Suýt gặp họa vì bánh mứt Trung Quốc giả danh 'hàng nhà làm'

Mới đây, trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, một bà nội trợ đã chia sẻ câu chuyện đáng chú ý về việc mua nhầm bánh kẹo Trung Quốc giả danh “home made” khiến gia đình chị suýt gặp họa. Đây là bài học cho nhiều chị em dễ tin lầm những lời quảng cáo trên mạng hoặc giới thiệu của cửa hàng mà không cẩn thận kiểm nghiệm nguồn gốc sản phẩm.

Ảnh minh họa.

Theo chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, ngụ Lô C, chung cư Lạc Long Quân, quận 11, chị không dám đi mua thực phẩm, bánh mứt Tết ở các chợ hay cửa hàng vì lo lắng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mua hàng siêu thị thì sợ không ngon, nên thấy có người giới thiệu bánh mứt Tết nhà tự làm bán trên mạng, nhìn khá ngon mắt, chị mua nhiều loại về để dùng thử rồi ăn Tết luôn. Khi nhận hàng, mở ra xem, chị Tiên cũng có đôi chút băn khoăn vì thấy sao hàng làm bằng tay mà màu sắc rực rỡ, kiểu dáng bắt mắt thế. Tối hôm đó, sau bữa ăn cả nhà lấy các loại bánh mứt ra nếm thử, thấy mùi hơi đậm nhưng vị ăn vừa miệng nên cả gia đình ăn khá nhiều.

Đến nửa đêm thì cả nhà một phen hoảng loạn vì tiêu chảy, con gái út chị phải vào bệnh viện do mất nước. Sau đó, chị liên lạc người bán để hỏi thì người này đổ lỗi là do gia đình chị ăn phải thứ khác, chứ người bán không chịu trách nhiệm. Đem số mứt đi hỏi một xưởng chuyên làm mứt thủ công, chị mới tá hỏa khi biết màu sắc sặc sỡ của mứt này hoàn toàn là phẩm màu chứ nguyên liệu tự nhiên không thể lên màu như thế. Ngoài ra, nguyên liệu của mứt như cà rốt, gừng, cà chua, hồng… đều là nguyên liệu rau củ, trái cây Trung Quốc loại “khủng” để mứt có hình dạng đẹp mắt.

Hiện, bánh mứt mang mác “home made” có giá cao từ 20 – 50% so với bánh mứt mua tại các chợ. Cạnh đó, lựa chọn sản phẩm tự làm để ngon miệng và yên tâm hơn đang là một xu hướng. Đánh vào điều này, nhiều người kinh doanh không có tâm đã chơi trò “lập lờ đánh lận” đối với khách để kiếm lợi nhuận. Chị Thái Minh Hòa, ngụ quận 6, TP.HCM chia sẻ, cạnh nhà chị có một cửa hàng bán dừa tươi, bán luôn mứt dừa non. Khách mua rất yên tâm vì dừa tận dụng, cửa hàng tự làm. Tuy nhiên, chị Hòa chia sẻ, thực chất lượng dừa dư không đủ để làm mứt bán cho khách, mà chủ cửa hàng chủ yếu lấy mứt dừa non ở chợ Lớn về lấy mác “nhà làm” để bán với giá cao hơn giá mua chợ rất nhiều.

Tương tự, một chiêu mới của nhiều người bán hàng online hiện nay là “treo đầu dê bán thịt chó”, nghĩa là cũng mua chút ít nguyên liệu về bày ra, chụp hình các thao tác làm bánh mứt tại nhà để đăng lên mạng rao bán, thực ra, số này chỉ để “quảng cáo”, còn khi khách đặt thì đến các chợ đầu mối bánh mứt để mua lại.

Tết đang đến gần, đây cũng là mùa “ăn nên làm ra” của những người kinh doanh bánh mứt. Đây cũng là thời điểm tăng cao số vụ ngộ độc thực phẩm. Vì thế, người tiêu dùng nên có sự cẩn trọng trong việc chọn mua các loại bánh mứt Tết, nên lựa chọn các sản phẩm của thương hiệu uy tín hoặc có nguồn gốc rõ ràng, để tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.

N.Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/suyt-gap-hoa-vi-banh-mut-trung-quoc-gia-danh-hang-nha-lam-308992.html