chuyển giao toàn bộ chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho ngân hàng VIB. Một số chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy một xu hướng đáng lo ngại, cho thấy thị trường tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi nhuận kỳ vọng cho các nhà đầu tư ngoại.

Tuy vậy, chia sẻ tại buổi Họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 sáng nay, ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng, không những đây không phải là hiện tượng không tích cực mà, còn ngược lại. CBA đóng cửa chi nhánh để tập trung vào quan hệ cổ đông chiến lược với VIB tại Việt Nam, thậm chí đã đặt vấn đề dùng toàn bộ vốn điều lệ của chi nhánh để tăng vốn góp của VIB. Tuy nhiên, hiện giờ room của ngân hàng không còn. (Xem tiếp)

Các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ “đánh lớn” trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam?

Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB) là ngân hàng thương mại, phát triển đầu tư thuộc sở hữu 100% của Chính phủ Hàn Quốc – cũng tương tự với BIDV khi chưa cổ phần hóa. Ngân hàng này đứng số 1 ở Hàn Quốc về tổng tài sản và vốn chủ sở hữu, đứng thứ 94 trên thế giới. Không chỉ ở Hàn Quốc, ngân hàng này còn có sự hiện diện tại 22 nước trên thế giới.

Hồi trung tuần tháng 4 năm nay, KBC đánh dấu sự hiện diện quan trọng ở Việt Nam với thỏa thuận hợp tác toàn diện với ngân hàng BIDV. Tại buổi gặp Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ngân hàng KDB là ông Lee Dong Geol cho biết ông đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam và KDB sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc mở rộng hợp tác đầu tư với các đối tác Việt Nam mà trước mắt là tăng cường hợp tác với BIDV. (Xem tiếp)

Vietcombank: 6 tháng đầu năm, nợ có khả năng mất vốn tăng, sắp hết “room” tín dụng cả năm

Năm 2017, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11%, lên gần 874,6 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 547,1 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với 2016, huy động vốn đến cuối năm đạt 684,8 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 8% so với kết quả đạt được trong năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Như vậy, có thể thấy chỉ trong 6 tháng, Vietcombank đã hoàn khá tốt các mục tiêu cơ bản đề ra cho cả năm.

Đáng chú ý, ngân hàng này đã dùng gần hết “room” tín dụng đề ra và tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin gì về việc nới hạn mức tín dụng cho ngân hàng. (Xem tiếp)

Thủ tướng “thúc” các Bộ chuẩn bị cho Nghị quyết về xử lý nợ xấu

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ về đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết trước ngày 15/8/2021.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có trách nhiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản trị điều hành của tổ chức tín dụng, đặc biệt là quản trị rủi ro; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cấp tín dụng của tổ chức tín dụng để hạn chế nợ xấu phát sinh; tăng cường năng lực thanh tra, giám sát của hệ thống cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. (Xem tiếp)

Vì sao lãnh đạo ngân hàng đua nhau mua cổ phiếu?

Mới đây, người thân của ông Lô Bằng Giang, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, đã đăng ký mua tổng cộng hơn 110 triệu cổ phiếu nhà băng này, tương đương hơn 8,4% vốn điều lệ thông qua giao dịch thỏa thuận hoặc nội bộ.

Nếu giao dịch thành công, ông Giang và người nhà sẽ nắm giữ hơn 8,5% vốn điều lệ tại VPBank và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất ở ngân hàng này (ông Giang hiện đang sở hữu hơn 1,4 triệu cổ phiếu của ngân hàng, tương đương 0,13%).

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của VPBank là ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT đang nắm giữ hơn 37,88 triệu cổ phiếu, tương đương 4,12% vốn điều lệ. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-thuc-hu-tin-don-oceanbank-da-duoc-ban-cho-doi-tac-ngoai-2988125.html