Syria giật mình 'thức tỉnh' sức mạnh tên lửa

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, Tổng thống Syria Bashar Assad nói rằng Damascus đang quan tâm đến việc mua hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, Tổng thống Syria Bashar Assad nói rằng Damascus đang quan tâm đến việc mua hệ thống phòng không tiên tiến của Nga. Hiện tại, quân đội Syria đang sử dụng hệ thống phòng không S-200 từ thời Liên Xô.

Syria cần tăng cường phòng không

Nga đã sẵn sàng cung cấp cho Syria hệ thống phòng không mới nếu một thỏa thuận như vậy đạt được giữa Moscow và Damascus, thượng nghị sĩ Nga Viktor Ozerov hôm thứ Bảy cho biết.

"Số lượng cần thiết (của các hệ thống phòng không) có thể được cung cấp dựa trên nền tảng ưu tiên và sẽ không gia tăng thêm gánh nặng cho ngành công nghiệp quốc phòng", Viktor Ozerov Chủ tịch Ủy ban về Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga bnói với Sputnik.

Theo quan chức này, "không có gì đặc biệt về các hoạt động chuyển giao như vậy (nếu thỏa thuận đạt được) khi Syria đang trong cuộc chiến với lực lượng khủng bố và Nga đang giúp nước này chống khủng bố".

Ông cũng nhấn mạnh rằng việc chuyển giao hệ thống phòng không cho Syria sẽ không vi phạm các quy tắc quốc tế hay các nghị quyết của LHQ vì "các hệ thống phòng không là vũ khí tự vệ, chứ không phải là vũ khí tấn công."

Hôm thứ sáu, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng chia sẻ với Sputnik trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng Damascus đang quan tâm đến các hệ thống phòng không thế hệ tiếp theo của Nga vì trên 50% vũ khí phòng không của Syria đã bị khủng bố tàn phá. Ông nói thêm rằng Moscow và Damascus đang đàm phán về việc cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Syria.

Kho vũ khí bị tàn phá nghiêm trọng

Theo Sputnik, nhu cầu hiện đại hóa không quân của Damascus rõ ràng là do ảnh hưởng từ việc Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào một sân bay quân sự Syria ở Ash Sha'irat, cách thành phố Homs 40 km về phía Nam vào ngày 7/4. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng hành động tấn công này là một phản ứng với vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib, Syria, - hành động Washington và các đồng minh cho rằng do chính phủ Syria thực hiện.

Việc Mỹ phóng tên lửa vào căn cứ quân sự Syria khiến nước này lo ngại. (Nguồn: AP)

Trong cuộc phỏng vấn, ông Assad nói với Sputnik rằng hơn 50% sức mạnh phòng không của Syria đã bị phá hủy bởi bọn khủng bố.

"Bây giờ chúng ta không phải đưa ra con số chính xác, bởi vì như bạn biết đó là thông tin quân sự, nhưng tôi có thể nói với bạn là hơn 50%", ông Assad nói về các hệ thống phòng không bị phá hủy.

Tổng thống Syria giải thích sự “bất lực” của hệ thống phòng không khi muốn bắn hạ tên lửa Tomahawk của Hoa Kỳ vào ngày 7/4 do "sự phức tạp về mặt kỹ thuật vì hệ thống phải nhìn thấy mục tiêu của nó."

"Về mặt kỹ thuật, nó rất phức tạp, bởi vì hệ thống phòng thủ tên lửa phải nhìn thấy mục tiêu, giả sử như hệ thống của chúng tôi, để làm được điều đó cần radar để có thể nhìn thấy mọi góc độ– điều không thể khi bị ngăn trở bởi địa hình và địa thế. Như bạn biết, tên lửa hành trình sử dụng địa hình để trốn khỏi radar, "Assad nói.

Các cuộc tấn công khủng bố là lý do thứ hai đằng sau việc hệ thống phòng không của Syria không có khả năng bắn hạ Tomahawks, Assad nói thêm.

"Tại thời điểm ban đầu của các cuộc tấn công, họ bắt đầu bằng cách phá hủy hệ thống phòng không Syria, điều không liên quan gì đến những nội dung họ lên tiếng chỉ trích vào thời điểm đó – trong "các cuộc biểu tình ôn hòa". Hầu hết các hệ thống phòng không đều nằm ở ngoại ô các thành phố ở các khu vực xa xôi, nên họ bắt đầu tấn công hệ thống phòng không và cơ sở hạ tầng này đã bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời kì khủng hoảng", ông nói.

Hệ thống S-200 ở Syria

Quân đội Syria đã sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không S-200 của Liên Xô (NATO gọi là SA-5 Gammon).

Hệ thống phòng không trên của Liên Xô được thiết kế để bảo vệ các vật thể quan trọng trong cơ sở hạ tầng quân sự và dân dụng khỏi tất cả các hoạt động tấn công của không quân. Hệ thống này được đưa vào sử dụng vào năm 1967 và từ đó đã được Nga và nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.

S-200 là một hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa, tầm bắn từ trung tới cao và được triển khai thành các tiểu đoàn. Mỗi tiểu đoàn bao gồm sáu bệ phóng tên lửa và radar.

Tên lửa dài 11m có thể đạt tốc độ 700-1200 m/ giây, hoạt động ở độ cao 300 m đến 27 km và tầm hoạt động lên đến 300 km.

S-200 là một hệ thống phòng không dưới mọi thời tiết và có thể hoạt động ở bất kỳ điều kiện khí hậu nào.

Liên Xô đã đưa các hệ thống S-200 đầu tiên đến Syria vào tháng 1/ 1983. Những tên lửa này được tổ chức thành hai trung đoàn tên lửa đất đối không tầm xa, mỗi trung đoàn gồm hai tiểu đoàn, tổng cộng ít nhất có 24 tên lửa.

Vào cuối những năm 1980, Moscow đồng ý cung cấp một trung đoàn thứ ba, tăng số lượng bệ phóng lên 40-50. Theo các nguồn tin khác nhau, hiện có 45-50 bệ phóng S-200 trong biên chế của quân đội Syria.

Vào đầu cuộc chiến tại Syria, một phần của hệ thống S-200 đôi khi được phát hiện khi các căn cứ không quân Syria bị lực lượng nổi dậy tràn vào. Cùng với sự hỗ trợ trong hoạt động chống khủng bố của Nga vào năm 2015, đã có một số nỗ lực khôi phục lại một số hệ thống S-200 tại Syria.

Trong tháng 11/2016, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng Nga đã phục hồi hoạt động của các hệ thống S-200 của Syria. Ví dụ, vào tháng 7/2016, quân đội Syria, với sự trợ giúp của Nga đã xây dựng lại một hệ thống S-200 tại sân bay Kweires, gần Aleppo. Tháng 3, quân đội Syria báo cáo rằng hệ thống phòng không của họ đã bắn rơi một trong những máy bay chiến đấu của Israel trong hoạt động liên quan đến một cuộc tấn công vào quân đội Syria gần Palmyra. Các phương tiện truyền thông Israel đã đưa tin rằng tên lửa S-200 được sử dụng để nhắm mục tiêu vào máy bay của họ. Tuy nhiên, quân đội Israel bác bỏ thông tin trên, nói rằng không máy bay nào bị phá hủy.

(Theo Sputnik)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/syria-giat-minh-thuc-tinh-suc-manh-ten-lua-236433.html