'Sức ép hòa bình' của Mỹ với Triều Tiên là như thế nào?

Mỹ sẽ làm việc nhiều hơn nữa, nhất là với Trung Quốc nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Mỹ sẽ theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Tiều Tiên. Đây là tuyên bố của giới chức Mỹ bất chấp vụ Triều Tiên thử tên lửa mới nhất cuối tuần qua.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu trên chương trình Chủ nhật của Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định vụ thử tên lửa tầm ngắn mới nhất của Triều Tiên hôm 26/8 vừa qua sẽ không khiến Mỹ thay đổi kỳ vọng rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục kiềm chế và sẵn sàng đàn phán với Washington. Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, vụ thử 3 tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên là một hành động khiêu khích, nhưng Mỹ sẽ cùng các nước tìm kiếm sức ép ngoại giao với Triều Tiên.

“Bất cứ vụ thử tên lửa chiến lược nào cũng là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông Tillerson nhấn mạnh. “Hành động này của Triều Tiên là sự khiêu kich với Mỹ và các đồng minh. Thông điệp rõ ràng của Triều tiên là họ chưa sẵn sàng từ bỏ lập trường của mình.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sức ép hòa bình. Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh, với Trung Quốc để đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, với một quan điểm khác cho tương lai của Bán đảo Triều Tiên”.

Trước đó, sáng ngày 26/8, Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa tầm ngắn. Quân đội Mỹ khẳng định các vụ phóng này không gây ra mối đe dọa tới Bắc Mỹ hay Guam - vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ trên Thái Bình Dương. Phía Nhật Bản cũng khẳng định các tên lửa trên không rơi vào vùng lãnh thổ của Nhật Bản hay các khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, đồng thời không đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia.

“Thủ tướng Nhật Bản đã cập nhật tình”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói. “Chúng tôi đã nhận được chỉ thị từ Thủ tướng phải đảm bảo an toàn và bảo vệ tài sản của người dân Nhật Bản. Chúng tôi vẫn đang duy trì cảnh giác cao độ”.

Trong khi đó, tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc một ngày sau vụ phóng tên lửa cho rằng sự khiêu khích ở mức độ nhỏ của Triều Tiên trong vụ phóng tên lửa mới nhất có thể là dấu hiệu cho thấy họ không có ý định làm leo thang căng thẳng, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể mở đàm phán trong tương lai với Bình Nhưỡng.

Theo các chuyên gia, nếu Triều Tiên không có thêm hành động khiêu khích nào từ nay tới ngày Quốc khánh Triều Tiên 9/9, thì những dự báo về một cuộc đối thoại có thể có sức thuyết phục.

Chính phủ Hàn Quốc hy vọng hai miền Triều Tiên có thể tổ chức một sự kiện dân sự chung để kỷ niệm 10 năm ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều 4/10 và nhân dịp này tổ chức các cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau Chiến tranh Triều Tiên. Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ hồi đáp tích cực với đề xuất đối thoại từ phía Hàn Quốc.

Trong hơn nửa đầu năm 2017, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang chưa từng có, khi chỉ trong vòng 1 tháng Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Kéo theo đó là cuộc “khẩu chiến” với Mỹ, với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đe dọa bắn đồng thời 4 quả tên lửa đạn đạo tới gần vùng lãnh thổ Guam và Tổng thống Mỹ đã trả bằng tuyên bố “đạn đã lên nòng” nhằm vào Triều Tiên.

Tuyên bố hết “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên được Mỹ đưa ra hồi đầu năm đến nay đã thay đổi. Mỹ đã “dịu giọng” hơn và có vẻ hướng tới các kênh ngoại giao để giải quyết căng thẳng với Triều Tiên.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ đang tìm kiếm thêm sức ép từ bên ngoài, cụ thể là từ Trung Quốc nước gần gũi với Triều Tiên, nhằm giải quyết vấn đề. Theo giới phân tích tại cả Mỹ và Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Donald Trump có ý định sử dụng vấn đề thương mại để buộc Trung Quốc gia tăng sức ép lên Triều Tiên. Việc Tổng thống Mỹ hôm 14/8 ký sắc lệnh ủy quyền tiến hành điều tra cáo buộc về những vi phạm bản quyền trí tuệ Mỹ của Trung Quốc là một phần của ý định này.

Với Trung Quốc, nước này nhắc lại kêu gọi các bên kiềm chế hành động tránh làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đã đạt đến “một bước ngoặt” và đây là thời điểm để các bên liên quan trở lại vòng đàm phán 6 bên.

Tuân thủ lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với Triều Tiên vừa được thông qua hồi đầu tháng, ngày 25/8, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các cá nhân và thực thể của Triều Tiên thành lập mới doanh nghiệp tại Trung Quốc. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực ngay tức thì và ước tính có thể làm sụt giảm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, vốn đang ở mức 3 tỷ USD/năm./.

Hoàng Lê/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/suc-ep-hoa-binh-cua-my-voi-trieu-tien-la-nhu-the-nao-664530.vov