Súc miệng nước muối có thật sự tốt?

Súc miệng nước muối có lợi cho sức khỏe nhưng nhiều người đang quá lạm dụng, thậm chí súc miệng bằng nước muối sai cách dẫn đến tổn hại về sức khỏe.

Theo Ths.BS Nguyễn Danh Đức – chuyên khoa truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Medlatec) cho biết, “Hiện nay có không ít người bệnh cả người lớn và trẻ nhỏ phải nhập viện vì lý do súc miệng nước muối. Đa số các bệnh nhân khi nhập viện đều đã bị tổn thương niêm mạc miệng, thậm chí là loét họng”.

Đặc biệt, thời tiết thay đổi là môi trường thuận lợi để vi khuẩn tấn công đường hô hấp. Việc rửa mũi, súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý giúp ngăn ngừa vi khuẩn tấn công đã được nhiều chuyên gia khuyên dùng và được nhiều người áp dụng.

Súc miệng bằng nước muối sai cách dẫn đến tổn hại về sức khỏe (ảnh internet).

Mới đây, có trường hợp của cháu Nguyễn Thanh Hùng (9 tuổi, Hà Nội), phải nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, khó nuốt, rát cổ…

Sau khi được các bác sĩ thăm khám và tìm hiểu bệnh sử, thì được biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là do cháu Hùng súc họng bằng nước muối quá mặn, khiến họng bị tổn thương, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến viêm họng, sốt cao.

Theo chia sẻ của anh Quân (bố cháu Hùng), gia đình thường có thói quen súc miệng nước muối để vệ sinh khoang miệng, ngăn ngừa vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên, gia đình không sử dụng nước muối sinh lý mà tự pha nước muối với nồng độ mặn cao khiến cháu Hùng phải nhập viện vì đau họng.

Cũng theo bác sĩ Đức, không chỉ riêng cháu Hùng mà còn rất nhiều trường hợp dùng trực tiếp muối hạt ngậm rồi cho muối tự tan ra trong miệng. Như vậy sẽ rất nguy hiểm đối với khoang miệng và họng. Khi mọi người dùng nước muối súc miệng, tuyệt đối không dùng nước quá mặn, bởi chúng sẽ làm niêm mạc tổn thương nặng hơn. Điều đó trở thành yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển, có thể gây nên các bệnh khác.

“Khi bị viêm họng hầu hết mọi người thường ngậm luôn cả hạt muối (dùng chanh, gừng và muối để ngậm). Đây là thói quen rất sai lầm của mọi người, bởi độ mặn trực tiếp của muối sẽ càng làm tổn thương niêm mạc khiến bệnh lâu khỏi”, bác sĩ Đức cho biết thêm.

Ths.BS Nguyễn Danh Đức – chuyên khoa truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Medlatec) đang tư vấn cho bệnh nhân.

Do đó, bác sĩ Đức khuyến cáo “Để việc súc miệng bằng nước muối an toàn, đạt hiệu quả cao nhất, người dân nên dùng nước muối sinh lý đã được pha theo tỷ lệ chuẩn (9/1.000), nếu tự pha nước muối thì chỉ nên pha mặn hơn nước canh ăn hàng ngày một chút là được”.

Bên cạnh đó, khi xúc miệng thì cần phải ngậm khoảng 5 phút, sau đó ngửa cổ ra sau khi nước muối chạm thành sau họng, dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu "khò khò" đều đặn. Nên nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác trên 3 - 4 lần với nước muối mới, đối với người bị viêm họng, 3 giờ súc họng một lần và nên súc họng trước và sau khi ngủ.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/suc-mieng-nuoc-muoi-co-that-su-tot-d30541.html