Tác nghiệp ở Trường Sa

Được đến với Trường Sa là mơ ước của mỗi một người con đất Việt, và đối với chúng tôi, được tác nghiệp ở Trường Sa là hạnh phúc lớn lao của mỗi người làm báo, để lại những dấu ấn sâu đậm, thiêng liêng nhất trong đời làm báo của mình...

Thắm tình đồng chí, đồng nghiệp

Có lẽ, đây là chuyến công tác dài ngày nhất của chúng tôi. Chưa có chuyến công tác nào chúng tôi phải chuẩn bị kỹ càng đến thế. Với tâm trạng vừa thích thú, vừa lo lắng. Thích thú vì đây là chuyến đi lịch sử. Đi biển thì tôi đã từng đi rồi, còn đến Trường Sa đây là lần đầu tiên, chỉ nghe qua đài, báo biết rằng Trường Sa rất xa xôi và thiếu thốn đủ mọi bề... Vậy nên, trước khi đi, gặp ai cũng hỏi mọi người đã đi Trường Sa chưa, chia sẻ cho một ít kinh nghiệm. Câu trả lời được nghe nhiều nhất và sự sợ hãi của những người đi trước đó là “bị say sóng”. Bị say sóng thì nôn ra mật xanh, mật vàng, không ăn uống gì được, nằm bẹp mấy ngày, lên đất liền thì bị say đất, nghe cũng hơi rợn, mà phóng viên đi Trường Sa bị say sóng thì làm sao có thể tác nghiệp được. Ngoài quân tư trang và phương tiện tác nghiệp thì còn có lỉnh kỉnh trăm thứ, với phóng viên nữ thì có cả kem và áo chống nắng, mũ kín bưng... Lo lắng thế nhưng khi lên tàu, chúng tôi được bên Hải quân trang bị đầy đủ, không thiếu gì từ mũ cối, dép quai, giấy vệ sinh cho đến dầu gội đầu, bàn chải, kem đánh răng... đủ cho 10 ngày. Vậy là những chuẩn bị ở nhà mang đi thành thừa.

Các phóng viên chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc đảo Trường Sa Đông.

Đúng theo kế hoạch, sau khi làm lễ chào cờ trước Tượng đài đoàn tàu không số, tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-491 chở gần 200 thành viên Đoàn công tác số 5 do đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương dẫn đầu, hú còi vang rền nhổ neo rời cảng Cát Lái, đưa chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa. Kể từ lúc này, tất cả sinh hoạt của các thành viên trên tàu đều theo “quân lệnh” của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam. Không ai bảo ai, nhưng cảm nhận của mỗi người trên tàu từ lúc này dường như là người ở cùng một nhà, thấy ai cũng đáng yêu vô cùng...

Suốt một ngày lênh đênh trên biển mà chưa thấy đảo đâu, nhìn 4 phương, 8 hướng chỉ một đường chân trời, không một bóng chim tăm cá, tàu KN-491 nhỏ nhoi trước biển cả. Sang ngày thứ hai, Thượng tá Lê Văn Tuấn và Trung tá Lê Vũ Long - Cục Chính trị Hải quân triệu tập tất cả các phóng viên báo đài để trao đổi thông báo về lịch trình đi và quy định tác nghiệp, quy định vùng cấm tác nghiệp, lưu ý các máy ảnh tránh những vị trí nhạy cảm... Chúng tôi được phát tài liệu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1); 1 sổ tay công tác Trường Sa. Các anh yêu cầu từng phóng viên nói rõ chủ đề, đề tài tác nghiệp để anh em hải quân hướng dẫn, tạo điều kiện tiếp cận thông tin... đồng thời giao việc này cho đồng chí Thiếu tá, nhà báo Thanh Hằng (Báo Hải quân) làm đầu mối liên lạc thông tin báo chí. Phải nói rằng, những thông tin về Trường Sa hiện nay quá nhiều, rất rõ ràng, không đến nỗi tù mù như trước đây. Năm nào cũng có hàng chục chuyến tàu ra Trường Sa, và mỗi chuyến như thế cũng có hàng chục nhà báo được đi tác nghiệp, chưa kể những chuyến riêng cho báo chí. Vậy nên, Trường Sa không còn xa lạ với mọi người dân đất Việt nữa. Với người viết lại càng khó, người đi trước viết hết rồi, bạn đọc biết hết rồi, mình viết gì, phải có thông tin mới và hấp dẫn. Tuy vậy, cuộc sống sinh hoạt, lao động, học tập, công tác của cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa luôn là những đề tài vô cùng hấp dẫn đối với báo chí. Làm sao để khắc họa sinh động, đầy ắp hơi thở cuộc sống hiện thực ở huyện đảo đến với độc giả luôn là trăn trở đối với chúng tôi. Cách duy nhất là phải hòa mình vào hiện thực, tận dụng hết thời gian để chụp ảnh, ghi hình, trao đổi, phỏng vấn, chia sẻ tìm hiểu thông tin, khai thác những nội dung mới.

Cùng một đề tài tuyên truyền về biển đảo Trường Sa, mỗi người có một cách tác nghiệp riêng. Nhà báo Huỳnh Lâm, Phó Tổng biên tập báo ảnh Đất Mũi, mặc dù anh đã đạt rất nhiều giải quốc tế và quốc gia nhưng lần đầu tiên đi Trường Sa này anh ấp ủ sẽ triển lãm một bộ ảnh về chuyến đi Trường Sa. Nhà báo Hùng Anh (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) thì bám sát các hoạt động của Đoàn công tác Tỉnh ủy Long An, cập nhật ghi lại những hình ảnh của lãnh đạo tỉnh Long An. Nhà báo Ngô Thanh Hà (báo Nông thôn Ngày nay), muốn tập trung về đề tài mô hình trồng rau sạch ở Trường Sa. Nhà báo Thùy Linh thì muốn tiếp cận đề tài ngư trường nuôi cá và dịch vụ hậu cần nghề cá ở Trường Sa. Nhà báo Thanh Hằng đi sâu đi sát với tâm tư của những người lính trẻ. Còn nhà báo Hữu Lý (báo Long An) trên vai một chiếc balô, 2 cái máy ảnh hiện đại, to tướng, đời mới âm thầm lựa chọn những góc ảnh đẹp cho riêng mình.

Tác nghiệp hết mình

Theo kế hoạch hành quân, đảo Đá Lớn C là điểm đảo đầu tiên đoàn công tác đặt chân đến, sau khi làm việc và tặng quà tại đảo, đoàn tiếp tục đến thăm các điểm khác như đảo Đá Lát, đảo Đá Tây, đảo Sinh Tồn Đông, đảo Trường Sa Đông, đảo Cô Lin, đảo Phan Vinh và cuối cùng là đảo Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1. Tất cả các sinh hoạt, hoạt động... đều diễn ra trên tàu. Mỗi ngày, cứ 5 giờ kém 10 thủy thủ đoàn sẽ phát loa báo thức theo hiệu lệnh quân đội “Toàn tàu báo thức - Báo thức toàn tàu”; 5 giờ 30 ăn sáng; 6 giờ 30 đoàn công tác và phóng viên vào đảo tác nghiệp. Trưa về lại ăn, nghỉ. Đầu giờ chiều lại đến tác nghiệp ở các đảo khác theo một kế hoạch đã được lập trình sẵn của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.

Các phóng viên tác nghiệp tại đảo Phan Vinh B.

Sáng xuống xuồng lên đảo, về tàu, đến chiều lại như vậy. Tất nhiên là các nhà báo được thủy thủ đoàn và Ban tổ chức ưu tiên được xuống xuồng vào đảo trước chỉ sau chuyến xuồng chở hàng. Chúng tôi luôn ý thức được sự ưu ái của các anh, nên luôn nhắc nhở nhau phải tập trung đúng giờ theo quân lệnh và sẵn sàng xuống ngay xuồng ở chuyến thứ 2, không được để chờ đợi... Mỗi khi chuyển xuồng, anh em luôn cẩn thận bọc kỹ đồ nghề: máy ảnh, camera, máy ghi âm, giấy bút... vào túi nilông chuyên dụng được tàu trang bị, buộc chặt lại tránh để sóng biển làm ướt thiết bị.

Những ngày trên tàu tôi đã chứng kiến sự xả thân làm việc của các đồng nghiệp, tôi đã chứng kiến anh Hữu Lý và Huỳnh Lâm (Báo ảnh Đất Mũi) đứng hàng giờ trước mũi tàu giữa trời nắng như lửa chỉ để chụp cho bằng được hình ảnh những con cá chuồn khi chúng nhao lên bay trên mặt nước biển. Mỗi khi chụp được một tấm ảnh ăn ý, các anh cho xem và tặc lưỡi khen đẹp quá trời! Có lẽ anh Hữu Lý là người may mắn nhất bởi vì anh đã theo dõi và chụp được những kiểu ảnh ghi lại toàn bộ hành trình của đoàn cá heo đi theo đoàn, bởi vì khi phát hiện dấu hiệu có cá heo, anh đã đứng cả tiếng giữa trưa nắng để săn.

Tôi cũng đã chứng kiến PV Hùng Anh có lẽ so với các PV nam, Hùng Anh là người tác nghiệp vất vả nhất vì phải vác máy quay kèm theo chân máy, người lúc nào cũng mồ hôi nhễ nhại. Vất vả nhất là 3 nữ phóng viên, bởi do điều kiện khí hậu ở Trường Sa rất khắc nghiệt. Trong 2 ngày đầu đã bị say sóng và không ăn uống được gì. Vượt qua thử thách say sóng, thử thách tiếp theo trong quá trình tác nghiệp chính là việc xuống xuồng để vào đảo. Không phải đảo nào cũng có cầu tàu như ở Trường Sa Lớn, nên việc phải di chuyển bằng xuồng nhỏ để vào đảo chìm là việc bắt buộc. Nhớ nhất là lúc tác nghiệp ở nhà giàn, các phóng viên nam trèo lên được nhà giàn đã khó, nữ lên còn khó hơn, nhưng chưa bao giờ thấy các nhà báo nữ này bỏ cuộc.

Cũng phải nói thêm, tác nghiệp ở Trường Sa trong một điều kiện đặc biệt, cái khó không chỉ là những cơn say sóng mà phải đối diện với sự quá eo hẹp về thời gian. Chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ lên mỗi điểm đảo, nếu không biết tận dụng thì vèo một cái đã đến lúc trở lại tàu. Bên cạnh tham gia những hoạt động chung của đoàn công tác, các phóng viên phải tranh thủ thời gian tách đoàn để tác nghiệp. Với rất nhiều người, được đặt chân tới Trường Sa luôn là một vinh dự lớn, một niềm tự hào lớn, còn với những người làm báo được tác nghiệp ở Trường Sa là vinh dự và hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời. Họ tác nghiệp bằng tất cả lòng yêu nghề, nhiệt huyết của mình, việc được tác nghiệp tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc này luôn là một trải nghiệm vô giá, dù nhiều khi có những điều không thể nói thành lời.

Khó khăn là thế, nhưng cả chặng đường ngàn hải lý đều trôi qua suôn sẻ với sự đồng lòng của chúng tôi, để rồi cảm giác cuối cùng chính là niềm hạnh phúc vì đã làm hết mình, cùng những bài viết, những hình ảnh, thước phim ưng ý, đằng sau mỗi tác phẩm ấy đều là những câu chuyện, những phận đời hay đơn giản chỉ là một dấu ấn đầy cảm xúc... nhưng nó lại mang ý nghĩa sâu sắc và lớn lao. Chính hình tượng những người lính kiên cường ngày đêm đứng giữa nắng gió, giông tố để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã là động lực, là điểm tựa cho tất cả những phóng viên chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm để làm tốt công việc của mình để thấy trân trọng và yêu quý hơn nghề mà mình đã chọn.

Trong chuyến đi, ngoài việc lao động tác nghiệp để mang về sản phẩm báo chí cơ quan mình, cánh phóng viên trên tàu còn phải thực hiện chương trình phát thanh nội bộ của tàu để phát hằng đêm vào lúc 21 giờ trong suốt hải trình. Với 2 giọng đọc truyền cảm rất chuyên nghiệp của ca sĩ Lê Minh và ca sĩ Hồng Nhung đến từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Cũng nhạc hiệu, nhạc nền bài bản như một chương trình phát thanh trên sóng của VOV nhưng được sản xuất khá nhanh trong điều kiện tác nghiệp hết sức “dã chiến” ngay trong khoang lái của tàu KN-491.

Chia tay Trường Sa, 10 ngày tuy ngắn ngủi nhưng đã ghi dấu bao kỷ niệm, bao cảm xúc khó quên. Mà quên sao được những lúc thay nhau vác chân máy dưới cái nắng cháy da của biển đảo, những lúc thay nhau chụp ảnh, những lúc bên nhau cùng các chiến sĩ hát say sưa... Quên làm sao được khi cả ngày làm việc hết mình, tối quây quần với hương vị chén rượu nghĩa tình... Nhiều lắm, còn quá nhiều kỷ niệm còn chưa kể hết. Trân trọng lắm với nghề báo của chúng tôi về một chuyến đi đầy ắp những trải nghiệm mới lạ, đầy ắp những điều thú vị trong cuộc đời làm báo.

Đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã giúp những người làm báo như chúng tôi đã vượt lên chính mình, để chia sẻ cho độc giả bức tranh đầy đủ về cuộc sống, chiến đấu và tình cảm của người lính nơi đảo xa. 10 ngày được tham gia cùng Đoàn công tác số 5, được sinh sống cùng cán bộ chiến sĩ hải quân trên tàu KN-491, cho chúng tôi những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa. Nhưng giá trị lớn nhất mà chúng tôi thu nhận được sau chuyến đi là được hun đúc thêm tình yêu với biển đảo, càng ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng của Tổ quốc.

Trần Lâm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tac-nghiep-o-truong-sa-n133168.html