Sudan sẽ chia đôi

Kết quả trưng cầu dân ý không bị tranh cãi. Quá trình thương lượng sắp tới sẽ rất căng thẳng.

Theo kết quả trưng cầu dân ý do Ủy ban Trưng cầu dân ý Nam Sudan thông báo trong ngày 7-2, chẳng bao lâu nữa, miền Nam Sudan sẽ độc lập khỏi miền Bắc Sudan, trở thành một quốc gia mới ở châu Phi và thế giới. Cuộc nội chiến kéo dài 22 năm làm khoảng 2 triệu người thiệt mạng, 4 triệu người phải sơ tán tại quốc gia lớn nhất châu Phi và lớn thứ 10 thế giới này sẽ chính thức chấm dứt vào ngày 9-7, khi miền Nam Sudan tuyên bố độc lập. Dân miền Nam Sudan tại TP Juba vui mừng đón nhận thông báo kết quả trưng cầu dân ý ngày 7-2. Ảnh: AP Tham dự buổi tuyên bố kết quả trưng cầu dân ý khả năng miền Nam Sudan độc lập có đại diện của Liên minh châu Phi, Liên Hiệp Quốc, Liên đoàn Ả Rập, Liên minh châu Âu. Các tổ chức này đã lên tiếng công nhận kết quả và hoan nghênh viễn cảnh miền Nam Sudan độc lập. Tổng thống Mỹ Obama cũng tuyên bố sẽ công nhận miền Nam Sudan là nhà nước độc lập, có chủ quyền vào tháng 7 tới. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang trong quá trình xem xét loại tên Sudan khỏi danh sách các nước bị Mỹ cho là tài trợ khủng bố. Cùng với việc đổ ra đường nhảy múa ăn mừng của người dân TP Juba (thủ phủ miền Nam Sudan) sau kết quả trưng cầu dân ý, quan hệ hai miền Nam, Bắc Sudan bắt đầu chuyển qua một giai đoạn mới với nhiều thách thức và rào cản cho hòa bình hai bên. Trong khoảng năm tháng tới, hai miền Nam, Bắc phải vào cuộc bàn luận, thương lượng căng thẳng để tiến đến thống nhất cho được một số lượng rất lớn vấn đề hậu trưng cầu dân ý như biên giới, nguồn nước, các khoản nợ nước ngoài, tình trạng của bộ phận người gốc miền Nam sống tại miền Bắc và ngược lại… Đặc biệt là một số vấn đề gai góc, sống còn như bất đồng quanh thỏa thuận an ninh, việc sở hữu vùng màu mỡ tài nguyên dầu lửa Abyei. Theo các nhà phân tích chính trị Sudan, không khó nhìn thấy vấn đề phức tạp nhất chính là thỏa thuận an ninh. Cụ thể là giải quyết tình trạng của các đơn vị quân đội chung, căng thẳng, xung đột rất dễ xảy ra quanh việc thuyên chuyển, điều phối binh sĩ hai miền. Dẫn chứng trước mắt là dù chưa vào cuộc thương lượng chính thức nhưng cả tuần qua các binh sĩ tại một số đơn vị quân đội tại bang Upper Nile (miền Nam) nổ súng vào nhau làm hàng chục người chết vì bất đồng ở miền Nam hay về miền Bắc. Tuy nhiên dù khó khăn, các nhà phân tích chính trị Sudan tin tưởng thiện chí chính trị của hai đảng Đại hội Dân tộc (NCP - đảng cầm quyền do Tổng thống Sudan Omar al-Bashir lãnh đạo) và đảng Phong trào giải phóng nhân dân Sudan (SPLM, ưu thế ở miền Nam) sẽ giúp giải quyết vấn đề. Thỏa thuận Hòa bình toàn diện (CPA) năm 2005, tiền đề dẫn đến cuộc trưng cầu dân ý khả năng miền Nam độc lập cũng bắt nguồn từ sự đồng thuận của hai đảng này. Nhà phân tích chính trị Sudan Abdel-Rahim al-Sunni tự tin và hoan hỉ nói với hãng tin Xinhua (Trung Quốc) ngày 7-2 rằng thực tế hòa bình trong quá trình diễn ra trưng cầu dân ý và thái độ tích cực, xây dựng, tôn trọng kết quả của các bên mang lại niềm tin lớn lao rằng sự chia tách sẽ diễn ra thuận lợi, suôn sẻ trong hòa bình. Ngay sau khi kết quả được thông báo, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã ban hành Sắc lệnh Cộng hòa, công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý, cam kết cùng làm việc giải quyết các vấn đề liên quan, cùng xây dựng quan hệ tích cực giữa hai miền. Hội đồng Bộ trưởng Sudan cũng nhanh chóng ra tuyên bố chấp nhận kết quả. Về phần mình, Phó Tổng thống Sudan, lãnh đạo miền Nam Sudan Salva Kiir Mayardit đã đề nghị cộng đồng thế giới hoan nghênh Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vì thái độ tích cực với miền Nam. Đối với nhà phân tích chính trị Mohamed Abdul-Muti Satty (Sudan), sẽ luôn luôn tồn tại nhiều rủi ro với cả hai nhà nước một khi đã hoàn thành xong việc chia tách. Về phía miền Nam, một khi tách ra khỏi miền Bắc, miền Nam sẽ mất quyền sở hữu mọi cơ sở hạ tầng của mình ở miền Bắc. Đây sẽ là một gánh nặng với miền Nam khi phải bỏ ra hàng tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Thêm nữa, miền Nam hầu như chỉ dựa vào tài nguyên dầu mỏ, giờ thì đang phải nỗ lực để tìm nguồn thu khác cho kinh tế của mình vốn đã bị các khoản chi phí khổng lồ cho quân đội làm suy yếu. Còn với miền Bắc, mất nguồn thu từ dầu mỏ ở miền Nam cũng là thất thoát lớn với miền Bắc khi đang phải vật lộn trong khủng hoảng kinh tế, lạm phát. Một số cuộc biểu tình gần đây ở miền Bắc (phản đối chính phủ yếu kém không đáp ứng điều kiện sống của người dân, theo tinh thần các nước Tunisia và Ai Cập) cũng gia tăng áp lực và khó khăn cho chính phủ miền Bắc. Ngoài ra, việc miền Nam độc lập có thể sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở các vùng miền khác của Sudan như Darfur, Kordofan và miền Đông Sudan. Tiêu điểm 98,83% cử tri ủng hộ khả năng tách miền Nam Sudan độc lập khỏi miền Bắc Sudan, chỉ 1,17% cử tri phản đối, theo thông báo của Ủy ban Trưng cầu dân ý miền Nam Sudan ngày 7-2. Chúng tôi thật tâm chấp nhận mong muốn của người dân miền Nam Sudan. Tổng thống Sudan OMAR AL-BASHIR tuyên bố ngày 7-2 Chia cắt không phải là kết thúc và chúng ta sẽ không là kẻ thù. Phó Tổng thống Sudan, lãnh đạo miền Nam Sudan SALVA KIIR MAYARDIT phát biểu ngày 7-2 Quan hệ tốt đẹp có thể được xây dựng dựa trên nền tảng tình láng giềng thuận hòa. Nhà phân tích chính trị Sudan IZZ-EDDIN MUSSA nói với hãng tin Xinhua ngày 7-2 ĐĂNG KHOA (Theo Xinhua, Reuters, AFP)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20110209040058636p1017c1076/sudan-se-chia-doi.htm