Sức sống mới của thành phố bên sông Hàn

Sau 42 năm giải phóng, nhất là từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), Đà Nẵng đã và đang ngày càng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với người dân Việt Nam mà cả với du khách nước ngoài.

Những ngày này, trên khắp các ngả đường, góc phố ở Đà Nẵng được trang hoàng cờ, hoa, băng rôn rực rỡ. Những ai sinh ra, lớn lên hay từng có thời gian công tác ở đây đều dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi, phát triển của TP Đà Nẵng. Khi Đà Nẵng còn là đô thị cấp 3, thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Với quan điểm “lấy dân làm gốc”, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, những năm qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đề ra nhiều chủ trương đúng đắn, phù hợp, cùng nhiều giải pháp quyết liệt và cách làm mới, hiệu quả, nhờ đó Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng nhanh với cơ cấu hợp lý và đúng định hướng. Năm 2016, tổng sản phẩm xã hội địa phương GDP đạt 53.900 tỷ đồng (tăng 9,04% so với năm 1997); tổng thu ngân sách Nhà nước gần 19.000 tỷ đồng (tăng 16 lần so với năm 1997). Du lịch có bước phát triển nhanh chóng; năm 2016, thành phố thu hút hơn 5,5 triệu lượt du khách, trong đó 1,7 triệu lượt khách quốc tế. Năm 1997, cả thành phố chỉ có 61 khách sạn (2.060 phòng), tiêu chuẩn cao nhất là 3 sao thì hiện nay, Đà Nẵng có 585 khách sạn (21.000 phòng), trong đó 14 khách sạn 5 sao, 26 khách sạn 4 sao và 70 khách sạn 3 sao. Diện mạo đô thị được quy hoạch, chỉnh trang theo hướng văn minh, hiện đại. Không gian đô thị không ngừng được mở rộng, từ chỗ diện tích vùng nội đô chật hẹp đã mở rộng đến 21.300ha, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1997. Từ chỗ chỉ có 2 cây cầu đã xuống cấp, hiện nay, Đà Nẵng có 9 cây cầu bắc qua sông Hàn với kết cấu vững chắc và kiểu dáng hiện đại. Những cây cầu này ngoài chức năng phục vụ giao thông còn là điểm đến hấp dẫn du khách mỗi dịp đến với Đà Nẵng.

Một góc TP Đà Nẵng.

Theo đồng chí Bùi Xuân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng thìnhững năm qua, TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn như: Các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, “Xây dựng Đà Nẵng-thành phố môi trường” và gần đây là chương trình “Thành phố 4 an”(an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội) được nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

Để xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung-Tây Nguyên, với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ, những năm tới, thành phố tập trung phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung vào những ngành và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, chú trọng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố; thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, coi trọng cả công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa…

Bài và ảnh: VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/suc-song-moi-cua-thanh-pho-ben-song-han-506160