Tài chính 24h: Brexit chỉ là “con ngáo ộp”?

Brexit chỉ là hiện tượng “con ngáo ộp”, DOJI lách luật để huy động vốn bằng vàng là hai trong số các tin bài "nóng" trên mặt báo tài chính 24h qua.

Ảnh minh họa.

Brexit chỉ là hiện tượng “con ngáo ộp”

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể từ Brexit mà chủ yếu từ bản thân TTCK, dòng vốn vào hay ra phụ thuộc vào nội lực của Việt Nam.

Đúng là TTCK Việt Nam có ngày rớt kỷ lục mà có lúc đỉnh điểm mất 3,4 tỷ USD trong xu thế chung suy giảm chứng khoán thế giới từ kết quả Brexit.

Tuy nhiên, việc rớt này còn do chứng khoán Việt Nam đã tăng khá mạnh trong một thời gian và chuẩn bị đi vào giai đoạn điều chỉnh. Còn nhớ lại hồi cuối quý I/2016, VN-Index rớt sâu dưới 550 điểm mang một tâm trạng lo âu cho nhà đầu tư. (Xem tiếp)

Ước tính Vietinbank lãi khoảng 42 tỷ đồng từ việc bán 5,48% vốn Saigonbank

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam - VietinbankSC cho biết 16.875.000 cổ phần thuộc sở hữu của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank (mã CTG) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương - Saigonbank đã được bán hết thành công cho 2 nhà đầu tư với giá 12.500 đồng/cổ phần.

Việc Vietinbank bán ra gần 17 triệu cổ phần Saigonbank nhằm mục đích giảm tỷ lệ sở hữu tại Saigonbank từ 10,39% xuống 4,91% để đảm bảo tuân thủ quy định Điều 20, Thông tư số 36/2014/TT-NHNN về quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. (Xem tiếp)

LienVietPostBank rút lại quyết định tuyển con cháu họ Dương

Trao đổi với phóng viên sáng nay, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), người phát ngôn chính thức, khẳng định ngân hàng này sẽ không ưu tiên dòng họ trong quá trình tuyển dụng.

Ông Hưởng cũng khẳng định, trong quy chế tuyển dụng của LienVietPostBank có ưu tiên các đối tượng chính sách, như con của gia đình thương, bệnh binh, con gia đình liệt sỹ, con gia đình có công với đất nước và con của đồng bào dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa... Đồng thời, LienVietPostBank cũng là Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên hạ chuẩn bằng cấp khi tuyển dụng đối với những việc làm đơn giản chỉ tuyển trung cấp, cao đẳng nghiệp vụ nhằm tạo việc làm cho người lao động. (Xem tiếp)

“Mạng nhện” sở hữu chéo ngân hàng đã gỡ đến đâu?

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng cho đến thời điểm này vẫn luôn là vấn đề chằng chịt, khiến nhiều TCTD chưa thể giải quyết ổn thỏa. Mặc dù giới hạn sở hữu đã có quy định rõ ràng, nhưng các ngân hàng vi phạm chỉ mới rục rịch thoái vốn ở vài trường hợp.

Theo Thông tư 36 quy định, một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó; NHTM nắm giữ tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua mua cổ phần, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). (Xem tiếp)

Bắt giám đốc một công ty liên quan đến Vietcombank Tây Đô

Chiều 27/6, liên quan đến vụ vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, làm tồn đọng nợ xấu lên đến hàng ngàn tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ( Vietcombank ), chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô), chiều 27/6, Cơ quan An ninh điều tra (A92-Bộ Công an), đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Võ Vũ Bình, giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Vũ Bình (trụ đường 30/4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cuối năm 2014, Đoàn kiểm tra nội bộ thuộc ngân hàng Vietcombank cho thấy, hoạt động tín dụng của VCB Tây Đô có nợ xấu tăng cao. Tính đến đầu năm 2015, bộ phận kiểm toán phát hiện có khoảng 2.300 tỷ đồng nằm trong nhóm khách hàng dạng có hợp đồng vay sai quy trình, dẫn tới nợ xấu, chiếm trên 47% tổng dư nợ của VCB Tây Đô. Ông Bình là một trong các doanh nghiệp nằm trong nhóm được VCB Tây Đô cho vay số tiền hàng chục tỷ đồng không đúng quy định. (Xem tiếp)

Từ vụ “thiên nga đen” Brexit, bài học cho Việt Nam, ASEAN?

Người Anh đã có cuộc tranh luận hết sức gay gắt về việc có ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không trong đó có 2 luồng ý kiến, một luồng ý kiến cho rằng nước Anh đã phải đóng góp tài chính quá nhiều đối với EU. Tuy nhiên, điều này không chính xác lắm.

Thứ hai, người Anh không chấp nhận EU có thể cho người dân của Liên minh châu Âu sang cư trú tại Anh, làm việc tại Anh lấy đi chỗ lao động của người Anh và được hưởng chế độ phúc lợi rất cao, hào phóng của Anh. (Xem tiếp)

Vài năm nữa, tiền mặt sẽ 'hết thời' ở Việt Nam?

Từ giữa những năm 90, ngoài quẹt thẻ (POS), thị trường đã bắt đầu xuất hiện những hình thức thanh toán mới. Các hình thức thanh toán online ra đời, bao gồm cổng thanh toán và ví điện tử, sau này phát triển thêm các hình thức thanh toán trên nền tảng website như Alipay, Braintree, Paymentwall... Cả 2 hình thức thanh toán offline và online đều hướng tới đối tượng khách hàng mua sắm online.

Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây, thanh toán đã xóa nhòa ranh giới giữa online và offline. Khách hàng có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để chi trả cho những giao dịch trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm… (Xem tiếp)

TS. Huỳnh Thế Du: Brexit - tín hiệu phân ly trong hợp tác

Khối Liên minh Châu Âu (EU) được tạo ra một thị trường lớn để giảm chi phí giao dịch, tạo lợi thế thương mại nhờ quy mô lớn… Tiến trình này dẫn tới tự do hóa di chuyển dòng vốn, hàng hóa và nhân công.

Tuy nhiên khi quy mô lớn cũng có những trục trặc và rủi ro đi kèm. Vấn đề thứ nhất, trong bối cảnh nhân lực di chuyển tự do đã dẫn tới tính đồng nhất của văn hóa, đồng nhất của cộng đồng giảm đi. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-brexit-chi-la-con-ngao-op-doji-lach-luat-de-huy-dong-von-bang-vang-1757945.html