Sửa luật để hạn chế tai nạn giao thông đường thủy

(SGGPO). – Chiều nay, 12-11, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tính đến nay, toàn quốc có khoảng 6.700 cảng bến thủy nội địa, trong đó có 131 cảng thủy nội địa và hơn 6.500 bến thủy nội địa, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thuận lợi; trên 806.000 chiếc phương tiện, 749.412 ghế hành khách. Lĩnh vực giao thông ĐTNĐ có liên quan, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của khoảng 11 triệu người.

Chỉ mới quản lý được 45% số km có hoạt động giao thông đường thủy

Về các nội dung sửa đổi, đáng chú ý, Luật Giao thông ĐTNĐ 2004 chỉ điều chỉnh đối với hoạt động giao thông ĐTNĐ trong phạm vi “luồng” (vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn). Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động giao thông ĐTNĐ (như đi lại, quay trở, neo đậu phương tiện…) không chỉ diễn ra trên luồng, đặc biệt là phương tiện nhỏ hoạt động diễn ra khá phổ biển ở ngoài phạm vi luồng như: khi đi trên sông rộng hoặc vào mùa lũ, phương tiện đều đi ra ngoài luồng phía giáp bờ để tránh sóng gió…Vì vậy cần phải bổ sung đối tượng điều chỉnh.

Cũng theo quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ năm 2004, thì ĐTNĐ là luồng trên sông, kênh rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh được tổ chức, quản lý. Thực tế hiện nay, cả nước có hơn 80.577 km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000 km có hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000 km (chiếm tỷ lệ 45% số km có hoạt động giao thông đường thủy) do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương. Trong khi đó, trên các sông, kênh chưa được tổ chức quản lý, hoạt động giao thông ĐTNĐ của nhân dân vẫn diễn ra mà không chịu sự điều chỉnh của Luật.

Dự thảo luật cũng bổ sung “Chủ phương tiện quy định tại khoản 1 Điều 24 khi hoạt động vận tải ĐTNĐ phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với người thứ ba” để bảo vệ quyền lợi cho bên thứ ba cũng như giảm gánh nặng cho chủ phương tiện khi xảy ra tai nạn giao thông ĐTNĐ.

Cùng với đó, bổ sung quy định về “hợp đồng thuê phương tiện”, “Các hình thức thuê phương tiện và trách nhiệm của chủ phương tiện, người thuê phương tiện”.

Đặc biệt, dự thảo luật bổ sung quy định về “Cứu nạn giao thông đường thủy nội địa”, “Cứu hộ giao thông đường thủy nội địa”, và “Nguyên tắc cứu hộ” để có cơ sở thực hiện, giải quyết vụ việc vì các hoạt động này đang diễn ra trong thực tế, tương tự như quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Phương tiện giao thông đường thủy chở khách phải đạt chất lượng đúng quy định

Thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông ĐTNĐ, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội cho biết, cần thiết ban hành Luật sửa đổi. Sửa luật cần đồng thời tăng cường hơn nữa việc bảo đảm an toàn trong giao thông đường thủy.

Đa số ý kiến các thành viên của Ủy ban KH-CN-MT nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn trước việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật trong khi hiện nay “mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000 km, chỉ chiếm tỷ lệ 45% số km có hoạt động giao thông đường thủy”. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo có giải trình thêm về vấn đề này.

Ủy ban cũng cho rằng, dự thảo Luật mới tập trung điều chỉnh những cảng, bến được đầu tư từ ngân sách nhà nước mà chưa bao quát được hết những hình thức đầu tư khác đang được khuyến khích thực hiện như hình thức hợp tác công tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư tư nhân... . Vì vậy, đề nghị cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc đầu tư, quản lý khai thác cảng, bến theo các hình thức này; bổ sung, chỉnh sửa quy định “cảng hành khách” và “cảng hàng hóa”, “bến dân sinh” cho đầy đủ, rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn.

Về điều kiện hoạt động của phương tiện tham gia giao thông, vận tải trên đường thủy nội địa, Ủy ban KH-CN-MT nhận thấy sau 8 năm thực hiện, loại phương tiện cần đăng ký chỉ đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61% là rất thấp. Trong đó có thể có nguyên nhân do quy định về đăng ký, đăng kiểm chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, đặc biệt là đối với dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi phương tiện đường thủy là phổ biến.

Ủy ban đề nghị bổ sung quy định đối với phương tiện giao thông ĐTNĐ kinh doanh vận chuyển hành khách phải có yêu cầu cao hơn, khác biệt hơn, nhất là về an toàn so với phương tiện tự đi lại thông thường nhằm tăng cường sự quản lý Nhà nước, bảo đảm an toàn cho hành khách. Đối với một số phương tiện chở khách đặc thù như tàu cao tốc, tàu cánh ngầm… cần bổ sung các quy định cụ thể hơn.

Cũng theo Ủy ban KH-CN-MT, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phương tiện phải “đủ thiết bị an toàn, thiết bị hỗ trợ hành trình, thiết bị thông tin, định vị, dẫn đường theo quy định”

Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất; đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng. Bên cạnh việc cần nâng cao trách nhiệm quản lý tàu thuyền, cấp phép rời cảng, bến, trách nhiệm trong quản lý vận tải hành khách..., cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông ĐTNĐ, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trong vận chuyển hành khách. Do đó, Ủy ban nhất trí bổ sung quy định về cứu nạn vào Dự thảo Luật.

Ủy ban cũng đề nghị Luật cần quy định chi tiết hơn về nguyên tắc, sự phối hợp và trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn…,

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chinhtri/2013/11/332346/