Sửng sốt và hấp dẫn chuyện ăn "mầm đá" tại Phú Thọ

(VTC News) - Ở Tân Sơn (Phú Thọ), vùng đất bản bộ Vua Hùng, còn giữ nhiều tục lệ cổ xưa, kỳ lạ. Nhiều món ăn ở vùng đất này cũng rất đặc biệt, trong đó, có món ăn mà đồng bào gọi là “mầm đá”.

Con gái hái rêu Chẳng biết từ khi nào, đồng bào Mường ở Đồng Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) vẫn truyền miệng câu chuyện về một mối tình chung thủy. Không lấy được nhau, cô gái khóc đến chết, nước mắt nàng tuôn chảy thành con suối Thân. Chàng trai đau buồn, ra suối tự vẫn. Chàng biến thành khối đá, nàng thành rêu, đời đời ôm ấp lấy chàng. Cũng có một câu chuyện khác, rằng sau khi bị bố mẹ phản đối, đôi trai gái trèo lên đỉnh núi cao, bện tóc vào nhau, ngồi khóc. Nước mắt họ chảy thành suối Thân, tóc biến thành rêu đá. Mấy sơn nữ vén váy đưa đôi chân thon thả, trắng muốt lội xuống dòng suối Thân nước trong như ngọc. Nàng chỉ tay vào một tảng đá rêu bám xanh rì bảo: “Anh nhìn xem, rêu bám vào đá, tuôn chảy theo dòng nước, có giống mái tóc của người con gái không anh?”. Tôi bảo: “Trời ạ! Em định nhổ tóc người đẹp về ăn sao?”. Mấy sơn nữ bụm miệng cười bẽn lẽn: “Đấy là truyền thuyết thôi anh ạ. Quê em, mọi người gọi món rêu là “mầm đá”. Thì ra là vậy! Cái thứ rêu mơn mởn mọc ra từ đá, được người dân nơi đây gọi là “mầm đá”, chứ không phải món mầm đá mà Trạng Quỳnh nấu mời vua thưởng thức trong truyện hài dân gian. Đồng chí cán bộ văn hóa xã Đồng Sơn Phùng Minh Quyết bảo rằng: “Mình đã đi nhiều nơi và thấy tục ăn rêu đá có ở nhiều vùng Tây Bắc, thế nhưng, mình chưa thấy rêu đá ở đâu ngon như rêu ở con suối Thân này”. Theo anh Quyết, ở vùng Tân Sơn chỉ có 3 con suối có rêu đá, gồm suối Xuân Đài, suối Thang và suối Thân. Trong số đó, chỉ có rêu suối Thân là thơm ngon, đặc biệt nhất. Loài rêu đá ăn được này chỉ mọc ở những con suối nước trong leo lẻo và nó chỉ ngon khi dòng suối đó chảy ra từ lòng núi, mang theo nhiều chất khoáng. Rêu đá suối Thân ngon nổi tiếng là vì dòng suối Thân chảy ra từ bụng của dãy núi Lìu hùng vĩ. Vào những ngày chợ phiên, rêu đá suối Thân bày bán xanh rì cả góc chợ. Những mặt hàng khác có thể ế ẩm, riêng rêu đá chỉ đến giữa buổi chợ đã hết veo. Sơn nữ Đinh Thị Vân (bản Xuân, Đồng Sơn) dầm đôi tay trắng nõn vuốt những đám rêu dài miên man, dập dờn dưới làn nước biếc. Vân giũ đám rêu cho sạch, rồi đặt thành ụ lên những tảng đá sạch sẽ. Vân bảo, vớt rêu đá cũng là một nghệ thuật, đôi tay phải mềm mại, lựa theo chiều nước chảy mới không nát rêu. Đặc biệt, không được hái cả gốc rêu, chỉ hái lấy phần thân rêu non tơ sạch sẽ mà thôi. Ở suối Thân, có hai loại rêu đặc sản ăn rất ngon, gồm rêu dài và rêu đá. Cả hai loại rêu này đều mọc ra từ đá. Tuy nhiên, loại rêu đá ngon hơn rêu dài. Lấy rêu đá cũng kỳ công hơn. Các sơn nữ phải dùng thanh nứa sắc, cạo vào những tảng đá để bóc lấy lớp rêu mềm mại, mỏng mảnh. Cứ kiên trì cạo cả buổi mới được vài kg rêu, đủ một bữa ăn cho gia đình. Cầu kỳ món “mầm đá” Khi đã hái được một đống rêu, các sơn nữ nhặt một viên đá sạch, rồi cứ thế đập vào đống rêu đến khi nào rêu mềm nhũn, rồi thả vào rổ, ngoáy tít dưới suối, đánh tan tạp chất. Việc đập rêu, rửa rêu cứ lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần, đến khi nào rêu quấn quện vào nhau như chiếc áo vắt thì các sơn nữ bắt đầu tỉ mẩn vạch từng sợi rêu để nhặt cỏ rác lẫn trong rêu. Chiều đổ bóng, khi lượng rêu đã đủ cho mấy miệng ăn trong gia đình, những nắm rêu được đặt vào trong gùi, lúc lỉu trên lưng sơn nữ về bản. Công đoạn chế biến món “mầm đá” này cũng khá cầu kỳ. Tuy nhiên, tất cả các sơn nữ nơi đây đều biết hái rêu, chế biến các món ăn từ rêu khi trưởng thành. Các bà mẹ dạy con gái hái rêu từ khi còn tấm bé, kẻo lúc về nhà chồng, không biết hái rêu, nấu nướng các món rêu, sẽ bị chồng chê, chồng chán. Rêu đá được chế biến thành nhiều món, song phổ biến nhất là món nấu và món nướng. Món nấu khá đơn giản. Chỉ cần lót lá đu đủ bánh tẻ dưới nồi, trút rêu, rồi đổ nước sôi vào đun lửa to. Tra mắm, muối, mì chính, tỏi vừa đủ để thơm. Sau đó, băm một lượng lá đu đủ vừa phải thả vào. Việc tra lá đu đủ rất quan trọng, vì ít quá sẽ không ngon, mà nhiều quá, canh rêu sẽ ngăm. Khi rêu chín, bắc nồi xuống, nêm chút lá mùi tàu cho rêu dậy mùi. Trong khi món rêu nấu phù hợp với ăn cơm, thì món rêu nướng lại là mồi nhậu tuyệt vời. Làm món rêu nướng rất kỳ công, nên chỉ vào những ngày rỗi rãi mới có điều kiện làm. Sau khi tẩm các loại gia vị như hạt sẻn, hạt dổi, hạt mắc khén (một loại hạt cay, thơm nức chỉ mọc trong rừng), ớt, tỏi, gừng, lá chanh,… rêu được gói bằng nhiều lớp lá dong, rồi vần trên than nóng. Các chị, các mẹ cứ ngồi bên bếp than vần món rêu gói lá dong từ sáng đến tận bữa nhậu để phục vụ chồng và khách. Rêu vần trên than nóng càng lâu thì món rêu sẽ càng nhừ và càng ngon. Người ngồi nhậu chờ rêu chín sốt ruột không khác gì chờ món “mầm đá”. Tôi đã từng ngồi trên nhà sàn ở bản Xuân, uống rượu với món rêu nướng được vần bởi bàn tay mềm mại của sơn nữ. Món rêu đá nướng ăn dai dai, có vị hơi ngọt, rất bùi và dậy mùi thơm lừng. Ăn một miếng rêu, uống một chén rượu, lại ngắm sơn nữ má hồng bên bếp lửa vần rêu, thấy núi rừng nhuốm màu cổ tích. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Nhàn, rêu suối có nhiều loại, nhưng loại ngon thì rất ít. Không những thế, mùa ăn được rêu cũng rất ngắn ngủi. Mùa lũ, nước chảy mạnh, đục, không có rêu. Mùa lạnh, mùa nóng, rêu cũng không ngon. Do đó, tranh thủ mùa rêu, đồng bào túa ra suối Thân hái rêu, ăn không hết thì treo lên gác bếp để khô. Hôm nào có khách quý, hoặc ngày trọng đại, mới đem rêu ra chế biến món ăn. Theo đồng bào nơi đây, ngoài việc là món ăn ngon, rêu đá còn là phương thuốc chữa bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, bình ổn huyết áp. Rêu là món ăn không thể thiếu của đồng bào vùng cao vì nó có tác dụng chống ngã nước, sốt rét, tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể chống lại sơn lam chướng khí. Phạm Ngọc Dương

Nguồn VTC: http://vtc.vn/394-232663/phong-su-kham-pha/sung-sot-va-hap-dan-chuyen-an-mam-da-tai-phu-tho.htm