Tài chính 24h: Nhân sự ngân hàng ngồi tù vì nợ xấu tăng cao

Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cán bộ ngân hàng vài năm gần đây bị khởi tố nhiều quá, nhất là những cán bộ của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Ảnh minh họa.

Nhân sự ngân hàng bị bắt vì nợ xấu tăng cao

Tính đến hết tháng 4/2016, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng thêm 9.122 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,47% trong tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm cao nhất tới 72%.

Nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tập trung chủ yếu vào các ngân hàng cơ cấu lại.

Riêng 03 ngân hàng 0 đồng: ngân hàng Xây Dựng (CB), ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có tổng số nợ xấu là 20.388 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM. Đây là những khoản nợ xấu rất khó xử lý và gắn liền với quá trình tái cơ cấu của các ngân hàng này. (Xem tiếp)

Vì sao ngân hàng Xây Dựng dính “con nợ” Phương Trang?

Theo CB, từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015, ngân hàng đã khởi kiện công ty Phương Trang liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của công ty này với tổng vốn vay khoảng 3.000 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra tại sao công ty Phương Trang lại có số nợ lớn như vậy?

Theo nguồn tin của BizLIVE, công ty Phương Trang thực hiện vay vốn của CB từ thời ngân hàng này mang thương hiệu ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank).

Công ty Phương Trang trước khi có quan hệ tín dụng với TrustBank đang thực hiện vay vốn tại ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Với mối quan hệ của chủ TrustBank lúc đó đã kéo công ty Phương Trang về với TrustBank bằng cách chuyển nợ của công ty Phương Trang từ SCB về TrustBank. (Xem tiếp)

Xây dựng ngưỡng an toàn vay ODA, không ảnh hưởng trần nợ công

Tại văn bản gửi các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố, Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị nêu trên đang sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ thực hiện một số công việc xây dựng ngưỡng an toàn vay ODA, vay ưu đãi, không ảnh hưởng trần nợ công.

Thứ nhất, đánh giá kết quả thực hiện giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, rà soát, đánh giá tình hình huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo từng chương trình, dự án gắn với các Hiệp định vay gồm tổng mức đầu tư trong đó trị giá vốn vay, thời gian thực hiện chương trình, dự án, nhà tài trợ, cơ chế tài chính trong nước; trị giá vốn vay điều chỉnh so với quyết định ban đầu (nếu có); tình trạng giải ngân(kết thúc hay còn giải ngân); lũy kế giải ngân từ khi Hiệp định vay có hiệu lực đến ngày 31/12/2015. (Xem tiếp)

Bộ phận ăn lương cao nhất ngân hàng: Vào đã khó, tồn tại được quá 1 tháng còn khó hơn

Kinh doanh ngoại hối là lĩnh vực rất phức tạp, thường xuyên phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro từ sự biến động của thị trường. Chẳng thế mà dù mức lương được trả cao hơn hẳn các vị trí khác song không phải ai cũng có thể đảm đương được.

Theo Phó tổng giám đốc phụ trách về kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có 3 tố chất đòi hỏi ở một người làm về ngoại hối đó là am hiểu sâu thị trường tài chính; nhạy cảm với diễn biến của thị trường; và đặc biệt phải có bản lĩnh.

Ông phân tích, một người nếu có kiến thức, có am hiểu kinh tế mà không nhận biết, không dự báo được các diễn tiến của thị trường thì không thể kinh doanh treasury. Còn người có nhạy cảm với thị trường, nếu không có bản lĩnh thì cũng không thể đưa ra các quyết định mua bán kịp thời trong thị trường vốn biến động theo từng giây như vậy. (Xem tiếp)

BIDV sẽ điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức 2015?

Trên cơ sở yêu cầu tăng vốn, sau khi đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo qui định, tại ĐHĐCĐ 2016, BIDV đã đưa ra thảo luận các nội dung như đã báo cáo, đề xuất tại Công văn số 1100/BIDV-TKHĐQT, trong đó có nội dung chia cổ tức năm 2015. Các nội dung đã được ĐHĐCĐ 2016 đã được thảo luận công khai và thông qua theo đúng quy định.

Riêng nội dung Dự thảo Tờ trình ĐHĐCĐ thông qua Báo cáo tài chính năm 2015, việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2016 và phương án tăng vốn điều lệ năm 2016, ĐHĐCĐ đã ủy quyền cho HĐQT BIDV thực hiện điều chỉnh phương án theo phê duyệt chính thức cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

"Như vậy, Đại hội đồng cổ đông thông qua nội dung phương án chi trả cổ tức là quyết định 'có điều kiện' và ủy quyền cho Hội đồng quản trị BIDV thực hiện điều chỉnh phương án chi trả cổ tức theo quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền", thông cáo ngân hàng cho biết. (Xem tiếp)

Lãnh đạo Ngân hàng Xây Dựng: “Công ty Phương Trang mới trả chưa tới 0,34% nợ gốc”

Theo ông Đỗ Tất Khá, với khoản nợ xấu gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu tại 10 bộ hồ sơ khởi kiện liên quan đến nhóm công ty Phương Trang, do tồn đọng từ nhiều năm qua, sau nhiều lần làm việc, không đạt kết quả như mong muốn, để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, CB bắt buộc phải đưa ra khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật căn cứ trên quyền chủ nợ đầy đủ và hợp pháp của CB.

Khởi kiện là hoạt động hết sức bình thường, công việc mà CB cũng như bất kỳ ngân hàng nào cũng phải làm, là điều khoản mặc định trong tất cả các hợp đồng giao dịch; nhất là đối với bên có quyền lợi hợp pháp cần được bảo hộ. (Xem tiếp)

Bộ Tài chính “đòi” chia... 5.000 tỷ đồng

Mới đây, Bộ Tài chính (BTC) có văn bản gửi đến và đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với tư cách là người đại diện vốn nhà nước ở 2 NH BIDV và VietinBank, biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước vào ngân sách. Văn bản cũng trích dẫn Nghị định 57, với các NH TMCP do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn tại NH phải lấy ý kiến NHNN và thống nhất với BTC về việc phân chia lợi nhuận. Hiện vốn nhà nước tại BIDV là 95,28%, tại VietinBank là 64,46%.

Tréo ngoe là vấn đề cổ tức đã được BIDV và VietinBank quyết định tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) hồi tháng 4 bằng việc cổ đông BIDV biểu quyết chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%, còn VietinBank không chi trả cổ tức năm 2015. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-nhan-su-ngan-hang-ngoi-tu-vi-no-xau-tang-cao-1754473.html