Sửa đổi Thông tư 30 phù hợp với điều kiện dạy học ở vùng sâu, vùng xa

Tạo động lực đổi mới

(Cadn.com.vn) - Sau 2 năm triển khai thực hiện đánh giá học sinh (HS) theo Thông tư 30, đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn miền núi có chung nhìn nhận: Công tác đánh giá HS đã tạo động lực cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy; giúp các em HS ngày càng hứng thú với chuyện học trên lớp; sự tương tác giữa nhà trường với gia đình HS, giáo viên với phụ huynh ngày một hiệu quả... Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, tồn tại mà ngành GD-ĐT cần phải sớm sửa đổi cho phù hợp với điều kiện dạy học ở vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện Thông tư 30 tạo động lực cho đội ngũ giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Có hơn 20 năm kinh nghiệm đứng lớp, làm công tác quản lý trường học ở huyện miền núi biên giới Tây Giang (Quảng Nam), thầy Trường Ơn – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Ga Ry (xã Ga Ry, H. Tây Giang), chia sẻ: Trong thời gian qua, một trong những nguyên nhân khiến HS miền núi bỏ học giữa chừng đó là việc so sánh học lực giữa HS này với HS khác, dẫn đến các em cảm thấy xấu hổ, thua kém bạn bè rồi bỏ trường bỏ lớp. Vì thế, khi triển khai thực hiện Thông tư 30 về đánh giá HS không điểm số đã gần như xóa bỏ được những hạn chế mà việc đánh giá HS theo điểm số gây ra như trên. Mặt khác, khi triển khai đánh giá HS theo hướng động viên, khuyến khích nên hầu hết các em chuyên tâm với giờ học, việc đến lớp chuyên cần hơn và không còn tình trạng HS đi học “giã gạo” hay bỏ học giữa chừng.

Theo thầy Bùi Quang Ngọc – Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu họcTrà Leng (xã Trà Leng, H. Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), khi bắt đầu triển khai thực hiện Thông tư 30, hầu hết đội ngũ giáo viên cảm thấy không bị áp lực nhiều, ngoại trừ một số giáo viên bộ môn tỏ ra khá vất vả khi phải theo dõi, đánh giá vì có số lượng HS đông hơn, sổ sách cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, với đặc điểm HS ngày một giảm nên tỷ lệ HS/lớp ngày càng ít đi, chính vì vậy, hoạt động dạy học thường ngày trên lớp đối với giáo viên có nhiều thuận lợi hơn, giáo viên có thời gian quan tâm, chỉ bảo, kèm cặp HS. Nhất là khi được tổ chức ăn ở bán trú, HS được giáo viên phụ đạo vào buổi tối và kèm cặp, động viên trong suốt thời gian ở trường nên hiệu quả mang lại từ công tác đánh giá thường xuyên HS trên lớp cho thấy những kết quả rất rõ nét.

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, một nhân tố quan trọng làm cho công tác đánh giá HS theo Thông tư 30 gặp nhiều thuận lợi trong thời gian qua là đội ngũ giáo viên nhà trường ngày càng được chuẩn hóa. Đây có thể xem là một trong những nền tảng cơ bản khi thực hiện Thông tư 30 hiện nay tại nhà trường và là cơ sở niềm tin hướng đến một môi trường giáo dục toàn diện theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS.

Sau 2 năm thực hiện Thông tư 30 vẫn còn nhiều khó khăn bất cập, nhất là tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Cần sớm sửa đổi Thông tư 30 theo điều kiện vùng, miền

Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý, để Thông tư 30 thực sự góp phần tạo nền móng vững chắc cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, giáo dục dân tộc, Bộ GD-ĐT cần sớm thực hiện sửa đổi nội dung theo hướng phù hợp với điều kiện dạy học thực tế, đối tượng HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Đình An – Trưởng phòng GD-ĐT H. Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: Trong thời gian qua, khi thực hiện Thông tư 30, chúng tôi luôn trăn trở một điều là làm thế nào để giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của việc đổi mới đánh giá HS, cách nhận biết các năng lực, phẩm chất của HS... Các trường học thực sự gặp khó khăn trong việc đề ra những giải pháp cụ thể thực hiện đánh giá HS phù hợp với đối tượng là con em đồng bào dân tộc thiểu số và trình độ văn hóa của phụ huynh.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Giang (Quảng Nam), qua công tác dự giờ, thăm lớp ở các trường trên địa bàn, thấy rằng sau gần 2 năm triển khai thực hiện Thông tư 30, đến nay, công tác đánh giá HS không điểm số còn gặp không ít khó khăn. Đa số HS là người dân tộc thiểu số nên việc tự đánh giá và đánh giá bạn trong từng tiết học vẫn còn hạn chế nhất định.Đối với HS chậm tiếp thu, giáo viên đánh giá nhận xét nhẹ nhàng dẫn đến nhàm chán, không xác thực, nhiều HS còn chủ quan không vươn lên trong học tập. Những lời nhận xét của giáo viên trong vở HS, phụ huynh là người dân tộc thiểu số nên không đọc được hoặc đọc không hiểu.

“Vì vậy, sự kết hợp của phụ huynh và giáo viên trong việc đánh giá, giáo dục HS chưa có hiệu quả. Sự tham gia đánh giá của phụ huynh, cộng đồng chưa thực tế. Việc bình bầu HS khen thưởng chưa quen và còn mang cảm tính chưa thực sự khách quan. Danh hiệu khen thưởng cho HS chưa thống nhất rõ ràng. Do đó, cần có bộ đánh giá chuẩn đối với HS là người dân tộc thiểu số, đảm bảo được sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục HS. Giảm nhẹ việc thực hiện hồ sơ sổ sách cho giáo viên để họ chuyên tâm giảng dạy trên lớp đạt hiệu quả; đồng thời có quy định cụ thể về danh hiệu khen thưởng HS”, ông Tuấn bày tỏ quan điểm.

Khải Minh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_153602_su-a-do-i-thong-tu-30-phu-ho-p-vo-i-die-u-kie-n-da.aspx