Tấc đất tấc vàng, đất bờ sông cũng công khai rao bán

Trong hành trình tìm hiểu về căn bệnh trầm kha mang tên 'vi phạm trật tự xây dựng' trên địa bàn TP.Hà Nội, ngoài những khu vực đất nông nghiệp được người dân cố tình thay đổi công năng hòng tận thu tối đa các giá trị nội tại, PV cũng ghi nhận được nhiều trường hợp khác tương tự. Lần này, nực cười hơn, đến đất bờ sông cũng được xây nhà rồi rao bán.

Vẫn câu chuyện…“làm luật”

Tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm), tiếp tục trong vai người lao động tỉnh lẻ có nhu cầu tìm mua một “mảnh đất cắm dùi” với giá rẻ từ 500 - 700 triệu đồng, chúng tôi được một phụ nữ bán nước vui vẻ giới thiệu và dẫn đến nhà ông Nguyễn Sỹ T, 66 tuổi, ở tổ dân phố 3 Phú Mỹ. Tại đây, ông T giới thiệu mình có một mảnh đất rộng 65,4m2, đã xây lên một ngôi nhà nhỏ 2 tầng, nguồn gốc là đất cày cấy xưa, sát bờ sông.

Ông L muốn bán ngôi nhà rộng 120m2 với giá 1,05 tỉ đồng.

Với mảnh đất này, ông T muốn bán đi 1 nửa để có tiền xây lên nhà kiên cố 3 tầng. Giá được đưa ra là 35 triệu đồng/m2. Khi PV hỏi mảnh đất này liệu có xây được nhà cao tầng không thì người đàn ông khẳng định như đinh đóng cột là sẽ xây được, với điều kiện tiên quyết là “làm luật” khoảng 60 - 70 triệu đồng là xong. Để tăng thêm sự tin tưởng, ông T còn cho biết, hiện ông đang là thương binh, bị nhiễm chất độc màu da cam nên đang được miễn giảm 90% tiền sử dụng đất. “Mọi thủ tục tôi sẽ chịu trách nhiệm lo từ đầu đến cuối, sau khi đất được chuyển đổi mục đích sử dụng thì lúc đó sẽ chia cắt ra sau. Nếu các cậu về đây ở thì cứ yên tâm” - ông T khẳng định.

Rời nhà ông T, khi lân la hỏi một cửa hàng tạp hóa ở gần đó, tôi được một người phụ nữ khác giới thiệu cho một mảnh đất khác của nhà ông L ở địa chỉ số 6xx, đường k2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm. Khi đến đây, ông L cũng cho biết là mảnh đất ông đang giao bán có diện tích là 120m2 và cũng chưa có sổ đỏ. Ngôi nhà của ông là thuộc diện tích đất khai hoang ngày xưa, nhà của ông đã xây được 4 năm, phía sau ngôi nhà là sông Nhuệ.

Ông L - chủ nhân căn nhà rộng 120m2 giá 1,05 tỉ đồng - đang nói chuyện với PV.

Diện tích của ngôi nhà đã được ông kê khai để nộp thuế và có thể sắp tới sẽ được cấp sổ đỏ. Ông cũng cho biết là chỉ cần “làm luật” tầm 200 - 300 triệu đồng thì sẽ được xây nhà thoải mái. “Mình nên mua nhà đã xây sẵn để có thể xây nhà cao tầng dễ dàng hơn” - ông L bày mẹo cho PV.

Ban đầu, giá của ngôi nhà được ông L đưa ra là 1,2 tỉ đồng, những về sau, thấy ánh mắt nghi ngại của chúng tôi, người đàn ông này lập tức bớt xuống 1,05 tỉ đồng. Ông nói: “Đã có người hỏi mua ngôi nhà này với giá 1,02 tỉ đồng nhưng tôi chưa muốn bán vì chưa được giá…”.

Cả khu nhà trên đất bờ sông

Theo tìm hiểu của PV, điểm nóng nhất của tình trạng xây dựng nhà tràn lan trên đất bờ sông tại phường Mỹ Đình 2 là đoạn cuối đường k2 - vốn là con đường bêtông chạy bám dọc theo sông Nhuệ. Vuông góc với đường k2 là một con đường đất chạy xuyên qua ruộng lúa, đâm thẳng ra làng Tân Mỹ và khu Bệnh viện Thể thao.

Tại đây, phần lớn các ngôi nhà được xây lên, dù kiên cố 3-4 tầng hay chỉ là căn nhà 1 tầng có gác xép, đều chưa có sổ đỏ và hiển nhiên không có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, cũng giống như những gì đã xảy ra tại phường Thịnh Liệt, những căn nhà đều chễm chệ gắn biển số và có địa chỉ rõ ràng, điện, nước, Internet phục vụ độc lập… Theo khảo sát, với lý do “đã được địa chính đo đạc”, nhiều chủ hộ “thổi” giá nhà đất lên khá cao, từ 30 - 40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi được hỏi có gì để đảm bảo cho tính pháp lý, câu cửa miệng của những chủ đất chỉ là: Có giấy viết tay.

Khu đất dưới căn nhà này được ông T rao bán với giá khoảng 30 triệu đồng/m2. Ảnh: P.V

Cũng theo ghi nhận tại quận Nam Từ Liêm cho thấy, song song với việc nhiều khu nhà mọc lên trên đất bờ sông, đất nông nghiệp, còn có khá nhiều chủ đất rao bán những miếng đất xen kẹt, có giá nhỉnh hơn những loại đất kể trên nhưng rẻ hơn khá nhiều so với những nơi có giấy tờ hợp pháp. Theo một số chủ, đất xen kẹt là đất vườn, đất nông nghiệp chưa được công nhận là đất ở nằm trong khu dân cư, hoặc đất dư sau quy hoạch. Những loại đất này thường không có sổ đỏ, chuyển nhượng chỉ thông qua giấy tờ viết tay. Đất xen kẹt được hiểu là đất bao gồm vườn ao và đất nông nghiệp xen kẹt. Mặc dù vậy, cũng cùng cách thức “làm luật”, nhiều chủ đất khẳng định sẽ “bao trọn” cho người mua đến khi xây dựng được nhà…(còn tiếp).

NHÓM PV

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/trang-ha-noi/tac-dat-tac-vang-dat-bo-song-cung-cong-khai-rao-ban-667713.bld