Suốt đời xin đăng ký dại khờ

Nếu so với hai nhà thơ đàn anh Hải Bằng và Hải Như, thì tên tuổi Hải Kỳ khiêm tốn hơn. Thế nhưng, phẩm chất thi sĩ của Hải Kỳ thì không ai phủ nhận được...

Thi sĩ Hải Kỳ (ảnh) sinh ra ở Đồng Hới, gắn bó cả đời với Quảng Bình và bái tạ quê nhà bằng câu lục bát khắc khoải về vùng đất gió cát: “Trắng như là chẳng có gì. Trắng như là buổi người đi không về”.

Thi sĩ Hải Kỳ có số phận không may mắn lắm “mẹ sinh con vào một ngày bất hạnh”. Khi hiệp định Geneve được ký kết, bố bị kẹt lại Huế, nên cậu bé Trần Văn Hải 5 tuổi cùng mẹ và em trai bên kia vĩ tuyến 17 phải đối diện những ánh mắt chẳng mấy thiện cảm. Trần Văn Hải đi học ở Lệ Thủy với các người bạn sau này đều nổi tiếng văn chương như Lâm Thị Mỹ Dạ, Đỗ Hoàng, Ngô Minh, Lê Đình Ty.

Đúng như dự đoán của mẫu thân “mẹ biết con sẽ không được vào đại học vì lí lịch, nhưng mẹ nuôi con học để sau này lớn lên biết phân biệt con voi và con kiến với đời, kẻo người ta chê cười”, Trần Văn Hải theo học khóa sư phạm cấp tốc 10 +2 để trở thành giáo viên trường làng. Điều ấy cũng đã khiến Trần Văn Hải rất hân hoan, ngày 17-9-1968 anh viết một lá thư gửi mẹ để báo tin mừng và dặn dò “Mạ nhận được thư con, đừng viết thư trả lời cũng được, vì 2 tháng e không kịp tàu. Đến 16-11 là bế giảng rồi. Lúc đó con sẽ thăm mạ!”.

Thế nhưng, chưa nhận được thư con, thì ngày 10-10- 1968 người mẹ đã qua đời ở tuổi 38 vì bom Mỹ. Nỗi cay đắng xa cha mất mẹ, được chính Trần Văn Hải viết lại khi bắt đầu làm thơ với bút danh Hải Kỳ: “Cha tôi đi biệt từ lâu. Tôi còn bé, mẹ khấn cầu đất đai. Cho sau núi rộng sông dài. Có tôi sống đáng nên trai giữa đời. Đến khi tôi biết vâng lời. Chiến tranh đã khép mắt người buồn đau”.

Bằng niềm kính trọng “Nhờ ơn mẹ, thơ còn còn biết khóc. Với nỗi đau rất thật con người. Nhờ ơn mẹ, thơ con còn biết hát. Bao niềm vui giản dị giữa đời”, Hải Kỳ thay mẹ để nuôi em trai ăn học, rồi Hải Kỳ thay cả bố và mẹ để đi hỏi vợ cho em trai.

Đến năm 1980, Hải Kỳ mới theo học Đại học sư phạm Huế, chấp nhận làm đồng môn với những người học trò cũ của mình. Có sự trải nghiệm của người nhiều mất mát, lại có tâm hồn của thi sĩ, Hải Kỳ dạy Văn rất giỏi nhưng vẫn nghèo và luôn những thủ tục nhiêu khê: “Tôi cùng thơ đi lặng lẽ giữa đời. Không dối lừa giấy trắng. Người ta xếp loại đạo đức tôi. Theo định kỳ hàng tháng”.

Chị Nguyễn Thị Lý – vợ của thi sĩ Hải Kỳ, vốn là nhân viên tạp vụ ở Bệnh viện Đồng Hới. Trước cảnh túng quẫn gia đình thiếu trước hụt sau, để có tiền nuôi hai đứa con, chị Nguyễn Thị Lý đã đi xuất khẩu lao động sang Đức.

Vợ chồng cách ngăn vì bẽ bàng cơm áo, Hải Kỳ đã viết được bài thơ “Tôi ra cửa biển” rung động nhất trong sự nghiệp thi ca của mình: “Biết là nhớ cũng bằng không. Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm. Tôi rơi vào cuối ngọn nồm. Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi. Nỗi buồn như tấm gương soi. Gặp em không gặp thì tôi gặp mình. Chẳng là như chỉ với kim. Chẳng là như bóng với hình ngày qua. Thì thôi xa thế đành xa. Em đi để đó cửa nhà vắng hoe. Mùa thu mặc áo gì kia. Còn tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu”.

Cuộc sống chật vật cộng với trái tim nhạy cảm, thi sĩ Hải Kỳ ái ngại chốn bon chen, sợ hãi nơi tranh giành: “Tôi thường được nhiều người lạnh nhạt. Ném chùm hoa ngôn ngữ xã giao. Cái hồ hởi khoác áo màu hôm trước. Thành nụ cười hóa đá hôm sau. Khi mới gặp, họ chào mời vồn vã. Tôi thì vô tích sự, được gì. Người quen biết bỗng hóa thành xa lạ. Cái bắt tay nhạt nhẹo cứ chuồi đi…”.

Tâm sự rất thật thà của thi sĩ Hải Kỳ cũng chính là một tín hiệu cảnh báo những toan tính danh lợi bắt đầu len vào quan hệ giữa con người vốn chất phác và hồn nhiên. Sự khắc khoải ấy, không chỉ được thi sĩ Hải Kỳ viết thành thơ mà còn thể hiện cụ thể trong những dòng tùy bút: “Người ta đổ xô đi lượm sắt để biến thành vàng, và vàng thì người ta bỏ quên thành sắt. Cái vật ngày xưa vứt lăn lóc dọc đường, trong bụi rậm giờ được người tìm cất, nâng niu săn sóc. Vật ngày xưa cẩn trọng giữ gìn, giờ người lại ném đi trong mua bán ồn ào, trong sinh kế quẫn bách. Tôi gặp trên suốt dọc đường những Nhân cách, Tự trọng, Đạo đức bị bỏ quên thành sắt rỉ”.

Sốt ruột với những bất trắc ân tình, thi sĩ Hải Kỳ càng yêu hơn những vẻ đẹp mong manh của đời thường. Anh như kẻ bị bỏ lại trong mọi nhốn nhào ganh đua nhưng lại như kẻ đến sớm để thưởng thức chút mộng mơ còn ít ỏi trên cõi dương gian: “Tôi lóng ngóng những gì cầm nắm bắt. Nên đánh rơi dự định của đời tôi. Chỉ thương nhớ là tôi không thể mất. Với mùi hương buổi sáng đóa hoa sen”. Hơn ai hết, thi sĩ Hải Kỳ hiểu chính mình, hiểu những thứ mình cần nâng niu và những thứ mình không cần níu giữ. Cặp lục bát trong bài “Đồng vọng” có thể xác định tuyên ngôn nhập thế đặc biệt của thi sĩ Hải Kỳ: “Tôi xin đăng ký dại khờ. Để khôn ngoan chết bên bờ sông Thương”.

Không hề có chút oán than nào trong khái niệm “đăng ký dại khờ”, bởi thi sĩ Hải Kỳ tự nguyện chọn lựa con đường ấy. Thơ của Hải Kỳ không nói quá lên tâm tính của thi sĩ Hải Kỳ, bởi vì anh gần như cả đời đã không có hộ khẩu. Chẳng ai gây khó dễ cho anh, nhưng anh ngại những điều nhiêu khê rườm rà bó buột mình.

Anh muốn tranh thủ mọi phút giây thong dong tuyệt đối để lý giải những khoảnh khắc thầm kín xung quanh: “Sau hoa như thoáng có người. Trong hoa như có nụ cười ở trong. Mùa thu nhắn gửi gì không. Chỉ hoa hồng, chỉ hoa hồng biết thôi”. Sắc hoa cứu rỗi thi sĩ, hay thi sĩ an ủi sắc hoa? Thật khó trả lời rành mạch, khi cả hai chủ thể kia cộng hưởng phía đồng cảm mông lung!

Một người đàn ông không màng hộ khẩu, chỉ hứng thú “đăng ký dại khờ” như thi sĩ Hải Kỳ đã lầm lũi đi qua năm tháng bằng ánh sáng của thi ca. Anh nương tựa vào thơ, và thơ trở thành chứng minh thư cho anh: “Dù tôi chẳng là gì nhưng tôi biết. Những dòng đây máu thịt của mình. Như sự sống chẳng bao giờ hiểu hết. Thơ ra đời không mượn giấy khai sinh”.

Yếu tố đại diện của thơ có thể giúp những ai tao ngộ tình cờ ít nhiều phác thảo được thi sĩ Hải Kỳ nhiều gian nan lắm ngậm ngùi: “Chân dung tôi ở giữa cuộc đời. Phản chiếu xuống dòng sông chảy xiết. Không phải là phẳng lặng tấm gương soi”.

Lóng ngóng trong đời, đắm đuối trong thơ, thi sĩ Hải Kỳ nhận diện được giá trị của những điều giản dị: “Thấy yên lòng khi bước đi trên cát. Có nét vẽ vụng về trẻ con chơi”. Vì vậy, thi sĩ Hải Kỳ có cách nhẹ nhàng tách khỏi nhọc nhằn trần tục để bay bổng theo niềm riêng xao xuyến: “Hình như tôi sắp thành vụng dại. Khi xin em địa chỉ số nhà”.

Nhân vật “em” trong thơ Hải Kỳ khá mơ hồ, nhưng lại là cơn cớ sâu xa để soi rọi bao nhiêu run rẩy và ngổn ngang của tâm hồn anh, khi “Đường khuya” thảng thốt “Em xa mệt mỏi đường đi. Về khuya ta vẫn thường khi một mình. Gắng qua cho hết nẻo tình. Theo vào cho hết gập ghềnh trong mơ” hoặc khi “Đưa tiễn” bâng khuâng: “Em đưa tiễn rối bời ao ước. Phố bình yên mưa tạnh trên đường. Ai chiều nay trở về tóc ướt. Gió Thuận Thành cứ thổi với sông Hương”.

Thơ Hải Kỳ không có nhiều đột phá về ngôn ngữ cũng như cấu trúc. Chuyến mạo hiểm duy nhất mà thi sĩ Hải Kỳ muốn tung tẩy khỏi nhịp điệu quen thuộc, là học theo cách của tiền bối Bích Khê viết “Tỳ bà” toàn vần bằng, để có bài thơ “Trăng xa” gửi gắm chút lãng đãng hư không: “Đêm đen nhiều nên tôi yêu trăng. Đa mang nhiều nên lòng băn khoăn. Ngày mai rồi mây giăng muôn hàng. Ngày mai rồi tìm đâu trăng vàng”.

Thế nhưng, chỉ những câu thơ chậm buồn cũng đủ cho thi sĩ Hải Kỳ nôn nao về đời mình, và cũng đủ cho đọc giả yêu mến thi sĩ Hải Kỳ. Mảnh đất Quảng Bình với mẹ và em đã nuôi cảm hứng bất tận cho thơ Hải Kỳ: “Gió chuyển mùa trên tóc em bay. Nắng vàng xuống đất mật lên cây. Vườn mẹ em về mùa hái quả. Thơm ở đầu môi, thơm ngón tay”.

Biển Quảng Bình xô vào thơ Hải Kỳ khắc khoải: “Chiều Nhật Lệ gió nồm và sóng trắng. Chiều cô đơn nghe biển nói cùng trời. Bạn bè ngủ còn em thì đi vắng. Anh cồn cào nghe âm điệu trùng khơi”, và biển Quảng Bình cũng tràn vào thơ Hải Kỳ hy vọng: “Bỏ buồm xuống, ném neo vào lòng biển. Ta cầu mong cơn bão qua đi. Rồi kéo neo vào trời xanh nhẹ nhõm. Nơi đất liền sợi khói vân vi”.

Thi sĩ Hải Kỳ có một đời thơ âm thầm. Các loại giải thưởng và các màn xưng tụng luôn nằm ngoài thi sĩ Hải Kỳ. Bởi lẽ, thi sĩ Hải Kỳ chưa bao giờ dùng thơ để mưu cầu danh vọng, mà thi sĩ Hải Kỳ chỉ dùng thơ để âu lo nhân phẩm. Lúc sinh thời, một lần “Trước mộ cụ Nguyễn Du”, thi sĩ Hải Kỳ đã khấn nguyện: “Con xin với Cụ với Trời. Lắng nghe tiếng của cuộc đời gửi lên. Còn nhiều nấm cỏ Đạm Tiên. Còn nhiều ân oán với duyên Thúy Kiều”, thì lúc lìa xa cuộc đời vào ngày 23-7-2011 thi sĩ Hải Kỳ vẫn tin cậy quan niệm “đăng ký dại khờ” của mình bằng những câu thơ lạc quan để lại: “Hồn tôi gửi gió vào cây. Và cây sẽ hát như ngày tôi yêu”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/suot-doi-xin-dang-ky-dai-kho-post180524.html