Sức sống giữa trùng khơi

(Dân Việt) - Đến Trường Sa, chúng tôi như bị mê hoặc trước cảnh vật nơi đây. Không chỉ bởi những mái nhà khang trang, mà còn vì màu xanh của hoa lá, cỏ cây đang vươn mình mạnh mẽ, tạo nên một sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi.

Tràn trề sức sống

Đoàn chúng tôi ghé thăm đảo Sinh Tồn - một trong những đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Đảo được bao trùm một màu xanh mơn mởn của cây trái, hoa lá, với đủ các loại: Phong ba, bàng vuông, tra, dừa… rợp bóng mát tạo nên một không gian thật thoáng đãng. Những ngôi nhà mái ngói khang trang phủ màu sơn vàng rực nằm san sát nhau bên bờ cát trắng vẽ nên một bức tranh thật sống động.

Thu hoạch bí ở đảo Trường Sa Đông.

Anh Hồ Văn Hiền - một trong những hộ dân sinh sống tại đây bế con cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo ra tận bãi đón chúng tôi. "Vào nhà mình uống nước mát cho khỏe nghe, đi đường vất vả rồi" - anh Hiền mời chúng tôi ghé thăm nhà cách đó không xa.

Nhà anh nằm ở khu dân cư được xây dựng khá khang trang, đối diện là nhà văn hóa và trường học của đảo, cạnh bên là ngôi chùa hướng mặt ra biển. Phía sau nhà là khoảng đất chừng 3m2 anh trồng đủ các loại rau, củ quả như mồng tơi, rau muống, bầu, mướp…; bên hiên nhà là khu thả nuôi hơn 20 con gà, vịt.

Anh Hiền cho biết, quê anh ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Cuộc sống trước đây của vợ chồng anh chủ yếu nhờ vào nghề đi biển. Vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn, chuyện học hành của con cái phải trông vào sự giúp đỡ của cha mẹ hai bên. Gần 10 năm lấy nhau, vợ chồng anh vẫn phải ở trọ, vậy là anh quyết định đăng ký ra Sinh Tồn.

Anh Hiền tâm sự: "Ban đầu cũng lo lắm, ở đất liền quen rồi không biết có chịu nổi cảnh thiếu thốn ở đảo không? Nhưng thực tế, thời gian qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội, bây giờ ở đây không khác gì đất liền.

Anh thấy đấy, điện sinh hoạt, sóng điện thoại và truyền hình, cả nước ngọt cũng không thiếu; con cái được vui chơi, học hành đàng hoàng; điều kiện chăm sóc sức khỏe cũng được đảm bảo. Vợ tôi thì được nhận vào làm nhân viên của xã, tôi thì vào lực lượng dân quân. Mặc dù không bằng những hộ dân khác ở đây, nhưng mỗi tháng vợ chồng cũng dành dụm được gần chục triệu".

Thay da đổi thịt

Đêm ở đảo Sinh Tồn, ánh điện sáng ngập cả lối đi. Đường nội bộ ở đây đều được bê tông hóa sạch sẽ, thông thoáng. Thiếu úy Trần Kiên Cường - Bí thư đoàn cơ sở của đơn vị chia sẻ:

"Để có được như bây giờ, công sức của anh em lớn lắm. Đất trồng trọt đều phải mang từ đất liền ra, điện thì tận dụng từ sức gió và năng lượng mặt trời; nước ngọt cũng vậy, ngoài nguồn nước mưa thì hiện nay toàn đảo đang được đầu tư hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt...".

Ở Trường Sa bây giờ, hàng ngày mọi người đều có thể lướt web, xem tin tức thời sự một cách dễ dàng, thuận tiện; phòng đọc sách, khu vui chơi, trường học, chùa chiền... được đầu tư hoàn thiện phục vụ tốt cho đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo.

Không chỉ ở Sinh Tồn mà hầu như tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang từng ngày, từng giờ "thay da, đổi thịt". Hôm chúng tôi ghé qua đảo Đá Tây, thấy những bè cá nuôi ở khu vực âu tàu trông rất thích mắt, hỏi ra mới biết đây là mô hình thí điểm hậu cần nghề cá của Hải quân Vùng 4. Ở đây không những nuôi cá đặc sản, mà còn làm dịch vụ cung cấp xăng, dầu cho ngư dân đi biển dài ngày.

"Trăm nghe không bằng một thấy", khi thực tế tại nhiều nơi trên đảo, tôi không khỏi ngạc nhiên trước khu chăn nuôi gia súc, gia cầm khép kín với số lượng lớn; các diện tích tăng gia sản xuất khá "hoành tráng" với rau xanh, củ, quả được quy hoạch và che chắn bảo vệ kỹ lưỡng. Chính vì vậy mà hàng năm, đảo Trường Sa Đông luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào tăng gia sản xuất của các cụm đảo.

Thế Hiển

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/94112p1c24/suc-song-giua-trung-khoi.htm