Tá hỏa với địa chỉ 'ma' của công ty bán Tinh lá sen tươi Firi

Trong quá trình tìm hiểu về những “mập mờ” trong quảng cáo Tinh lá sen tươi Firi, PV tiếp tục bất ngờ với sự “thoắt ẩn thoắt hiện” của đại diện công ty và địa chỉ “ma” của công ty bán TPCN này.

Tá hỏa với địa chỉ “ma” của công ty

Từ phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, PV đã lần theo những thông tin quảng cáo về sản phẩm “Tinh lá sen tươi Firi” trên website http://tralasen.info và bất ngờ với địa chỉ "ma" của công ty Cổ phần Thực phẩm Hisamitsu Nhật Bản.

Theo tìm hiểu của PV, trên trang web của công ty Cổ phần Thực phẩm Hisamitssu Nhật Bản có địa chỉ đăng ký kinh doanh ở số 36 đường Nguyễn Khang (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy Hà Nội). Người đại diện theo pháp luật là ông Lưu Văn Chiến (số điện thoại 0978350003). Tuy nhiên, khi PV liên lạc đến số điện thoại 0978.35.0003 liên hệ đặt lịch làm việc về những phản ánh của người tiêu dùng thì không có ai nhấc máy.

Sau đó, một người đàn ông (số điện thoại 0961.726.111) gọi điện lại cho PV. Nhưng vị này cho hay: “Anh đã thôi không còn làm cái này nữa”. PV gặng hỏi trụ sở của công ty thì vị này nói: “Anh không còn làm, anh không biết”?

Hình ảnh bác sỹ Phạm Hà tư vấn cho sản phẩm Tinh lá sen tươi Firi.

Theo đúng địa chỉ đăng ký kinh doanh mà công ty Cổ phần Thực phẩm Hisamitsu Nhật Bản cập nhật trên website, PV tìm đến địa chỉ 36 Nguyễn Khang thì bảo vệ tòa nhà cho hay công ty này đã chuyển về đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội).

Tiếp tục tìm hiểu, PV gọi điện đến đường dây nóng 0971.523.180 trên website http://tralasen.info , một nhân viên nữ cho hay, công ty đã chuyển về địa chỉ 301 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Cứ ngỡ nhân viên trực đường dây nóng cung cấp thông tin là chuẩn xác, PV tiếp tục mang giấy giới thiệu đến đúng địa chỉ để đặt lịch. Qua tìm hiểu, được biết, công ty Cổ phần Thực Phẩm Hisamitsu Nhật Bản nằm trên tầng 2, khu nhà A thuộc Viện Công nghiệp thực phẩm. Thế nhưng, dù tìm đúng địa chỉ nhưng một đôi thanh niên đang dọn dẹp phòng cho hay, công ty Hisamitsu ở 36 Nguyễn Khang.

Sau một hồi hỏi-đáp, PV xuất trình giấy giới thiệu, một nhân viên nữ tên Hạnh của công ty xác nhận: “Ở đây chỉ có một bộ phận ngồi còn địa chỉ đăng ký kinh doanh vẫn ở 36 Nguyễn Khang. Chị vui lòng qua đó liên hệ công tác”.

Sau khi nghe PV “phản pháo” về việc công ty lập lờ địa chỉ kinh doanh khiến người tiêu dùng mất lòng tin thì chị Hạnh nói: “Chị liên hệ trực tiếp đến số của sếp em. Chúng em không có chức năng giải quyết. Chị đặt lại giấy giới thiệu và nội dung làm việc, khi nào bên em xếp được lịch sẽ alo lại”. Vậy nhưng, từ ngày 30/8 đến nay phía Công ty Cổ phần Thực phẩm Hisamitsu vẫn bặt vô âm tín.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết: “Công ty Cổ phần Thực phẩm Hisamitsu Nhật Bản thành lập ngày 2/12/2014. Địa chỉ đăng ký kinh doanh ở số 36 đường Nguyễn Khang (Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, Việt Nam). Mã số doanh nghiệp: 0106706437, loại hình doanh nghiệp: Công ty cổ phần. Người đại diện theo pháp luật là ông Lưu Văn Chiến. Tình trạng doanh nghiệp: Đang hoạt động và không có hồ sơ thay đổi địa điểm kinh doanh”.

Rõ ràng, về mặt pháp lý, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hisamitsu Nhật Bản vẫn tồn tại và các sản phẩm của công ty này vẫn được rao bán rầm rộ trên các trang mạng. Vậy nhưng, PV cũng phải “bó tay” với địa chỉ “ma” của công ty và hoạt động “thoát ẩn, thoắt hiện” của lãnh đạo của công ty này.

Theo quy định tại Điều 26, Luật Doanh nghiệp 2005 về thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì khi thay đổi địa chỉ trụ sở chính doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi. Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp thay đổi địa chỉ sang quận, huyện khác thì trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục với cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế.

Quy định một đằng, quảng cáo một nẻo

Quay trở lại câu chuyện quảng cáo sản phẩm Tinh lá sen tươi Firi của Công ty Cổ phần Thực phẩm Hisamitsu Nhật Bản, đường dây nóng của báo ĐS&PL đã nhận được không ít phản ánh của người tiêu dùng về việc quảng cáo lập lờ, sử dụng hình ảnh phản hồi của khách hàng, bác sỹ để câu khách…

Nhân viên trực đường dây nóng của trang website http://tralasen.info cho biết công ty đã chuyển sang địa chỉ 301 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội?

Thực tế cho thấy, việc quản lý giá và chất lượng của thực phẩm chức năng vẫn là thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước thì hiện nay những vi phạm về quảng cáo TPCN lại diễn ra phổ biến, góp phần dẫn đến xu hướng lạm dụng những sản phẩm này của không ít người dân.

Chị Nguyễn Kim D. (Khâm Thiên, Hà Nội) bức xúc nói: “Công tác thanh tra, kiểm tra thị trường thực phẩm chức năng cần được tăng cường hơn nữa trước tình trạng TPCN được quảng cáo quá công dụng. Thậm chí có nhiều sản phẩm còn được quảng cáo như một loại “thần dược” để đánh cắp lòng tin của người tiêu dùng”.

Nhiều ý kiến cho rằng, bởi sự thổi phồng về tính chất nên không ít người ngộ nhận về TPCN, dẫn đến việc dùng nó như thuốc chữa bệnh, hoặc tin rằng nó vô hại nên họ uống liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm với quan niệm "không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc"? Thế nhưng, sự thật không như quảng cáo…

Theo tìm hiểu của PV, một trong những hành vi trong hoạt động quảng cáo thực phẩm của Thông tư 08/2013/TT-BYT cấm "Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm" thì trong bài viết về sản phẩm Tinh lá sen tươi Firi vẫn "đính kèm" hình ảnh của khách hàng, "Bác sĩ Phạm Hà”, “Bác sĩ Thu Hương”, “Bác sỹ Hải Yến" trong phần tư vấn, hỗ trợ trực tuyến nhằm làm tăng thêm sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

Điều đáng nói ở đây là trong phần bài viết quảng cáo cho sản phẩm TPCN “Tinh lá sen tươi Firi” không hề ghi dòng khuyến cáo theo Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, khi tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" nhằm tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.

Trao đổi với PV, đại diện của Cục ATTP (Bộ Y tế) cho hay, trong số những vi phạm về TPCN thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, chủ yếu số lượng doanh nghiệp vi phạm về thực phẩm là vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt, ghi nhãn sai quy định). Bên cạnh đó, hiện nay việc in quảng cáo về TPCN trên tờ rơi hoặc quảng cáo trên các trang web chưa được cấp phép, thậm chí trên các trang mạng xã hội đang là vấn đề rất nhức nhối.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS.Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục ATTP (bộ Y tế) nhận định: "Việc quảng cáo của các công ty bán TPCN luôn phải gửi nội dung trước cho cục ATTP kiểm tra mới được phép đăng tải. Tuy nhiên, trên mạng bây giờ có nhiều nguồn quảng cáo không chính thống, thậm chí ngay cả trên báo chí nhiều khi cũng quảng cáo sai. Vì vậy, cụ ATTP đang phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông để kiểm tra các hành vi sai phạm trong quảng cáo TPCN".

N.P.V/ĐS&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ta-hoa-voi-dia-chi-ma-cua-cong-ty-ban-tinh-la-sen-tuoi-firi-p41176.html