Sụt lún: Do khai thác nước ngầm quá mức?

Tình trạng sụt lún trên các tuyến đường ngày càng gia tăng trên địa bàn TPHCM đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân. Theo các chuyên gia, nhà khoa học lẫn cơ quan chức năng, nguồn nước ngầm trên địa bàn TP đang bị khai thác quá mức là nguyên nhân đáng kể gây nên thực trạng đáng báo động này.

Không kiểm soát

Liên tiếp thời gian gần đây, hàng loạt sự cố sụt lún trên các tuyến đường, kênh rạch trên địa bàn TPHCM đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Cụ thể, chiều ngày 6-10, nhiều phương tiện lưu thông trên các tuyến đường Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân… đều bị ùn ứ khi qua ngã 5 chợ Thủ Đức do một đoạn mặt đường bị rào chắn vì sụt lún. Theo quan sát, bên trong đoạn rào chắn này xuất hiện hố sâu gần 1m, rộng khoảng 50cm và phía dưới khoét hàm ếch nham nhở. Xung quanh miệng hố, mặt đường cũng có dấu hiệu bị lún với chiều rộng khoảng 9m2 cùng nhiều vết nứt kéo dài.

TPHCM cần gia tăng diện tích đất, mặt nước lẫn cây xanh đô thị, đồng thời giảm diện tích bê tông hóa để lòng đất luôn được cung cấp đủ lượng nước bề mặt khi mưa xuống hay triều lên. Bên cạnh đó, cần trả lại nguyên trạng các con kênh, rạch đã bị lấn chiếm, quy hoạch xây dựng thêm kênh, rạch để thay thế bằng các tuyến cống hộp như hiện nay, vừa đảm bảo chống ngập vừa cung cấp lượng nước ngầm đáng kể cho lòng đất, từ đó sẽ giảm thiểu việc sụt lún mặt đất.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn

Trước đó, ngày 2-10, một “hố tử thần” sâu khoảng 7m, khoét hàm ếch rộng 3m xuất hiện tại giao lộ Tô Ký - Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), cơ quan chức năng lập tức phong tỏa hiện trường, khiến người dân rất khó khăn khi di chuyển qua khu vực này. Ngày 14-9, mặt đường Hoàng Diệu 2 (quận Thủ Đức) bất ngờ sụt lún tạo thành một hố tử thần sâu gần 1m, rộng gần 1m, phía dưới khoét hàm ếch cùng nhiều vết nứt nham nhở. Nghiêm trọng hơn, ngày 4-8, trên tuyến đường Trường Sa (quận Phú Nhuận), xuất hiện một hố tử thần có độ sâu hơn 5m và độ dài hơn 8m, khiến hơn nửa phần vỉa hè bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị lún sâu, tạo thành nhiều vết nứt lớn và bị khoét hàm ếch.

Trước thực trạng trên, TS. Phạm Sanh, nguyên giảng viên Đại học Bách Khoa TPHCM, cho rằng hệ thống các đường ống thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường, chống ngập, nâng cấp đô thị… TP dù được đầu tư và thay mới đáng kể, nhưng vẫn còn một lượng lớn hệ thống đường ống ngầm đang bị xuống cấp và lạc hậu chưa được thay thế. Và khi áp lực nước chảy quá lớn sẽ gây ra hiện tượng nứt hay rò rỉ, thậm chí vỡ đường ống, làm lòng đất nhanh chóng bị xói mòn, tạo thành các hố hàm ếch ngay dưới lòng đất và gây ra sụt lún. Thế nhưng, xét về nguyên nhân sâu xa hơn, TS. Phạm Sanh cho hay việc sụt lún mặt đường liên tiếp thời gian gần đây tại TPHCM có thể do nước ngầm kéo đất cát chảy ra kênh, gây hỏng đường và lún sụt.

Còn theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng đô thị, với tốc độ bê tông hóa đô thị ngày càng gia tăng tại TPHCM khiến diện tích mặt nước lẫn cây xanh chỉ chiếm khoảng 15% tổng diện tích, trong khi theo quy chuẩn tại các đô thị lớn trên thế giới, tỷ lệ này phải đạt từ 30-40% diện tích mới đảm bảo đủ lượng nước ngầm. Hệ quả, không chỉ khiến lượng nước bề mặt không thể thẩm thấu vào đất để duy trì nguồn nước ngầm mà còn làm tăng tốc độ dòng chảy khi mưa xuống hay triều lên, dẫn đến tình trạng ngập nước ngày càng lan rộng.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM vừa công bố, trên địa bàn TP có khoảng 20 khu vực bị sụt lún nhanh và 40 khu vực khác bị sụt lún với tốc độ chậm hơn. Tổng diện tích vùng sụt lún lên đến gần 7.200ha. Trong đó, các khu vực bị sụt lún nhanh gồm: quận 8, quận 12, Bình Tân và Bình Thạnh; huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng khai thác nước ngầm vượt mức là nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng sụt lún đất trên.

Cần thu hẹp

Để hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi, mới đây Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) cùng với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cam kết việc cung cấp và sử dụng nước sạch nhằm hạn chế, tiến tới ngưng khai thác nước dưới đất tại HEPZA. Được biết, TPHCM có 17 khu công nghiệp - khu chế xuất đang hoạt động với diện tích gần 4.000ha. Hàng trăm ngàn người lao động vẫn chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm đã dẫn đến ảnh hưởng môi trường, tầng nước ngầm (sụt lún nội bộ trong khu vực). Chính quyền TPHCM cũng đã ra Quyết định 69/2007/QĐ-UBND của UBND TP về việc quy định hạn chế và tiến tới ngưng khai thác nước dưới đất trên địa bàn.

Theo PGS.TS Chế Đình Lý, nguyên Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM, giải pháp căn cơ hiện nay là cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm, không được khoan, đào giếng một cách bừa bãi để khai thác nguồn nước ngọt, mới chấm dứt được tình trạng nguồn nước ngầm bị thiếu. Đối với các dự án thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường TP… hiện nay, việc kiểm tra, bảo trì hệ thống đường ống ngầm vẫn chủ yếu được thực hiện bằng kinh nghiệm và các biện pháp rất thủ công ở trên mặt đất mà thiếu các ứng dụng tiên tiến của khoa học công nghệ. Do đó, để giải bài toán sụt lún mặt đất nơi có các dự án này đi qua, các đơn vị quản lý cần tăng cường trang bị, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ như đưa các thiết bị robot có gắn camera vào trong lòng cống, hay vận hành các thiết bị siêu âm lòng đất để kiểm tra chất lượng đường ống thoát nước.

Tuấn Minh

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161008/do-khai-thac-nuoc-ngam-qua-muc.aspx