Tái cấu trúc DNNN: Tạo dựng trụ cột cho nền kinh tế

(Tamnhin.net) - Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII tranh luận rất nhiều về Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được nhiều đại biểu xem là trọng tâm để thực hiện Đề án. Nhiều đại biểu cho rằng, không thể phủ nhận những đóng góp của các DNNN cho nền kinh tế trong thời gian qua.

Tuy nhiên, việc quá coi trọng khu vực DNNN, giao nhiệm vụ và chức năng quá mức trong khi năng lực cạnh tranh, quản lý không phát triển kịp đã khiến nhiều DNNN rơi vào tình trạng sai phạm nối tiếp sai phạm và kết cục phải gánh trên vai những khoản lỗ nặng nề, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất cân đối tài chính. Nhiều chuyên gia cho rằng, đến thời điểm này việc tái cấu trúc DNNN được xem là nhu cầu bức thiết và cần phải làm quyết liệt nếu muốn khu vực DNNN vẫn là những trụ cột cho nền kinh tế.

Hiện nay, hệ thống DNNN được mở rộng và phát triển, đổi mới, hoạt động theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế, thực hiện nhiệm vụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước nhằm ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, hệ thống DNNN vẫn còn những hạn chế như hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực, một số tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), DNNN tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài, đặc biệt chưa bắt kịp xu hướng phát triển của kinh tế thị trường, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản trị DN còn bất cập... Hiệu quả sản xuất, năng lực canh tranh còn thấp không tương xứng với nguồn lực được giao. Gần 80% lợi nhuận của DNNN tập trung ở một số tập đoàn, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Viettel, Bưu Chính Viễn Thông…

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), quan điểm tái cấu trúc hệ thống DNNN phải quán triệt chức năng của Nhà nước là điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó công cụ quan trọng là DNNN. Tái cấu trúc không phải là hạn chế, làm giảm vai trò mà phải làm cho DNNN mạnh hơn, thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nhà nước. Đồng thời, tái cấu trúc DNNN phải thực hiện trên cả phương diện vĩ mô và cả phương diện vi mô, phải gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh đó, vừa thực hiện tái cấu trúc hệ thống DNNN vừa thực hiện tái cấu trúc theo thực thể, kiên quyết thực hiện tái cấu trúc DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, theo nguyên tắc giảm về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trung, Nhà nước (NN) chỉ nên giữ lại một số TĐ kinh tế vì các lý do an ninh quốc phòng, hoặc nắm giữ các lĩnh vực then chốt, liên quan tới an ninh quốc gia, sự phát triển của quốc gia ở giai đoạn hiện nay. Ví dụ như điện, hàng không, một số lĩnh vực công nghiệp. Một khi thực hiện việc xem xét lại và chỉ giữ lại một số TĐ kinh tế chủ chốt thì nguồn lực của quốc gia sẽ được đẩy lên rất nhiều, mang lại một sự cải thiện tốt. Các TĐNN được giữ lại vẫn phải vận hành và tuân thủ các quy định của pháp luật và quy luật của thị trường, tức là vẫn phải chịu sự cạnh tranh về giá, về chất lượng hàng hóa với các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh, tức là không tồn tại một sự độc quyền nào đối với các TĐNN. TĐNN chỉ được ưu tiên giao nhiệm vụ.

Dưới góc nhìn của người từng nhiều năm làm quản lý, chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng, quan trọng nhất chỉ cần pháp luật ra một quy định mọi hoạt động của DNNN phải được công khai, bao gồm số liệu tài chính, doanh thu và mọi hoạt động. Hàng năm, NN phải có thực hiện kiểm toán và báo cáo kiểm toán công khai. Tóm lại, phải đề ra một yêu cầu về công khai, minh bạch và biện pháp thực hiện công khai, minh bạch là như thế nào. Thứ hai là thực hiện theo đúng quy định đó và các chế tài xử lý nếu vi phạm. “Chỉ cần một giải pháp đó thôi, là sẽ đẩy được khá nhiều việc đi” - ông Võ chia sẻ.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Bộ Tài chính hiện đang hướng sửa đổi, hoàn thiện đổi mới cơ chế, chính sách tài chính DN ở một số điểm, như xây dựng cơ chế thu hút mạnh các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, ưu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực quản trị tốt, có uy tín trên thế giới, giảm thiểu các nhà đầu tư chiến lược là DNNN, bổ sung quy định về cổ phần hóa đối với TĐ kinh tế, TCT đặc biệt, rà soát, hoàn chỉnh tiêu chí phân loại DNNN theo cơ cấu vốn chủ sở hữu, vấn đề hoàn thiện kiểm toán xác định giá trị DN, quy trình xác định giá trị đất.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, giải pháp thực hiện tái cơ cấu DNNN mà Bộ Tài chính hướng tới là ban hành tiêu chí phân loại DNNN theo 4 nhóm. Nhóm 1 là các DN, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành độc quyền mà NN cần kiểm soát. Nhóm 2: các DN mà NN nắm giữ cổ phần chi phối tuyệt đối, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng (trên 75% vốn điều lệ) hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cung cấp các sản phẩm dịch công ích, các DN bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhóm 3, các DN mà NN nắm giữ cổ phần chi phối (trên 65% vốn điều lệ) gồm những DN quy mô lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao và có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường hoạt động trong các ngành, lĩnh vực. Nhóm 4: Các DN mà NN không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần hoạt động kinh doanh thuần túy. Ngoài ra, tái cấu trúc cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như thúc đẩy cổ phần hóa gắn với quá trình tái cấu trúc, tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng DN, TĐ kinh tế, TCT; đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị DN, tăng cường quản lý giám sát NN đối với DNNN.

Lan Nhi

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/gocchuyengia/21615/tai-cau-truc-dnnn-tao-dung-tru-cot-cho-nen-kinh-te.html