Sửa đổi quy định quản lý bán hàng đa cấp: Hết sức cần thiết!

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra không ít vụ doanh nghiệp (DN) lợi dụng những 'kẽ hở' trong quản lý đối với mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động vốn nhằm thu lợi bất chính, cũng như thực hiện các hành vi vi phạm mới, mặc dù hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và Thông tư số 24/2014/TT-BCT. Trước tình trạng 'bát nháo' vi phạm của BHĐC như hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 42 là hết sức cần thiết!

 Đoàn liên ngành kiểm tra hộ kinh doanh hàng đa cấp trên địa bàn thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Đoàn liên ngành kiểm tra hộ kinh doanh hàng đa cấp trên địa bàn thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

“Xóa sổ” 36 công ty đa cấp

Tính đến ngày 6-3-2017, Bộ Công Thương đã “xóa sổ” 36 DN kinh doanh đa cấp, trong đó, có 15 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC, 21 DN tạm ngừng và chấm dứt hoạt động BHĐC. Hiện, số DN hoạt động trong lĩnh vực này chỉ còn 31 so với con số 67 hồi đầu năm 2015. Theo Bộ Công Thương, từ tháng 6-2015 đến tháng 11-2016, Bộ đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ, xử phạt 64 trường hợp, với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2016 đến nay, 38/57 Sở Công Thương các địa phương đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các DN BHĐC hoạt động trên địa bàn. Đã có 37 Sở Công Thương ra quyết định xử phạt 21 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC, với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 30-11-2016, sau khi rút giấy phép của 21 DN vi phạm vẫn còn 36 DN hoạt động kinh doanh BHĐC được cấp phép, chủ yếu kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng…

Trong quá trình đăng ký hoạt động và tổ chức BHĐC, bên cạnh những DN làm ăn chân chính vẫn còn không ít đơn vị lợi dụng kẽ hở, sự chưa đồng bộ của pháp luật trong quản lý để thực hiện các hoạt động kinh doanh trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Các vi phạm phổ biến như bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, DN sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính...

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhận định, thời gian qua một số nội dung của Nghị định 42/2014/NĐ-CP đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHĐC, cần thiết phải ban hành Nghị định mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động này.

Nhiều thay đổi quan trọng

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ năm 2016, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, thực tế hoạt động BHĐC thời gian qua cho thấy, một số DN BHĐC đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại như đại diện, môi giới, ủy thác… để phát triển và mở rộng mạng lưới của mình. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với người tham gia BHĐC, một số DN đã đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian này. Trong các vụ việc như vậy, các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho DN BHĐC, mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian, làm giảm hiệu quả thực thi của pháp luật.

Ông Nguyễn Đức Minh, đại diện Tổ biên tập Nghị định cho biết, so với Nghị định số 42, dự thảo nghị định sửa đổi có nhiều thay đổi khá quan trọng. Để có cơ sở xử lý hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện hành vi huy động vốn trái phép thời gian qua, dự thảo nghị định mở rộng phạm vi để điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nói chung, đồng thời, áp dụng cho cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHĐC, dự thảo nghị định bổ sung quy định minh bạch hóa thông tin của DN BHĐC, trong đó, yêu cầu DN phải xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động BHĐC của họ. Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Một điểm đáng chú ý khác là DN BHĐC không được tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ mạng lưới BHĐC; việc thanh toán hoa hồng, tiền thưởng phải thực hiện qua chuyển khoản…

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, để siết chặt quản lý hoạt động BHĐC, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để đưa ra các quy định chặt chẽ, hoàn thiện hơn trong lĩnh vực này; tăng nặng các chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với hành vi BHĐC bất chính. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật kinh doanh đa cấp cho các DN, gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát hoạt động BHĐC, đặc biệt là sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức tập huấn, đào tạo… là những giải pháp quan trọng để quản lý hoạt động BHĐC.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/864682/sua-doi-quy-dinh-quan-ly-ban-hang-da-cap-het-suc-can-thiet