Sức mạnh không thể nói hết của Lữ đoàn tàu ngầm 189

Sau lễ thượng cờ ngày 28/2, hai tàu ngầm Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ vào đội hình Lữ đoàn 189, lực lượng có sức mạnh khó có thể nói hết.

Lễ thượng cờ

Hôm 14/2, trao đổi với báo chí tại buổi gặp mặt đầu năm 2017, Đại tá Nguyễn Túy, Phó chủ nhiệm Chính trị Hải quân cho biết, năm qua, Quân chủng Hải Quân đã tiếp nhận nhiều phương tiện tàu thuyền đóng mới, trong đó có hai tàu ngầm 186 mang tên Đà Nẵng và 187 mang tên Bà Rịa Vũng Tàu.

Đây là hai chiếc tàu ngầm Kilo lớp 636 cuối cùng nằm trong hợp đồng Việt Nam ký kết với Nga năm 2009 gồm 6 chiếc, nhằm xây dựng lực lượng Hải quân chính quy hiện đại, nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo Tổ quốc. "Dự kiến lễ thượng cờ hai tàu 186 và 187 sẽ được tổ chức vào ngày 28/2 tại Cam Ranh, Khánh Hòa", Đại tá Túy cho hay.

Sau lễ thượng cờ ngày 28/2 tại cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), hai tàu ngầm sẽ vào đội hình chiến đấu của Lữ đoàn 189 và nâng sức mạnh ngầm của Quân chủng Hải Quân lên con số 6 chiếc Kilo.

Tàu ngầm Bà Rịa Vũng Tàu.

Theo chuyên gia quân sự Nga Victor Litovkin, thật khó có thể nói hết được sức mạnh hạm đội tàu ngầm Việt Nam với 6 chiếc Kilo. Vị chuyên gia này cho biết thêm, bất kỳ quốc gia ven biển đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nếu không có hạm đội tàu ngầm.

Các tàu ngầm giúp giải quyết nhiều nhiệm vụ mà các tàu mặt nước không thể giải quyết nổi. Tàu mặt nước dễ bị phát hiện từ máy bay, UAV, từ vũ trụ. Trên thực tế, tàu ngầm ở độ sâu hơn 50 mét không thể bị phát hiện bằng các phương tiện quan sát với dụng cụ quang học.

Các tàu ngầm mà Nga xây dựng cho Việt Nam lần lượt mang tên: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và chiếc cuối cùng là Bà Rịa-Vũng Tàu, những tàu này có thể lặn sâu tối đa 300 mét và di chuyển với tốc độ lên đến 20 hải lý/h, tức là 37 km/h.

Nếu so với các loại tàu ngầm khác trên thế giới, tiếng ồn của tàu Varshavyanka phát ra rất thấp, giảm sự phản xạ radar, giúp cho chúng khó bị phát hiện hơn trên màn radar.

Tàu ngầm lớp này có thể tìm thấy mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn 3-4 lần mà bản thân chúng có thể bị đối phương phát hiện. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia phương Tây gọi tàu ngầm lớp Varshavyanka là "hố đen trong đại dương".

Tàu lớp này có thể bắn tên lửa và ngư lôi vào mục tiêu trên không, trên đất, trên biển và có thể đặt mìn. Tàu lớp Varshavyanka có thể được sử dụng chống tàu ngầm và tàu nổi của đối phương, để bảo vệ các căn cứ hải quân, các đường liên lạc trên biển và ven biển của mình, cho hoạt động tình báo để thu thập bí mật các thông tin từ hệ thống thông tin liên lạc của đối phương.

Trung Quốc cũng sở hữu những tàu ngầm loại này. Nhưng, lợi thế của các tàu ngầm mà Nga cung cấp cho Việt Nam là chúng mang theo không chỉ các ngư lôi và mìn mà còn hệ thống tên lửa Kalibr phiên bản mới nhất (nổi tiếng với tên xuất khẩu là Klub).

Tên lửa Kalibr với tầm bắn 300 km sau khi được phóng bay với tốc độ cận âm. Khi tiếp cận mục tiêu, đầu đạn chứa 400 kg thuốc nổ tách ra từ động cơ chính và tăng tốc đến 1 km/giây, tức là gấp ba lần tốc độ của âm thanh. Tên lửa tiếp cận mục tiêu ở độ cao 5-10 mét, khiến cho nó trở thành bất khả xâm phạm đối với các hệ thống chống tên lửa của đối phương.

Lần đầu tiên các thủy thủ Việt Nam đã làm quen với tàu ngầm của Nga tại nhà máy ở St. Petersburg. Các thủy thủ đoàn của Việt Nam đã tham gia các bài tập trên bờ biển và đi ra biển khơi.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo tại Nga, chương trình đào tạo đã tiếp tục được thực hiện tại Cam Ranh, nơi các chuyên gia Nga thành lập Trung tâm đào tạo có đầy đủ các thiết bị để mô phỏng bất kỳ hoàn cảnh nào, bao gồm cả trường hợp khẩn cấp, có thể có xảy ra trong thời gian cuộc hành quân, kể cả hành quân dài ngày nhất.

Những tàu ngầm Kilo Việt Nam đặt mua có chiều dài 74 mét, rộng 10 mét, thủy thủ đoàn 52 người. Tàu có thể vận hành độc lập một tháng rưỡi. Điều đó là đặc biệt quan trọng trong tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Chuyên gia Nga cho biết:

"Thật khó để đánh giá hết tầm quan trọng của những chiếc tàu ngầm này. Việt Nam sẽ có thể sử dụng chúng nhằm bảo vệ một cách hiệu quả hơn lãnh hải, vùng kinh tế biển, hải đảo và các giàn khoan dầu khí của mình", chuyên gia Victor Litovkin cho biết.

Đòn đánh bất ngờ

Với việc xây dựng, phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại của Hải quân, Lữ đoàn 189 tàu ngầm được thành lập và trang bị 6 tàu ngầm lớp Kilo 636 do Nga sản xuất, cùng với hệ thống các cơ sở đảm bảo toàn diện.

Tàu ngầm với khả năng hoạt động bí mật, bất ngờ tiến công và giành thắng lợi trước lực lượng của địch mạnh hơn; khả năng tác chiến toàn diện… là lực lượng có sức mạnh răn đe lớn với đối phương cả trong thời bình và thời chiến, tạo ra sự nguy hiểm ngầm thường xuyên trên biển, mang đến cho địch sự đe dọa ở mọi lúc, mọi nơi trên chiến trường biển và đại dương.

Theo nhận định của hãng thông tấn Sputnik, lực lượng tàu ngầm của Quân chủng Hải quân Việt Nam được thành lập với hệ thống chỉ huy chặt chẽ từ Sở chỉ huy Quân chủng, các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh đến đơn vị Lữ đoàn tàu ngầm và hệ thống các cơ sở bảo đảm khép kín.

Những chiếc tàu ngầm Kilo-636 sau khi tiếp nhận, Quân chủng đã nhanh chóng tổ chức huấn luyện, trong thời gian thời gian ngắn đã hoàn thành xuất sắc mọi khoa mục huấn luyện, các chuyến đi biển an toàn, vận hành tàu với các thông số đạt và vượt tính năng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/suc-manh-khong-the-noi-het-cua-lu-doan-tau-ngam-189-3329436/