Suốt đời gác miếu thờ Hoàng Sa

Ông Võ Hiển Đạt, người có thâm niên 60 năm gác miếu thờ Hoàng Sa, người đóng tàu trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa qua đời ở tuổi 85 đã khiến cho nhiều người tiếc nuối.

Đóng tàu trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Hậu thế chúng tôi được nghe kể lại, cụ nội của ông Đạt được làng An Vĩnh đảo Lý Sơn trao cho sứ mệnh cai quản Âm Linh tự, tức miếu thờ các binh phu đã ngã xuống trong quá trình bảo vệ chủ quyền lãnh hải tại Hoàng Sa, sang đời người cha rồi đến ông Đạt đều làm “ông từ” gác ngôi đền quá đỗi thiêng liêng này. Đến năm 2010, khi các bài vị cuối cùng của những binh phu hy sinh tại Hoàng Sa được dời về đình An Vĩnh, ông Đạt mới kết thúc “sứ mệnh” của mình.

Ông Võ Hiển Đạt đang vẽ thiết kế ghe bầu năm xưa

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thường được tổ chức vào cuối tháng Tư hàng năm, đây là hoạt động tâm linh của người dân huyện đảo Lý Sơn. Lễ hội này không chỉ nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước.

Trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nghi lễ truyền thống quan trọng nhất là hoạt động thả thuyền. Những chiếc thuyền được làm theo kiểu thuyền câu của ngư dân, bên trong có hình nhân thủy binh với các vật dụng tùy thân. Một trong những nghệ nhân đóng thuyền phục vụ trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là ông Võ Hiển Đạt - nghệ nhân đóng tàu chở những linh hồn của những hùng binh năm xưa.

Cũng chính ông đã trở thành cố vấn đặc biệt để phục dựng lại những hình nhân thế mạng trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, rồi ông “cầm tay chỉ việc” cho những người thợ đóng hai chiếc thuyền câu “giống y chang” như những chiếc thuyền câu mà các đội binh phu ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền lãnh hải từng dùng năm xưa.


Mô hình thuyền dùng đi biển của đội Hoàng Sa, trưng bày tại Khu lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa (Lý Sơn)

Những lần chúng tôi ra đảo Lý Sơn gặp ông Đạt nhân ngày Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, ông cho biết: Đóng những chiếc thuyền theo mẫu thuyền câu năm xưa là công việc quan trọng được các dòng họ ở huyện đảo Lý Sơn tín nhiệm giao cho. Trước đó vài tháng, các nghệ nhân về tại đình làng An Vĩnh (xã An Vĩnh) cùng với các chức sắc trong huyện, chọn ngày lành tháng tốt làm lễ khởi công đóng thuyền.

Để làm những chiếc thuyền phục vụ lễ phải lên trên đỉnh núi Thới Lới lấy đất sét nặn ra những hình nhân thế mạng (tượng trưng cho những người lính) giao cho thanh niên trong làng. Những thanh niên này phải khỏe mạnh, có lối sống đạo đức tốt mới được tham gia. Người có uy tín hơn nhận nhiệm vụ tìm kiếm các chất liệu để đóng thuyền bao như gỗ, tre cật, dầu rái... Đặc biệt những người trực tiếp tham gia đóng thuyền phải là người cao niên và có uy tín trong các dòng tộc trên đảo.

Nhớ lại, năm 2011, hưởng ứng Năm quốc gia du lịch 2011 với chủ đề “Biển đảo miền Trung” và “Quảng Ngãi tiềm năng và sự phát triển bền vững”, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Vũ cho biết sẽ phục dựng 1 thuyền của lính Hoàng Sa triều Nguyễn và 1 ghe bầu ngư dân đảo Lý Sơn sử dụng ở những thế kỷ trước.


5 chiếc thuyền câu (mô hình tượng trưng) cùng những hình nhân thế mạng đã lần lượt thả trôi “ra” Hoàng Sa

Chúng tôi đã ra đảo để gặp ông Đạt tìm hiểu. Đưa chúng tôi xem bản vẽ, ông Đạt chậm rãi giải thích: Thuyền câu năm xưa dài trên 10 - 12m, rộng 2,5m, cao 0,5m, chia làm 3 khoang. Thuyền câu sẽ phục dựng với kích thước nhỏ hơn, với chiều dài thuyền khoảng 3m. Còn ghe bầu năm xưa có chiều dài trên 20m, rộng 4m, cao 1,2 - 1,5m, dùng để vận tải hàng hóa (trên 80 tấn) giao lưu các nơi như: Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc và Campuchia. Ghe bầu phục dựng sẽ có kích thước nhỏ hơn, với chiều dài khoảng 4m.

Ông Đạt cũng giải thích thêm, 5 chiếc thuyền câu được thả trong dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa này làm nhỏ hơn, chỉ dài 1,2m, rộng 0,7m. Trên mỗi thuyền có các hình nhân thế mạng (nghĩa là người lính ra Hoàng Sa đã có người chết thế (thế lính), 1 chiếc chiếu, 3 sợi mây, 7 nệp tre, 1 thẻ tre, sổ thuyền bạ, 1 con gà, muối, gạo, trầu cay...

Tri ân hùng binh

Ông Đạt cho biết, theo di chỉ từ đầu triều Nguyễn, hàng năm triều đình ra lệnh cho huyện đảo Lý Sơn phải rút 70 tráng dân xung vào đội Hoàng Sa kiêm đội Bắc Hải được cấp mỗi người 6 tháng lương và 1 chiếc chiếu, 3 sợi mây, 7 nệp tre, 1 thẻ tre để ghi danh tính. Mỗi khi chết thì bó lại và thả xuống biển may ra trôi dạt vào bờ có người vớt chôn cho biết tên họ.


Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Dùng thuyền buồm để tuần tra canh gác vùng biển, đồng thời tìm bắt hải sản, thu gom sản vật đem về nộp cho triều đình, cứ tháng 2 đi cuối tháng 8 âm lịch trở về. Chèo khoảng 3 ngày, 3 đêm thì đến quần đảo Hoàng Sa nếu biển lặng và thuận gió. Sáu tháng trên biển phải đối phó với trăm ngàn nguy hiểm, có thể mất mạng bất kỳ lúc nào. Nhưng có những lúc đi không thấy trở về, từ đó có câu ca dao lưu truyền: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Những chiếc thuyền chỉ phục vụ ngày lễ, nhưng với cư dân trên đảo là những chiếc thuyển chở nặng tấm lòng tri ân của hậu thế đối với các bậc tiền nhân. 5 chiếc thuyền câu và những hình nhân thế mạng đã tái hiện hình ảnh của những hùng binh năm xưa lên đường thực thi nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền hải đảo của đất nước.

Sau lễ, các họ tộc tổ chức cuộc rước thuyền và hình nhân thế mạng được thả ra biển. 5 chiếc thuyền câu (mô hình tượng trưng) cùng những hình nhân thế mạng đã lần lượt thả trôi ra Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 300 năm trước ngay tại bến thuyền của đảo.

Lễ được tổ chức trang nghiêm theo các nghi thức của Phật giáo, thể hiện lòng tri ân đối với những hùng binh Hoàng Sa đã dũng cảm hy sinh vì nhiệm vụ giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Xin vĩnh biệt ông, người đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn một nghi lễ cao đẹp, qua đó khơi gợi trong mỗi người dân Việt Nam trách nhiệm tiếp tục gìn giữ bảo vệ truyền thống yêu nước của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa.


Ông Võ Hiển Đạt một đời gác miếu thờ Hoàng Sa

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/suot-doi-gac-mieu-tho-hoang-sa-post187287.html