Sức ép lạm phát 2014 còn cao hơn năm 2013

Việc chỉ số giá tiêu dùng (thường gọi là lạm phát) tăng thấp một cách bất thường trong tháng 2 vốn là tháng Tết Nguyên đán không phải là kết quả của những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô mà bị ảnh hưởng trực tiếp từ lòng tin của người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia sức ép lạm phát trong năm nay có thể cao hơn năm ngoái do tăng tổng cầu cũng như việc tăng phát hành trái phiếu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra ngày 24/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng 1/2014 và tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với 1,15% so với tháng trước, và tăng 3,34% so với cùng kỳ 2013.

Lý giải về mức tăng CPI thấp nhất trong nhiều năm qua này, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, Nguyễn Đức Thắng, cho rằng CPI tháng 2 tăng khá thấp là do tình hình thời tiết thuận lợi dẫn đến nguồn cung nông sản dồi dào. Do đó, mặc dù là tháng Tết nguyên đán nhưng giá lương thực, thực phẩm cũng chỉ tăng nhẹ.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố nguồn cung tăng, một nguyên nhân quan trọng khác kìm hãm đà tăng lạm phát chính là sự suy giảm lòng tin của người tiêu dùng. Thông thường tháng Tết Nguyên đán là tháng "cao điểm" mua sắm, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực phẩm, quần áo, giày dép… Song những số liệu khá điềm tĩnh của tháng 2 vừa qua đã cho thấy người tiêu dùng chỉ mở hầu bao cho những sản phẩm thiết yếu và thắt chặt chi tiêu cho các mặt hàng gia dụng và may mặc khác trong thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn. Xu hướng tăng thấp bất thường của lạm phát này chính là một dấu hiệu cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2014 vẫn chưa có gì sáng sủa.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, lạm phát trong tháng 3 tới sẽ vẫn giữ ở mức tăng nhẹ 0,55 - 0,6% so với tháng 2 do giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế không có quá nhiều biến động.

Đánh giá về tình hình lạm phát 2014, các chuyên gia của ngân hàng HSBC cho rằng nhu cầu của thị trường nội địa thấp hơn dự báo, giá cả thấp và khả năng giảm giá của các loại hàng hóa cơ bản làm gia tăng khả năng lạm phát cả năm nay của Việt Nam sẽ ở dưới mức dự báo 7,3% mà ngân hàng này đưa ra. Ngoài ra, HSBC cũng nhấn mạnh nếu đầu tư và chi tiêu tiếp tục giữ ở mức thấp trong một thời gian dài, thì cho dù hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Trong khi đó, theo Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia, mặc dù lạm phát những tháng đầu năm tăng thấp được coi là tiền đề thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát cả năm 2014, song với năm 2013, sức ép lạm phát có thể cao hơn do tăng tổng cầu cũng như việc tăng phát hành trái phiếu. Ủy ban này ước tính yếu tố cầu tăng có thể kéo khiến lạm phát tăng thêm khoảng 0,5% so với năm 2013. Trong trường hợp nếu giá lương thực, thực phẩm và giá điện đều tăng khoảng 10% thì lạm phát cả năm 2014 có thể tăng thêm khoảng 1,2% so với năm 2013.

Với mục tiêu lãi 4.300 tỉ đồng từ kinh doanh điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên kế hoạch đòi tăng giá bán điện bình quân năm 2014 lên 1.533,09 đồng/kWh, tăng thêm ít 34 đồng/kWh so với năm 2013. Trong khi đó, giá xăng mới đây cũng vừa tăng giá hơn 300 đồng/lít hôm 21/2. Tuy vậy, theo đà tăng nhanh, giảm nhỏ giọt của các năm trước đó, trong thời gian tới người tiêu dùng có thể còn phải đối mặt với nhiều biến động từ các đợt tăng giá xăng tiếp theo. Ngoài ra, các nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm vốn thường được xếp vào những nhóm hàng tăng giá nhiều nhất trong 11 rỏ hàng hóa tính CPI. Do đó, nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại vào những tháng tới rõ ràng không phải là viễn cảnh quá xa vời.

Theo Sống Mới

Nguồn NDH: http://ndh.vn/suc-ep-lam-phat-2014-con-cao-hon-nam-2013-20140226083052303p145c152.news