Suy nghĩ về 'gộp' Tết âm, Tết dương

Nếu gộp lại hai loại Tết và lấy ngày trùng với Tết dương lịch thì lúc đó chúng ta chỉ nên xem việc đón nhận chuyện này của dân Việt như một dấu hiệu mở, hướng ngoại, là điều bình thường, tự nhiên trong thời kỳ thế giới hội nhập, phù hợp với quy luật và xu thế thời đại.

Công nhân KCN Thăng Long (Hà Nội) trong ngày hội Tết sum vầy 2016 do Tổng LĐLĐVN tổ chức

Ý kiến đón Tết cổ truyền theo dương lịch đưa ra có hai luồng ý kiến trái chiều.Ý kiến không đồng tình chủ yếu cho rằng, tết cổ truyền là ngày lễ rất thiêng liêng, gắn với truyền thống văn hóa dân tộc...

Ý kiến ủng hộ viện dẫn trong thời hội nhập kinh tế thế giới, độ lệch pha chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội trong thương trường với quốc tế chỉ vì mãi lo ăn tết,không phù hợp với đòi hỏi nếp sống của xã hội công nghiệp...

Xem ra cả hai đều có cái lý của nó. Tuy nhiên nếu tiếp cận theo hướng không loại trừ nhau một cách cực đoan mà gộp chung lại hai loại Tết thành một Tết duy nhất mà vẫn được giữ nguyên những bản sắc tốt đẹp những giá trị phổ quát hợp lý của mỗi loại Tết thì sao ?

Cho dù gộp lại nhưng vẫn giữ gìn những phong tục liên quan đến ngày tết, đến văn hóa tâm linh như cúng ông Công ông Táo, đón giao thừa, thờ cúng tổ tiên, thực hiện chữ hiếu với bố mẹ, ông bà… Vấn đề còn lại thời gian nào, ngày nào trong năm thì phải đặt lên bàn cân để cân nhắc tất cả mặt tích cực và chưa thuận của hai loại Tết có tính đến điều kiện phát triển kinh tế xã hội, xu thế phát triển của thời đại và tính tiếp biến của nền văn hóa.

Thật ra,Tết Nguyên đán không phải là cái Tết cổ nhất, xưa nhất của người Việt. Người Việt đã có lần thay đổi Tết. Trước đây, cái Tết quan trọng nhất với dân ta là Tết tháng 10, tức Tết mùa thu. Sau khi thu hoạch vụ lúa mùa là quan trọng nhất. Lịch sử văn hóa Việt Nam đã có một lần chuyển đổi rất cơ bản từ Tết cơm mới, Tết mùa thu sang Tết mùa xuân, theo lịch Trung Quốc, Tết Nguyên đán, rồi lại xuất hiện thêm Tết dương lịch.

Không việc gì sợ mất bản sắc dân tôc, nhìn sang Nhật Bản, một nước châu Á và rất chú trọng tới những giá trị văn hóa truyền thống như nước chúng ta, nhưng cũng đã ăn Tết cổ truyền theo dương lịch từ rất lâu rồi. Như vậy Nhật Bản chuyển sang gộp lại ăn hai cái Tết làm một.

Chúng ta hoàn toàn có thể giử lại nguyên vẹn những phong tục sum hợp gia đình, cúng giỗ tổ tiên, mừng thọ ông bà cha mẹ, bảo tồn không gian văn hóa lễ nghĩa gia đình truyền thống, hội hè... của người Việt.

Cái cản trở về mặt tâm lý ở đây là khác ngày theo thông lệ. Tuy nhiên việc chọn ngày nào suy cho cùng cũng chỉ là ước lệ, trên thực tế cuộc sống ngày nay ngày cúng giỗ, cưới xin ma chay cũng không cần đúng ngày, ngày lành mà linh hoạt chuyển vào ngày thứ 7, chủ nhật để con cháu họ hàng có điều kiện sum vầy cũng ấm cúng trọn vẹn không hề bị sứt mẻ lòng biết ơn của con cháu họ hàng đối với tiền nhân trong gia đình.

Còn những niềm vui biểu trưng sâu đậm một thời của Tết cổ truyền như cây nêu,tràng pháo,bánh chưng xanh cũng đang mặc nhiên phai nhạt dần, đã mai một nhiều.

Hết dần cảnh cả nhà ngồi lại gói và canh nồi bánh chưng bánh tét đêm giao thừa, giờ đây chỉ cần nhấc máy gọi dịch vụ cung cấp bánh muốn bao nhiêu cũng có. Quá trình đô thị hóa diễn ra ồ ạt đến chóng mặt, phố thị nhà cao tầng mọc lên san sát cũng không còn không gian thích hợp để dựng cây nêu, còn pháo thì đã cấm lâu rồi và đã vượt qua sự đòi hỏi "bảo tồn truyền thống" vẫn cấm được do mặt tích cực của nó khi so sánh tác hại của các nguy cơ khi đứng trên lợi ích tích cực chung của một xã hội văn minh.

Đã từ lâu rồi, cộng đồng nguồn gốc cư dân đi mở cõi phương Nam đặc biệt là Sài gòn, có lẽ do hình thành nếp sống công nghiệp sớm, tính năng động, ít bảo thủ việc ăn Tết không còn cầu kỳ, rườm rà mà nặng về chơi Tết hơn. Xu thế này cũng bắt đầu lan ra cả nước. Con cháu nhiều khi làm thủ tục mừng thọ ông bà cha mẹ trước để tranh thủ đi du lịch cũng đã xuất hiện nhiều.

Cũng không có gì sợ mất các lễ sau Tết Nguyên Đán. Thật ra một số lễ trong 13 lễ cũng tự mất đi lâu nay. Ngay cả việc cưới xin, là sự kiện trọng đại nhất của đời người, ngày nay cũng đã đơn giản hơn. Không còn 7 lễ như ngày nào, mà thường chỉ còn 3 lễ: lễ đám hỏi, lễ rước dâu và lễ cưới làm chung cho cả 2 họ, bạn bè và cũng đã xuất hiện nhiều đám cưới tập thể lên cả trăm đôi.

Với việc nhà nhà, người người sử dụng phổ biến nồi cơm điện, bếp gas, bếp điện,lò vi sóng... thì có lẽ diện mạo, ý nghĩa và vị trí ông Công, ông Táo trong sâu thẳm tâm linh người Việt ngày nay cũng sẽ thay đổi ít nhiều.

Văn hóa là không bất di bất dịch, không bất biến. Văn hóa luôn có sự kế thừa, thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới. Và phong tục tập quán ăn tết cũng thay đổi theo sự phát triển của xã hội cũng như thay đổi theo nhu cầu của con người.

Nếu gộp lại điều chỉnh ngày nghỉ Tết âm lịch và dương lịch, điều chỉnh tâm lý về ngày Tết cho hợp lý thì sẽ không sợ mất đi bản sắc dân tộc, không sợ mất đi cái căn cốt ngày Tết truyền thống của chúng ta.

Tuy về nguyên tắc việc gộp lại Tết cổ truyền và Tết dương lịch là đúng, nhưng việc thực hiện trong hoàn cảnh hiện nay, thiết nghĩ vẫn chưa thể làm ngay được.

Thời điểm thích hợp để gộp lại chuyển hai cái Tết này làm một là phụ thuộc vào mức độ dân trí của người dân và sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, mức độ hộp nhập của nền kinh tế...

Nếu gộp lại hai loại Tết và lấy ngày trùng với Tết dương lịch thì lúc đó chúng ta chỉ nên xem việc đón nhận chuyện này của dân Việt như một dấu hiệu mở, hướng ngoại, là điều bình thường, tự nhiên trong thời kỳ thế giới hội nhập, phù hợp với quy luật và xu thế thời đại.

Người Việt Nam sở dĩ tồn tại và đứng vững được như ngày nay chính vì tinh thần hội nhập, tinh thần tiếp thu một cách không bảo thủ những yếu tố tích cực từ những nền văn hóa của bên ngoài, và nhào nặn, biến nó và tích hợp thành của chúng ta, làm giàu cho văn hóa Việt Nam.

Diệp Văn Sơn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/suy-nghi-ve-gop-tet-am-tet-duong-610782.bld