Sức mạnh siêu tàu sân bay 7,6 tỷ USD Anh lần đầu ra khơi

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mới được hạ thủy ngày 26.6 và là chiến hạm lớn nhất từng xuất hiện trong lịch sử hải quân Anh.

Tàu sân bay Anh rời cảng để tới kiểm tra năng lực hoạt động ở Biển Bắc.

Theo Popular Mechanic, 3 năm sau ngày Anh ngừng hoạt động tàu sân bay HMS Illustrious, hải quân hoàng gia Anh mới có trong tay siêu vũ khí mới, sẵn sàng hoạt động ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

HMS Queen Elizabeth có lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 280 mét lớn gấp 3 lần tàu sân bay cuối cùng của nước này và lớn hơn nhiều so với thiết giáp hạm HMS Vanguard (45.000 tấn ) từng được Anh đóng vào cuối Thế chiến 2.

Siêu tàu sân bay mới của Anh có thể mang theo tối đa 50 máy bay, với khả năng mở rộng lên thành 70. Jerry Kyd, thuyền trưởng HMS Queen Elizabeth nói tàu sẽ được trang bị 36 chiến đấu cơ F-35B Lightning, 9 trực thăng săn ngầm Merlin và 4 máy bay cảnh báo sớm.

HMS Queen Elizabeth là chiến hạm lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh.

Trong nhiệm vụ tác chiến gần bờ, HMS Queen Elizabeth mang theo các máy bay vận tải hạng nặng Chinook, trực thăng tấn công Apache hay trực thăng đa nhiệm Lynx Wildcat.

HMS Queen Elizabeth cũng có cơ sở y tế quy mô ngay trên tàu, giúp tham gia vào các sứ mệnh nhân đạo như tìm kiếm và giải cứu những người tị nạn trên đường từ châu Phi và Trung Đông đến châu Âu.

Tàu được trang bị năng lực phòng thủ hạn chế với 3 tổ hợp phòng thủ Phalanx CIWS. 4 súng máy 30mm và nhiều súng máy hạng nặng để đối phó với các mối đe dọa ở cự ly gần.

HMS Queen Elizabeth có thể mang theo tối đa 1.600 thủy thủ trong các nhiệm vụ tác chiến dài ngày và 250 binh sĩ đặc nhiệm.

Tàu sân bay Anh lần đầu ra khơi ngày 26.6.

Quá trình đóng tàu HMS Queen Elizabeth kéo dài suốt 9 năm, với sự tham gia của 6 nhà máy và 11.000 công nhân. Theo Newsweek, kinh phí chế tạo siêu tàu sân bay mới của Anh ước tính đã đội giá lên tới 7,6 tỷ USD, so với dự tính 4 tỷ USD ban đầu.

Chi phí sản xuất đắt đỏ nhưng HMS Queen Elizabeth lại không được trang bị lò phản ứng hạt nhân. Tàu sử dụng 4 động cơ diesel, tổng công suất 48.000 mã lực. Tàu đạt tốc độ tối đa 46 km/giờ và tầm hoạt động 19.000km.

So với siêu tàu sân bay hạt nhân USS Gerald Ford của Mỹ, tàu sân bay Anh có kích thước ngắn hơn 25%, nhẹ hơn 50% và đạt tốc độ tối đa thấp hơn 20%. Vì không sử dụng năng lượng hạt nhân nên HMS Queen Elizabeth sẽ phải tìm nơi nạp nhiên liệu sau mỗi quãng đường 19.000km.

Sự xuất hiện của siêu tàu sân bay Anh và Mỹ đến trong thời điểm nhiều chuyên gia cho rằng loại vũ khí khổng lồ, đắt đỏ này đã lỗi thời. Siêu tàu sân bay Anh sẽ phải dựa vào các tàu hộ tống nếu muốn chống lại các mối đe dọa tên lửa tầm xa của đối phương.

F-35B sẽ là mẫu chiến đấu cơ duy nhất có mặt trên tàu sân bay Anh.

Sỹ quan chỉ huy hải quân Anh, Jerry Kydd tin tưởng sự xuất hiện của HMS Queen Elizabeth sẽ giúp hải quân gia tăng sức mạnh. “Tôi nghĩ rằng rất ít quốc gia có năng lực như vậy, đây là biểu tượng của sức mạnh hải quân”.

Michael Clarke, chuyên gia từng là giám đốc Viện nghiên cứu quốc phòng Anh (RUSI) nhận định, tàu sân bay mới chỉ khiến cho hải quân phải tập trung toàn bộ nguồn lực để hỗ trợ và bảo vệ.

“Hải quân Anh sở hữu nhóm tác chiến tàu sân bay mạnh mẽ. Nhưng chúng ta đang bỏ tất cả trứng vào một rổ”, ông Clarke nói.

Nguồn 24H: http://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/suc-manh-sieu-tau-san-bay-76-ty-usd-anh-lan-dau-ra-khoi-c415a884634.html