Tác phẩm phi hư cấu về vụ nổ hạt nhân Chernobyl ra mắt độc giả Việt Nam

Vào lúc 15h ngày 9/11 tại Không gian văn hóa Đông Tây, Làng sinh viên Hacinco, (99 Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội) sẽ diễn ra buổi ra mắt sách: “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” của tác giả Nobel văn học 2015 - Svetlana Alexievich do dịch giả Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ.

"Lời nguyện cầu từ Chernobyl", một tác phẩm phi hư cấu song lại giàu sức lay động không thua kém một sáng tác văn chương giá trị nào. Và có lẽ giá trị của tác phẩm chính ở sự “phi hư cấu” khi miêu tả chân thực hậu quả nặng nề nhưng âm thầm và mắt thường không nhìn thấy từ vụ nổ hạt nhân lịch sử của lò phản ứng số 4 nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Tại Nga, cuốn sách này được ví như một “cuộc chiếu X-quang tâm hồn Nga”. Trong tác phẩm “Lời cầu nguyện từ Chernobyl” tác giả đã kiên trì và thầm lặng thực hiện những cuộc phỏng vấn với 500 nhân chứng có liên quan tới thảm họa nhân loại tàn khốc như: lính cứu hỏa, đội cứu hộ, chính trị gia, nhà vật lý, nhà tâm lý và những thường dân. Nhìn từ lăng kính xã hội, đây là thành quả gom nhặt hơn 10 năm những nỗi đau “tàn khốc và dữ dội” (New York Times Book Review) khiến cả thế giới một lần nữa phải bàng hoàng.

Ở nơi mà lúa mì và khoai tây vẫn tốt tươi mơn mởn, không ai có thể ngờ được rằng, việc chạm đến chúng cũng có thể khiến cho phóng xạ ngấm vào cơ thể, hủy hoại cuộc sống của con người, chứ chưa nói là ăn vào. "Lời nguyện cầu từ Chernobyl" đã cho thấy rõ hình hài thần chết của phóng xạ - thứ mà bằng mắt thường, chúng ta không nhìn thấy, không cảm thấy được.

Thảm họa Chernobyl còn khiến những em bé không thể sống được khi ra khỏi bào thai, những con người chết mòn trong đau đớn bỏ lại tình yêu, tuổi trẻ như cô gái và chàng trai trong đoạn trích: “Tôi cầm quả cam trong tay. Trong khi đó anh nhắm mắt, chìm vào giấc ngủ. Họ thường tiêm cho anh để anh ngủ. Cô ý tá nhìn tôi bằng ánh mắt kinh hoàng. Tôi ư? Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết để anh không nghĩ đến cái chết. Để anh không nghĩ rằng cái chết của anh thật khủng khiếp, rằng tôi sợ anh. Tôi nhớ được vài mẩu đối thoại rời rạc. Ai đó nói: “Cô phải hiểu điều này: Đây không còn là chồng cô nữa, không còn là người yêu của cô nữa, mà là một vật bị nhiễm phóng xạ ở mức gây nguy hiểm”.

Sự kiện ra mắt cuốn sách "Lời nguyện cầu từ Chernobyl". Ảnh cung cấp.

Tác giả Svetlana Alexievich, sinh năm 1948, là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Bà là người Belarus nhưng viết văn và báo bằng tiếng Nga. Năm 2015 bà được trao giải Văn học vì: “lối viết nhiều tiếng nói, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ, những hoạn nạn và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta.

Nhà văn, nhà báo Svetlana Alexievich - tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, Những chàng trai bằng kẽm, Những nhân chứng cuối cùng...

Còn Nguyễn Bích Lan là dịch giả quen tên và khá đặc biệt. Mặc dù là người bị tật nguyền nhưng chị đã vượt qua số phận, tự học tiếng Anh và trở thành dịch giả của nhiều đầu sách giá trị mang đến cho độc giả Việt Nam. Dịch giả Nguyễn Bích Lan đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và từng đạt giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam.

Khi dịch xong cuốn sách này, dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ: “Chừng nào nhân loại còn kiếm tìm sự bình an và tình yêu, thì chừng đó Lời nguyện cầu từ Chernobyl sẽ còn vọng khắp địa cầu này”.

Cuốn sách do NXB Phụ nữ ấn hành.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/tac-pham-phi-hu-cau-ve-vu-no-hat-nhan-chernobyl-ra-mat-doc-gia-viet-nam-217580.html