Sửa đổi Luật Hải quan: Cắt giảm thủ tục để kích thích tăng trưởng

(HNM) - Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, Luật Hải quan được Quốc hội thông qua năm 2001 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu (XNK).

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, luật đã bộc lộ nhiều vướng mắc cần sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển kinh tế. Đây là nội dung được thảo luận tại hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) do Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 16-4 tại Hà Nội.

Vướng luật, doanh nghiệp gặp khó

Để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế, Luật Hải quan (LHQ) được Quốc hội thông qua từ năm 2001, có hiệu lực từ năm 2012 đã tạo khung pháp lý quan trọng cho hoạt động thương mại XNK. Sau đợt sửa đổi năm 2005, LHQ đã được thực hiện theo hướng đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, chuyển dần phương thức quản lý HQ từ thủ công sang hiện đại.

Việc cắt giảm nhiều thủ tục hải quan sẽ giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: Huy Hùng

Sau 10 năm thực hiện, với nỗ lực cải cách của ngành HQ thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), ước tính mỗi năm đã giúp cộng đồng DN tiết giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí. Thông qua cơ chế giao người khai HQ tự khai, tự nộp, tự tính thuế, ngành đã giảm thiểu TTHC, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao. Năm 2008, số thu ngân sách do ngành quản lý là 125.517 tỷ đồng, tới năm 2012 là 197.845 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần. LHQ nâng cao hiệu quả kiểm soát của cơ quan HQ trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, cùng với tiến trình đổi mới và hội nhập sâu, rộng với kinh tế quốc tế, LHQ đã bộc lộ những vướng mắc cần sửa đổi. Đại diện Văn phòng Luật sư "Đào và Cộng sự" nêu ý kiến, dự thảo LHQ sửa đổi quy định thời hạn kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là 10 năm kể từ ngày đăng ký khai HQ của lô hàng XNK đã thông quan là quá dài, tạo tâm lý tùy tiện cho cán bộ khi thực hiện nghiệp vụ này. Trong khi đó, nhiều trường hợp sau khi KTSTQ nếu phát hiện có sai sót, dẫn tới phải truy thu thuế với số tiền lớn có thể làm DN phá sản bởi hầu hết các loại thuế phải nộp tại cửa khẩu đều là thuế gián thu, khi hàng hóa nhập về, DN đã bán hết. Nếu sau 10 năm mới phát hiện sai sót thì DN chỉ còn cách lấy tiền vốn để trả nợ ngân sách. Quy định này gián tiếp khiến DN thông đồng với công chức HQ, làm giảm số thuế phải nộp. Khi KTSTQ và sai sót bị phát hiện, thời gian quá dài sẽ khiến những người chịu trách nhiệm đã thuyên chuyển công tác dẫn đến khó truy cứu trách nhiệm.

Quy định về việc người khai HQ phải nộp chứng từ thuộc hồ sơ HQ trong vòng 7 ngày kể từ khi thông quan hàng hóa được nhiều DN góp ý sửa đổi. Một số DN cho rằng, khai hải quan điện tử có mục đích rút ngắn thời gian thông quan, nên cho phép nộp hồ sơ HQ điện tử và lưu giữ tại hệ thống thông tin điện tử của ngành, không cần văn bản cứng đồng thời chỉ nên yêu cầu DN bổ sung hồ sơ giấy trong trường hợp thực sự cần thiết, qua đó sẽ giảm bớt thời gian, chi phí cho DN.

Liên quan đến nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, luật gia Vũ Xuân Tiền, Hội Luật gia Hà Nội, cho rằng, nên bổ sung thêm nhiệm vụ "phòng, chống gian lận thương mại" (Điều 12, LHQ sửa đổi). Bởi trên thực tế, hành vi kê khai sai chủng loại hàng hóa, khai báo giá thấp hơn thực tế để trốn thuế nhập khẩu, khai giá nhập khẩu cao hơn giá thực mua để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài… đang xảy ra phổ biến.

Giảm 1 ngày thông quan - tăng thêm 1% GDP

Ông Joakim Parker, đại diện USAID tại Việt Nam, cho biết, nếu mỗi lô hàng XNK giảm được 1 ngày thời gian thông quan sẽ tác động tích cực tới hoạt động thương mại của DN, qua đó giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm 1-1,5% mỗi năm. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi trong những năm gần đây, hoạt động thương mại XNK liên tục khởi sắc. Năm 2010, kim ngạch XNK của nước ta đạt 157 tỷ USD, năm 2012 đã là 228,3 tỷ USD. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, song 3 năm trở lại đây, tăng trưởng XNK luôn duy trì ở mức hai con số, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng GDP. Việc tạo thuận lợi cho DN phát triển hoạt động XNK thông qua cải cách, hiện đại hóa thủ tục HQ sẽ góp phần duy trì và phát triển đà tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch VCCI Phạm Gia Túc cho rằng trong bối cảnh ngày càng có nhiều hiệp định thương mại quốc tế được ký kết, LHQ cần được sửa đổi phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng bảo đảm hiệu quả chống gian lận thương mại.

Ghi nhận ý kiến của cộng đồng DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết thời gian tới, Bộ Tài chính, Tổng cục HQ sẽ nỗ lực đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí thông quan cho DN. Mục tiêu của ngành là trong giai đoạn 2015-2020, HQ Việt Nam sẽ nằm trong tốp ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về cải cách TTHC, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thu hút thêm nhà đầu tư và hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thương mại XNK.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/585833/sua-doi-luat-hai-quan-cat-giam-thu-tuc-de-kich-thich-tang-truong