Tách bạch giấy đăng ký và giấy sở hữu ô tô

Nhiều chủ ô tô mua trả góp trong thời gian qua đã gặp rắc rối vì bị cảnh sát phạt do không có giấy (chứng nhận) đăng ký xe bản gốc, bởi nó đang bị thế chấp tại ngân hàng cho vay mua ô tô trả góp.

Khách tham quan sản phẩm trưng bày tại một cuộc triển lãm ô tô ở TPHCM. Ảnh: THÀNH HOA

Do đều có các điều luật liên quan quy định (và hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh thực tế) rằng bên ngân hàng cho vay trả góp mua ô tô được quyền giữ giấy đăng ký xe bản gốc (nếu chủ ô tô và ngân hàng có thỏa thuận như vậy), và rằng khi tham gia lưu thông thì người lái ô tô phải mang theo giấy đăng ký xe bản gốc, nên rõ ràng trong trường hợp này người mua trả góp ô tô bị mắc kẹt giữa hai bên, chịu hoàn toàn rủi ro bị cảnh sát giao thông phạt khi lái xe mà không xuất trình được giấy đăng ký xe bản gốc.

Để giải quyết ổn thỏa vấn đề này, và cùng với vấn đề pháp lý liên quan đến nghĩa vụ trả nợ ngân hàng của người chủ ô tô khi mua xe theo kiểu trả góp bằng vốn vay ngân hàng, Việt Nam cần nhanh chóng bổ sung thêm một loại giấy tờ pháp lý là giấy chứng nhận quyền sở hữu ô tô, vốn phổ biến ở rất nhiều nước trên thế giới và là loại giấy tờ có giá trị pháp lý tương tự như “sổ đỏ” dùng để chứng nhận quyền sở hữu trong bất động sản ở Việt Nam.

Giấy chứng nhận quyền sở hữu ô tô nói trên chứa thông tin về chủ xe cũng như thông tin về chiếc xe đó như ngày mua, số khung và biển số xe, hoặc thậm chí có thêm thông tin liên quan như xe này được mua mới hay cũ... Giấy này có thể do người chủ ô tô hay ngân hàng cho vay giữ, tùy thuộc vào địa phương (nước) và tùy thuộc loại hình vay mua trả góp ô tô. Nhưng thường thì trên thực tế giấy này sẽ do ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính cho vay trả góp mua ô tô nắm giữ trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng vay mua xe. Sau khi người chủ xe trả hết nợ, ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẽ tiến hành làm thủ tục xóa tên ngân hàng, tổ chức tài chính khỏi giấy chứng nhận quyền sở hữu này và gửi giấy chứng nhận này đến cho người chủ xe.

Điều khác biệt với trường hợp của giấy đăng ký xe đang nói đến ở Việt Nam là dù người chủ ô tô có hay không có giấy chứng nhận quyền sở hữu này thì người đó vẫn được điều khiển chiếc xe này một cách hoàn toàn hợp pháp chừng nào có giấy chứng nhận đăng ký xe (và các loại giấy tờ liên quan như giấy phép được quyền chạy xe, như ở một số nước), và tất nhiên là chừng nào người chủ xe vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng cho vay (để không bị khởi kiện, giữ xe).

Việt Nam cần ban hành những luật mới liên quan đến chứng nhận đăng ký ô tô và chứng nhận quyền sở hữu ô tô. Theo đó, giấy chứng nhận đăng ký ô tô được nắm giữ bởi người lái ô tô, còn ngân hàng cho vay mua ô tô trả góp nắm giữ giấy chứng nhận sở hữu ô tô với tư cách là đồng sở hữu được ghi ngay trên giấy này.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng người chủ ô tô giữ bản (sao) chứng nhận này sẽ không có nghĩa là người chủ này hoàn toàn sở hữu, toàn quyền quyết định chiếc ô tô đó. Bất kể ai nắm giữ giấy chứng nhận này, nếu một người khác là đồng sở hữu và có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu thì người đó cũng có quyền với chiếc ô tô này. Người đồng sở hữu này không chỉ có thể là ngân hàng, tổ chức tài chính cho vay mua trả góp mà còn có thể là người cùng bỏ tiền ra mua ô tô hay thậm chí là một thành viên trong gia đình trước đây từng có quyền sở hữu chiếc ô tô đó.

Để loại bỏ những người đồng sở hữu này và trở thành người chủ duy nhất và có toàn quyền quyết định chiếc ô tô thì người chủ hiện tại cần phải lấy được chữ ký của những người đồng sở hữu vào một văn bản chứng nhận từ bỏ quyền (đồng) sở hữu chiếc xe (và những người đồng sở hữu này trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người chủ hiện tại nếu họ đang nắm giữ).

Khi đã thanh toán nợ nần xong với ngân hàng, người chủ xe lại có thể tiếp tục dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu này để làm tài sản thế chấp vay tiền tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính. Nếu không trả nợ đầy đủ, ngân hàng hoặc tổ chức tài chính có quyền thu giữ xe.

Như vậy, Việt Nam cần sớm sửa các điều luật hiện hành và ban hành những luật mới liên quan đến chứng nhận đăng ký ô tô, và chứng nhận quyền sở hữu ô tô. Theo đó, giấy chứng nhận đăng ký ô tô cần phải luôn được nắm giữ bởi người lái ô tô để khi bị cảnh sát giao thông hỏi đến thì không bị phạt vì thiếu giấy này. Còn ngân hàng cho vay mua ô tô trả góp, để đảm bảo “nắm được tóc” thì cần (và được quyền) nắm giữ giấy chứng nhận sở hữu ô tô với tư cách là đồng sở hữu được ghi ngay trên giấy này (cùng với những đồng sở hữu khác, nếu có). Khi chiếc xe được bán, thế chấp, người mua hoặc người nhận thế chấp sẽ nhận biết được tình trạng sở hữu của chiếc ô tô căn cứ vào giấy chứng nhận sở hữu này (nếu ngân hàng đã trả lại cho người chủ hiện tại) và các giấy tờ liên quan (như giấy chứng nhận từ bỏ quyền đồng sở hữu của ngân hàng sau khi món nợ đã được thanh toán đầy đủ).

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/162676/tach-bach-giay-dang-ky-va-giay-so-huu-o-to.html/