Sum vầy nơi rốn lũ

Tết đã về rất gần. Ngay cả ở những miền đất còn in dấu thiên tai, những mầu xanh xuân mới cũng đang trùng trùng vươn dậy, bừng đón thời khắc Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017.

Chạy đua với thời gian

Những ngày sau lũ, người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) phải chạy đua với thời gian để phủ xanh đồng, xanh vườn, cho đến khi Tết Đinh Dậu kề cận trước ngõ từng nhà. Dọc hai bên đường về vùng “rốn lũ” Phương Điền, Phương Mỹ…, những nơi mà mới cách đây hai tháng, hàng nghìn ngôi nhà ngập chìm trong nước lũ, thì nay là những cánh đồng ngô xanh ngút ngàn trông thật vui mắt. Tranh thủ nắng ráo, bà con còn đổ ra đồng làm đất, chuẩn bị gieo cấy lúa xuân, để dành thời gian vui xuân đón Tết.

Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ (Hương Khê) Nguyễn Ngọc Quân hào hứng: “Ngoài đồng đã xanh tốt, Tết đến rồi. Giờ đây, không chỉ lo cho nhà nào cũng có bánh chưng, thịt trong ba ngày Tết mà địa phương còn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho bà con vui xuân đầm ấm”.

Điều ông Quân trải lòng là có cơ sở. Ngoài 10 tỷ đồng tiền - hàng cứu trợ của các đoàn thể, nhà hảo tâm đến với Phương Mỹ ngay sau lũ, mới đây bà con còn được Nhà nước cấp phát 32 tấn gạo cứu đói. Xã còn phát động tinh thần tương thân, tương ái, vận động mỗi hộ dân góp 20 nghìn đồng, cán bộ công – viên chức góp ½ ngày lương… để hỗ trợ cho các gia đình gặp nhiều khó khăn cũng như gia đình chính sách có thêm tiền sắm Tết. Ngoài ra, còn có tiền hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) cùng các đoàn thể của tỉnh, huyện, các nhà hảo tâm khác.

Nhưng sau hoạn nạn, sức sống đã lại vươn xanh.

Hương Khê là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất Hà Tĩnh, khi có hơn 15 nghìn ngôi nhà bị ngập sâu với tổng thiệt hại khoảng 450 tỷ đồng. Thế nhưng, theo Chủ tịch UBMTTQ huyện Hương Khê Từ Thị Hòa, “chưa bao giờ ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn, gây dựng lại cuộc sống của người dân nơi đây lại trỗi dậy mạnh mẽ như lúc này”. Những ngày cận kề Tết Đinh Dậu, hơn 800 tấn gạo cùng hàng chục nghìn suất quà lại được trao cho các hộ khó khăn, gia đình chính sách, có công ở huyện miền núi này…

Nhà mới đón Tết

Với năm đợt mưa lũ lớn liên tiếp xảy ra trong hai tháng cuối năm 2016, hàng trăm ngôi nhà của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Định bị sập hoàn toàn. Thế nhưng, những ngày này khung cảnh ảm đạm, tiêu điều ấy đã được thay thế bằng một sức sống mới.

Nhằm bảo đảm an sinh, Bình Định đã triển khai các giải pháp cấp bách hỗ trợ cho người dân xây nhà, trong đó tỉnh đã quyết định hỗ trợ hộ có nhà bị lũ cuốn hoàn toàn là 100 triệu đồng, nhà bị sập là 50 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ ấy, nhiều ngôi nhà mới khang trang đang mọc lên; người người, nhà nhà đang quét dọn, sửa sang đón Tết... Tuy nhiên, một khó khăn phát sinh sau lũ là nhiều gia đình đã không còn đất để xây lại nhà mới. Trong khi đó, thời gian từ nay đến Tết không còn dài, nên các địa phương chưa bố trí được quỹ đất cấp cho người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Ý Nguyện, Cán bộ văn hóa - xã hội xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước): Toàn xã có 119 nhà bị sập hoàn toàn đủ điều kiện để hỗ trợ xây dựng lại nhà mới. Trong số này có khoảng 70-80 nhà sẽ xây dựng hoàn thành và kịp đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017, số còn lại, đành phải chờ qua Tết.

Trong số những nhà xây mới sắp hoàn thành, có nhà của ông Nguyễn Văn Xuân (53 tuổi, ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận). Cùng với nhóm thợ xây bốn người, cả vợ chồng ông và các con đều phụ hồ để đẩy nhanh tiến độ công việc. Ông Xuân chia sẻ: “Ngôi nhà cũ của tôi bị sập sau đợt lũ tháng 11, ngay sau đó gia đình xây lại nhà mới, nhưng do bị mấy đợt mưa lũ liên tiếp nên gián đoạn và kéo dài. Dự kiến ngày 24 tháng Chạp là xong, gia đình tổ chức về nhà mới”. Cũng theo ông Xuân, ngôi nhà mới được xây dựng trên diện tích 50 m2, dự kiến kinh phí khoảng 180 triệu đồng; trong đó tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, các tổ chức, cá nhân đến thăm tặng quà và tặng thêm 3,3 triệu đồng; số tiền còn lại do gia đình ông tích góp và vay mượn thêm. Trong quá trình xây lại nhà mới, gia đình ông Xuân còn được bà con trong xóm giúp đào móng, đổ bê-tông gác lỡ…

Tại xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) có 26 nhà sập, đến nay có 10 nhà đã xây dựng lại xong. Tiếp khách trong ngôi nhà mới xây, cụ ông Nguyễn Văn Lầu (90 tuổi, ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh) phấn khởi: “Căn nhà mới này không những nền nhà được nâng cao hơn mà còn xây thêm gác lửng, đề phòng khi nào có nước lũ dâng cao thì hai vợ chồng già có chỗ mà ở, không phải chịu cảnh ngâm mình dưới nước như trước đây. Tết Đinh Dậu, tôi được ở trong ngôi nhà mà cả đời mình từng ao ước!”.

Nhìn ngôi nhà mới đã gần như hoàn tất, chỉ còn chờ lắp cửa chính, lát nền và quét vôi, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (58 tuổi, ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) vui mừng: “Sau khi nhà sập, hai mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc, vì không biết sắp tới phải trú ngụ ở đâu... Nhờ các cấp chính quyền, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ, “tiếp sức” mà tôi đã vượt qua. Vậy là Tết này, hai mẹ con được đón Tết trong ngôi nhà mới ấm áp rồi”.

Bà Võ Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: Qua năm đợt lũ, trên địa bàn xã có 209 ngôi nhà dân bị sập hoàn toàn, đủ điều kiện được hỗ trợ xây lại nhà mới. Song, do thời điểm nhà sập cận Tết nên chỉ có khoảng 80-90 nhà được xây dựng hoàn thành kịp đón Tết. Trong quá trình xây dựng lại nhà, địa phương sẽ tạo điều kiện cho người dân bằng cách đứng ra bảo lãnh để các đại lý bán vật liệu xây dựng cho người dân mua nợ. Nếu hộ dân nào chưa có chỗ ở sau khi nhà bị sập thì xã cho mượn lều bạt để dựng lều ở tạm; rồi vận động các dòng họ, gia đình cho mượn nhà thờ họ để ở trong khi chờ xây lại nhà. Bên cạnh đó, xã cũng kịp thời cấp gạo hỗ trợ cho các hộ dân, đưa họ vào danh sách nhận thêm các phần quà Tết của các tổ chức, cá nhân. “Chủ trương của xã là không để hộ dân nào phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” và thiếu thốn trong những ngày Tết cũng như sau Tết” - bà Thắm khẳng định.

Trở lại với huyện Hương Khê, điều bất ngờ và đáng phấn khởi, sau lũ, bà con vùng rốn lũ lại chung tay làm những ngôi nhà vượt lũ vững chắc. Riêng tại Phương Mỹ, người dân đang triển khai xây dựng sáu ngôi nhà vượt lũ, nâng tổng số nhà vượt lũ ở đây lên con số 90 cái. Tại nhà chị Lê Thị Thìn ở thôn Ấp Tiến (Phương Mỹ), ngôi nhà vượt lũ cao khoảng 10 mét, rộng 40 m2 đang được người dân trong xóm góp sức gấp rút hoàn thành tầng hai. Để làm ngôi nhà này, ngoài tiền dành dụm, vay mượn, gia đình còn được UBMTTQ hỗ trợ 15 triệu đồng và cả một khoản tiền cứu trợ kha khá trong dịp lũ vừa qua.

Không giấu niềm vui, chị Thìn khoe với mọi người: “Tết năm nay nhà mình vui hơn bao Tết khác vì được đón Tết trong ngôi nhà mới cao tầng vượt lũ, điều mơ ước của gia đình bao năm nay”. Phía đối diện bên kia đường, nhà vượt lũ của bà Hồ Thị Tư thuộc diện hộ nghèo cũng vừa hoàn thành, nhờ sự giúp sức của bà con chòm xóm cùng con cái, dòng họ và địa phương… Một tin vui nữa đến cùng không khí Tết: Ba tập đoàn là Viettel, Vingroup, Samsung (Hàn Quốc) đang phối hợp với địa phương khảo sát và lên kế hoạch hỗ trợ xây dựng hàng trăm ngôi nhà vượt lũ nữa cho người dân Hương Khê…

Cùng đi thăm hỏi bà con chuẩn bị đón Tết, chúng tôi lại được nghe những câu chuyện cảm động về tình người giúp nhau trong lũ dữ. Ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương, đoàn thể, các nhà hảo tâm…, với tinh thần “lá lành đùm lá rách” , bà con vùng rốn lũ cũng như người dân cả nước đã cùng chung tay, chung sức giúp đỡ nhau nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình ở vùng không bị ảnh hưởng lũ lụt đã kêu gọi góp gạo nếp, lá dong, thịt lợn, gà… gửi những gia đình vùng lũ đón Tết.

Tết đã đến, xuân đã về, theo những cơn gió ấm tình người như thế.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/31907502-sum-vay-noi-ron-lu.html