Tác hại của trào lưu mỳ cay bảy cấp độ

Bị ảnh hưởng từ những bộ phim Hàn, trào lưu ăn mỳ cay hiện đang hoành hành trong giới trẻ. Không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức thông thường, giờ mỳ cay trở thành mục tiêu để các bạn trẻ thách đố và khoe khoang trên mạng xã hội.

Chỉ với giá từ 35-50 ngàn đồng, bạn sẽ được thưởng thức tô mỳ cay trên chiếc bàn thấp mang phong cách Hàn đặc sệt. Món mì cay được nấu khá đơn giản với nước dùng, mì, kim chi và các loại hải sản như tôm, mực, cá, sò, bò viên, thịt… Vì gọi là mỳ cay, nên dù là cấp độ 0 thì cũng đã cay rồi. Ai không ăn được ớt thì nên tự động tránh thử.

Những quán mì cay lúc nào cũng đông nghịt thực khách - Ảnh internet.

Theo Thanh niên, chủ quán mì cay nổi tiếng ở TP HCM cho biết: “Trước đây thực khách của quán chủ yếu là học sinh chiếm tới hơn 80%, nhưng hiện giờ lượng người lớn cũng như cả gia đình họ dẫn theo cả trẻ em cùng đến đây thưởng thức món mì cay rất đông”.

Nhiều người tìm ăn món này là vì tò mò nhưng cũng có người ăn vì thích ẩm thực của Hàn Quốc, nên các quán mì cay đang rất hút thực khách; đặc biệt là buổi tối, họ có thể ăn mì cay thay cho bữa ăn hằng ngày.

Dù là ở cấp độ 0 thì món mỳ cay này cũng chống chỉ địng đối với những người không ăn được ớt - Ảnh internet.

Chủ một quán mì cay ở TP. Cần Thơ tiết lộ cho Tuổi trẻ Đời sống rằng, để phân chia cấp độ cay của mì từ 1 đến 7, quán dùng… muỗng canh để đo. Nghĩa là 1 tô mì cấp độ 1 được nêm 1 muỗng ớt, cứ thế tăng dần cho tới 7. Thực khách quen ăn cay có thể kêu tô mì cấp độ 3, hoặc 4 thì đã thấy vị cay nồng, tê rần môi, lưỡi. Để thử sức chịu đựng của mình, khách ăn tô mì cấp độ 5 đã thấy người phừng phừng muốn bốc hỏa… Có người đến ngày hôm sau mới quên được vị cay ở đầu lưỡi.

Nếu như mọi việc chỉ dừng lại ở đó thì cũng chưa có gì đáng nói. Điều đáng nói ở đây là việc ai có thể tăng “level” cấp độ mỳ cay đã trở thành mốt thách đố nhau. Người nào có thể “chịu chơi” được cấp độ càng cao thì càng được bạn bè khâm phục, tự hào khoe thành tích trên facebook với nhiều like.

Nguy hiểm là việc ăn mỳ cay cấp độ cao đã trở thành thú vui để giới trẻ thách đố nhau - Ảnh internet.

Cách đây mấy tháng, trên mạng lan truyền clip một thanh niên vì thách đố đã thắng tiền thưởng 1 triệu đồng do thử sức với bát mì cấp độ 7. Qua clip, mọi người dễ dàng thấy khi mới bắt đầu ăn, anh này còn bình thường nhưng đến gần cuối thì mặt đỏ lên, toát mồ hôi dầm dề. Chính khổ chủ cũng công nhận là anh đã suýt phải nhập viện vì đau dạ dày dữ dội và cho biết từ nay cạch không ăn như thế nữa.

Với một chút ớt, chúng sẽ có tác dụng kích thích giúp bạn ăn uống trở nên ngon miệng, ấm người, nhưng nếu ăn quá nhiều thì nó sẽ trở thành “sát thủ dạ dày” thứ thiệt. Trước đây, Đời sống và Pháp luật đã có bài đăng về tác hại của việc ăn nhiều ớt cay đối với sức khỏe con người. Đầu tiên và trực tiếp nhất là dạ dày. Những dấu hiệu dễ nhận thấy là: viêm dạ dày, nôn ói, ợ chua, đau nóng rát dạ dày hoặc gây trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản gây bỏng nóng rát sau xương ức. Ngoài ra, ớt cay cũng có thể là nguyên nhân khởi phát cơn đau viêm loét dạ dày - tá tràng ở những người có bệnh trước đó.

Bát mì đỏ rực này ẩn chứa những tác hại khôn lường cho sức khỏe - Ảnh internet.

Sau đó là một loạt các tác hại gián tiếp khác như mất ngủ, mất vị giác, nóng trong người, thậm chí là ngộ độc và ung thư nếu bạn dùng ớt bị mốc, ớt có chất hóa học độc hại.

Nếu bạn không muốn một ngày nào đó phải vào viện cấp cứu thì hãy hạn chế ăn ớt quá cay - Ảnh internet.

Vì vậy, các bác sỹ khuyên bạn hãy thưởng thức các món ăn với độ cay vừa phải, đừng theo trào lưu, thách đố hay bất kì nguyên nhân nào khác mà nảy sinh ra ý nghĩ “vượt kỉ lục bản thân” đối với ớt cay.

MINH MINH (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/tac-hai-cua-trao-luu-my-cay-bay-cap-do-a163644.html