Sữa ngoại ở Việt Nam: giá cao hơn khu vực đến 150%

(TBKTSG Online) - “Giá sữa nhập khẩu ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực là khá rõ ràng”, bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng ở Cục Quản lý cạnh tranh kết luận sau khi nơi này tiến hành điều tra giá các mặt hàng sữa sản xuất trong và ngoài nước với các so sánh cụ thể và công bố hôm 7-7 tại Hà Nội.

Ngọc Lan Hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sữa tại Việt Nam đang tạo ra một nghịch lý là giá sữa vẫn tăng chóng mặt. Ảnh:TL. Với nguồn 20 loại sữa thuộc 7 hãng lớn như Abbott, Mead Johnson, Nesle, Dumex,Friso, Duch Lady và XO nhập vào Việt Nam và các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, giá bán được xem xét qua các kênh bán tại siêu thị lớn, thông tin từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài ở thời điểm hiện tại cho thấy giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu vào Việt Nam so với các nước đang phát triển trong khu vực, nhìn chung là cao hơn từ 20 đến 60%, cá biệt có trường hợp cao hơn từ 100% đến 150%. Ví dụ như Pedia Sure giá ở Việt Nam cao hơn Thái Lan khoảng 20% nhưng một loại khác là Enfa Grow 3A+ cao hơn ở Thái đến 60%. Đặc biệt Dugro 1,2,3 của Dumex cao hơn giá ở Thái, Indonesia và Malaysia từ 100% đến 150%. Mức tính giá này được tính trên cơ sở quy đổi thành giá tính theo đồng Việt Nam cho 1kg sữa tại thời điểm lập báo cáo cách đây hơn 1 tuần. So với các nhãn sữa nhập khẩu nói trên thì trong năm 2008, Cục Quản lý giá cũng thuộc Bộ Công Thương, báo cáo cho biết các hãng sữa chi phối thị trường nội như Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) có 21 sản phẩm tăng giá từ 1,5% đến 10,8%. Công ty TNHH 3A phân phối sản phẩm sữa bột của hãng Abbott tăng 8 đợt, mỗi đợt bình quân tăng từ 4% đến 7,8%, Công ty Thực phẩm dinh dưỡng phân phối sữa bột của Dumex tăng giá 31 sản phẩm từ 3 đến 21% hay Duch Lady Việt Nam tăng từ 6 đến 10%. Mức tăng giá nhìn thì như thế, nhưng nếu đem so sánh như thống kê cho thấy chênh lệch về giá bán rất lớn so với các nước trong khu vực, nên rõ ràng đây là một nghịch lý không thể phủ nhận. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng sữa vào Việt Nam 5 tháng đầu năm nay có xu hướng giảm nhẹ, đạt hơn 86 triệu đô la Mỹ so với mức nhập trị giá hơn 322 triệu đô la năm 2008. Theo phân tích của Cục Quản lý cạnh tranh, dù thuế nhập khẩu các nước, dù thuế nhập khẩu sữa ở Việt Nam có cao hơn thuế nhập khẩu sữa ở các nước Malaysia, Indonesia (các nước này dao động từ 0% đến 5%) thì tính ra, giá sữa ở Việt Nam cũng chỉ có thể cao hơn giá sữa ở các nước nói trên nhiều nhất là 10%, thay vì mức chênh lệch đến hơn 25% hay tận 150% như hiện nay. Cục Quản lý cạnh tranh còn phân tích rằng, Tổng cục Hải quan thống kê cho thấy hiện nay trên thị trường Việt Nam có trên 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm. Đây là con số đủ tạo nên một thị trường cạnh tranh trong ngành sữa ở nước ta, làm lợi cho người tiêu dùng. Nhưng những gì đang diễn ra là giá sữa tăng liên tục từ năm 2007 đến nay. Cục này cũng cho rằng, nếu giải thích sự lên giá của sữa do tỷ giá thay đổi thì mức tăng tỷ giá hối đoái từ 6% đến 8% cũng chưa thể giải thích cho mức giá cao như hiện nay. Nếu lấy nguyên nhân là chi phí quảng cáo lớn và chi phí kinh doanh cao cũng không thuyết phục vì nhà nước đã có quy định khống chế chi phí quảng cáo và tiếp thị ở mức không quá 15% lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu điều này đúng như doanh nghiệp đã từng lên tiếng thì Cục cho rằng doanh nghiệp cần xem lại các chi phí này. Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu trách cần thanh tra, giám sát thực tế nhiều hơn để phát hiện và xử lý vi phạm vì sữa là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nếu trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động. Song thực tế thì các công cụ điều tiết này chưa hề được áp dụng từ trước đến nay, bất chấp tình trạng giá sữa vẫn cứ tăng chóng mặt người tiêu dùng. Phía Cục Quản lý giá thì đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh xem xét hành vi liên kết độc quyền của các doanh nghiệp phân phối độc quyền những hãng sữa bột ngoại nhập đồng thời hạn chế và đề xuất không cấp phép quảng cáo cho những quảng cáo sữa không đúng sự thật hoặc quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh nhằm bình ổn thị trường hơn nữa.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/20863/