'Suy đoán vô tội' để có lợi cho người dân

Đó là khẳng định của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khi còn là Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 về ý nghĩa của nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong Bộ luật này.

Ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào - chính thức được minh oan

Theo ông, nguyên tắc "suy đoán vô tội” nghĩa là “Mọi hoài nghi về tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thể làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ”.

Lãng quên “suy đoán có tội” = oan, sai

Đây là nguyên tắc tiến bộ, là yếu tố căn bản trong việc bảo vệ quyền con người và là điều kiện tiên quyết để có được quy trình TTHS khách quan, công bằng. Thực tế, những vụ án oan, sai đều xuất phát từ việc những người tiến hành tố tụng (THTT) đã lãng quên nguyên tắc này và giải quyết vụ việc theo hướng “suy đoán có tội” đối với bị can, bị cáo.

Theo các chuyên gia pháp lý và luật sư, nguyên tắc “suy đoán vô tội” xuất phát từ cái gốc là nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Do đó, nếu không có đầy đủ chứng cứ chứng minh một người phạm tội một cách vững chắc thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ.

Nguyên tắc “suy đoán vô tội” được áp dụng cho cả quá trình tố tụng và cho tất cả các cơ quan THTT bởi quá trình tố tụng là sự tham gia của các cơ quan THTT theo từng giai đoạn do BLTTHS quy định.

Thời gian qua có không ít vụ án hình sự “được” kéo dài thời hạn tố tụng để “chứng minh được tội phạm”, một trong những nguyên nhân khiến thời hạn tạm giữ, tạm giam thường bị vi phạm trong thực tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do của công dân và gây nên những bức xúc cho quá trình tố tụng từ phía bị can, bị cáo, thân nhân của họ và cả xã hội. Sâu xa hơn, còn khiến dư luận nghi ngờ khả năng cũng như sự công tâm, minh bạch của các cơ quan THTT trong việc xử lý vụ việc.

Chính vì vậy, nhiều thẩm phán nhận định, nguyên tắc “suy đoán vô tội” sẽ làm cho quá trình tố tụng được thực hiện đúng với thời gian luật định, giảm bớt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết vụ án do phải điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện kiểm sát hoặc Tòa án, nên hồ sơ vụ án phải trả đi trả lại nhiều lần, theo quy định tại khoản 2 Điều 174; điểm b khoản 1 Điều 240 và Điều 280 BLTTHS năm 2015.

Không để “cố buộc tội” bằng mọi giá

Nguyên tắc suy đoán vô tội có quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc đảm bảo quyền được bào chữa. Do vậy, việc BLTTHS 2015 ghi nhận nguyên tắc “suy đoán vô tội” tạo niềm tin mạnh mẽ cho các luật sư nói riêng và dư luận xã hội nói chung về nền tảng vững chắc để bảo vệ được quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo và giúp cho hoạt động bào chữa có nhiều cơ sở tiến hành thuận lợi.

Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được quyết định chi trả để bồi thường cho những công dân bị hệ thống tư làm oan như “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), ông Đinh Quang Điền (Đắk Lắk)…

Theo báo cáo đánh giá tác động được công bố tại Hội nghị dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước sửa đổi do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP HCM vào tháng 6/2016, chỉ riêng chi phí phát sinh cho ngân sách nhà nước do thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (năm 2010) trong 6 năm qua là 111 tỷ đồng, trung bình mỗi năm là 18,5 tỷ đồng.

Bởi trước nay vẫn có sự “ác cảm” của các cơ quan THTT đối với các chứng cứ gỡ tội của luật sư/người bào chữa cung cấp do “đi ngược” với mục tiêu “suy đoán có tội” mà một số người THTT áp dụng trong giải quyết vụ án.

Với nguyên tắc “suy đoán vô tội”, các cơ quan THTT sẽ phải chú trọng hơn đến các chứng cứ này để không làm oan người vô tội và giải quyết vụ việc khách quan, thực hiện được song song hai nhiệm vụ của cơ quan THTT là “Bảo vệ xã hội chống lại hành vi xâm hại từ phía tội phạm và bảo vệ cá nhân người bị buộc tội chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền”.

Cũng nhờ có nguyên tắc “suy đoán vô tội”, các cơ quan/người THTT cũng sẽ phải cẩn trọng hơn trong việc chứng minh tội phạm, không thể “cố buộc tội” bằng mọi giá, thậm chí bằng mọi thủ đoạn, kể cả những hành vi trái luật như bức cung, dụ cung, dùng nhục hình...

Để thực hiện nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, các cơ quan THTT phải thực hiện có trách nhiệm, nhất là cơ quan điều tra phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội mới có thể không để lặp lại lỗi mà các cơ quan điều tra thường mắc phải là không chú ý đến các tình tiết gỡ tội, chỉ tập trung chứng minh tội phạm, buộc bị can phải chịu tội, chịu trách nhiệm cho một vụ việc, nên có thể dẫn đến oan sai được công bố vừa qua.

Khi còn làm Chánh án TANDTC, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã cam kết trước Quốc hội “Tòa án sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng là suy đoán vô tội và quyền tư pháp của Tòa án. Nếu thấy tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ mà Viện kiểm sát vẫn truy tố, Tòa án sẽ trả lại hoặc đề nghị điều tra bổ sung, để đảm bảo việc truy tố đủ căn cứ. Đồng thời, Tòa án cũng căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa để làm rõ bản chất của vụ việc, nếu như có tội thì sẽ kết tội theo quy định của pháp luật, còn không đủ căn cứ kết tội buộc phải tuyên không phạm tội”.

Với phương châm áp dụng triệt để và đầy đủ nguyên tắc “suy đoán vô tội”, không vì thành tích hay ý chí chủ quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự như vậy thì chắn cán cân công lý ngày càng nghiêm minh.

Các nội dung của nguyên tắc “suy đoán vô tội”

- Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của BLTTHS và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

- Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan điều tra, VKS. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

- Buộc tội phải dựa trên chứng cứ. Bản cáo trạng của VKS và bản án kết tội của tòa phải dựa trên các chứng cứ khẳng định chắc chắn về lỗi của người bị buộc tội trong việc thực hiện tội phạm. Mọi nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục luật định và khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ.

Huy Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/suy-doan-vo-toi-de-co-loi-cho-nguoi-dan-287402.html