Tác động của quá trình đô thị hóa đến sự phát triển của khu vực nông thôn

Đến cuối năm 2010, cả nước ta có 755 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 10 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 50 đô thị loại IV và 634 đô thị loại V. Tính đến 1.4.2009, Việt Nam có 29,6% dân số sống ở khu vực đô thị. Quá trình đô thị hóa đã tác động đến khu vực nông thôn theo nhiều chiều cạnh (cả tích cực và tiêu cực). Đây cũng là chủ đề của hội thảo “Tác động của quá trình đô thị hóa đến sự phát triển của khu vực nông thôn: Thực tiễn và bài học kinh nghiệm” diễn ra ngày 30.11.2011. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp nhà nước được thực hiện trong 2 năm (2010-2011) do PGS.TS Hoàng Bá Thịnh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) làm chủ nhiệm.

Theo nhận định của các nhà khoa học tại Hội thảo, so với nhiều nước thì tốc độ đô thị hóa của Việt Nam không phải nhanh nhưng về thời gian thì đã có sự gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ sau đổi mới. Quá trình đô thị hóa đã đem lại nhiều mặt tích cực cho khu vực nông thôn như: Cơ sở hạ tầng phát triển, mức sống của người dân được nâng lên. Bên cạnh mặt tích cực, quá trình đô thị hóa cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập: Quy hoạch đô thị không đồng bộ, nông dân mất việc làm, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… Có gần 20 báo cáo tham luận đã được trình bày tại Hội thảo, liên quan đến các vấn đề của hội thảo như: Công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn và một số vấn đề đặt ra đối với đội ngũ cán bộ cơ sở; Những biến đổi văn hóa ở các vùng nông thôn dưới tác động của đô thị hóa; Đô thị hóa và biến đổi dân số nông thôn Việt Nam; Đô thị hóa và tội phạm…

Tin và ảnh: VH

Nguồn HĐKH: http://www.tchdkh.org.vn/ttchitiet.asp?code=17281