Sửa đổi Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 9/9, Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Đây là Phiên họp cận kề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, dự kiến kéo dài trong 2 tuần, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, đánh giá kết quả công tác năm 2013 của Chính phủ và các ngành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trọng tâm của Phiên họp thứ 21 là những nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Luật Đất đai (sửa đổi) và kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước 2013.

Trong buổi làm việc đầu tiên, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung một số điều để tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trước đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp mở rộng cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo các đại biểu, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được sửa đổi bổ sung một số điều năm 2008 đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật đã bộc lộ một số bất cập như: Một số quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể; việc xác định chức vụ tương đương và quy định bậc quân hàm cao nhất của các chức vụ sĩ quan chưa phù hợp; tiêu chí, điều kiện phong, thăng quân hàm chưa rõ… Do đó, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan hiện hành là cần thiết.

Tiểu ban Quốc phòng của Quốc hội đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi một số nội dung khác còn vướng mắc trong thực hiện như: Sửa đổi khoản 2 Điều 16 quy định quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng tại ngũ được bổ nhiệm giữ chức vụ của sĩ quan thì được phong cấp bậc quân hàm sĩ quan tương xứng, bảo đảm chặt chẽ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn, tránh lạm dụng;

Sửa đổi thời hạn xét thăng quân hàm cấp thiếu úy lên trung úy là 3 năm cho thống nhất với cấp úy; bổ sung quy định rõ việc biệt phái sĩ quan sang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước ngay trong Luật.

Đồng thời bổ sung quy định trần quân hàm cấp tướng cho một số chức vụ sĩ quan biệt phái; nghiên cứu bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan tại ngũ…

Một số đại biểu cho rằng, không nên đưa chức vụ chỉ huy trưởng, chính ủy vùng Cảnh sát biển vào nhóm các chức vụ cơ bản vì theo Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam thì đây là lực lượng chuyên trách của Nhà nước…

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính hợp hiến và tương ứng với quy định tại Điều 84 của Hiến pháp thì nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các chức vụ tương đương đối với các chức vụ cơ bản có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng.

Ngoài ra, các ý kiến cơ bản tán thành việc sửa đổi quy định bậc quân hàm cao nhất của chức vụ trung đội trưởng là đại úy, đại đội trưởng là thiếu tá; bổ sung nội dung giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cấp bậc quân hàm của sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy quản lý…

Các đại biểu cũng đề nghị Dự án Luật cần làm rõ tiêu chí, nhu cầu, điều kiện của các nhóm chức vụ có quân hàm cấp tướng.

Việc quy định trần quân hàm cao nhất của một số chức vụ lãnh đạo, chỉ huy so với việc quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan và các chức vụ tương đương chưa phù hợp về cả phương diện chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Phương Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/sua-doi-luat-sy-quan-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-2354399/