Sửa đổi Luật Du lịch: Chuyên nghiệp hoạt động lữ hành

Nhằm góp ý sửa đổi Luật Du lịch, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc thực hiện Luật Du lịch và dự thảo Luật Du lịch sửa đổi. Theo ý kiến các chuyên gia, du lịch Việt Nam muốn phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì hoạt động lữ hành cần phải thay đổi chuyên nghiệp để đáp ứng các nhu cầu thực tiễn.

Lực lượng hướng dẫn viên du lịch đang yếu và thiếu.

Lỗ hổng hoạt động lữ hành

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2016, cả nước có 9.920 hướng dẫn viên (HDV) quốc tế phục vụ cho gần 8 triệu lượt khách quốc tế đến và 6 triệu khách đi; 7.467 HDV nội địa phục vụ hơn 45.000.000 lượt khách.

Trong đó, theo ông Nguyễn Văn Mỹ- Trưởng ban HDV Hiệp hội lữ hành Việt “Với lượng HDV hiện tại, chỉ mới đáp ứng 40% quốc tế và hơn 15 % nội địa. Tuy nhiên, với những sai phạm trong hoạt động lữ hành vừa qua thì nếu xử phạt hành chính thì tha hồ thu, tỉnh thành nào cũng vi phạm và vô số doanh nghiệp phải đóng cửa vì thiếu cả HDV lẫn không đủ tiền đóng phạt”.

Cũng theo ông Mỹ không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng mà còn mất cân đối trầm trọng về cơ cấu. Đặc biệt là thiếu trầm trọng tính thực tiễn trong đào tạo. Sự lãng phí này làm khổ cả sinh viên lẫn các công ty lữ hành - người sử dụng sản phẩm.

“Quân ta còn làm hại quân mình bởi nhưng qui định phi lý về tiêu chuẩn HDV. Quốc tế phải có bằng đại học còn nội địa chỉ cần phổ thông. Đó là tư duy phân biệt đối xử. Càng vô lý khi HDV quốc tế buộc phải có bằng đại học, còn chuẩn trưởng phòng hoặc giám đốc của họ thì không cần bằng cấp. Về chất của HDV, cả nội địa lẫn quốc tế là chuyện nhức đầu. Dù rằng nhiều HDV giỏi, tâm huyết, hết lòng với du khách nhưng số HDV chưa giỏi, thậm chí tiêu cực lại đông hơn”- ông Mỹ cho hay.

Bên cạnh đó, không chỉ những bất cập với nguồn lực HDV hiện nay mà việc đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài cũng đáng quan tâm, khi có tình trạng du khách Việt bị bỏ rơi, hay có những vấn đề về hành xử của khách du lịch trái luật pháp, không phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa các nước... và khi xu hướng du lịch ra thế giới đã trở nên khá phổ biến với người Việt.

Ngoài ra, khi qui định điều kiện cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, không tính tới trình độ nghiệp vụ, năng lực của doanh nghiệp, thì số lượng lữ hành quốc tế có thể tăng lên hàng vạn. Tại nhiều quốc gia yêu cầu về lữ hành quốc tế có trình độ rất cao.

Trong khi đó, dự thảo không có qui định về vấn đề này. Ngay cả trình độ nghiệp vụ của người lãnh đạo - tổ chức và đáp ứng nhu cầu khám phá của các đoàn khách vào Việt Nam cũng không được quy định rõ, khi xảy ra tai nạn hoặc các sự cố nguy hiểm, ai chịu trách nhiệm?

Ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: “Việc mở cửa theo cách như vậy chỉ làm hại ngành du lịch khi xóa nhòa người có nghiệp vụ và không có nghiệp vụ. với quy định đơn giản như vậy trong dự thảo Luật, mục tiêu ổn định hoạt động lữ hành khi xây dựng Luật Du lịch sửa đổi là không đạt”.

Gỡ rối

Như vậy việc sửa đổi Luật Du lịch so với tình hình chung hiện nay không còn là câu chuyện có thể giải quyết một sớm, một chiều. Bởi sau nhiều năm hoạt động, công tác quản lý du lịch so với thực tiễn đang lộ rõ nhiều yếu điểm và liên đới đến rất nhiều khâu.

Theo ông Hoàng Văn Tuyên- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai: Lữ hành quốc tế phải am hiểu luật pháp, văn hóa mỗi nước. Bản thân lữ hành quốc tế với nội địa khác nhau, mỗi loại hình cần có các qui định riêng về trình độ nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, gộp chúng vào sẽ không tạo điều kiện phát triển sâu mỗi loại hình du lịch.

Cũng theo ông Vũ Thế Bình, Việt Nam đã gia nhập WTO và tham gia nhiều hiệp định thương mại với các quy định rộng rãi hơn, cần cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh đưa người đi du lịch nước ngoài, để người Việt Nam hưởng thụ các dịch vụ tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc đưa người đi du lịch nước ngoài (outbound), nước nào cũng qui định rất chặt chẽ và tiền ký quỹ cho hoạt động outbound thường cao hơn nhiều lần inbound (khách du lịch nước ngoài vào VN), yêu cầu về trình độ nghiệp vụ rất cao, quản lý các đoàn ra phải nghiêm để vừa bảo vệ công dân của mình, vừa giữ gìn hình ảnh của đất nước. Trong Luật Du lịch các nước, đây là phần được chú trọng nhiều nhất, nhưng trong dự thảo không nói đến loại hình này.

Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng cho rằng, việc hạn chế với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đưa người Việt đi du lịch có lợi trước mắt cho doanh nghiệp Việt, nhưng có hại lâu dài, làm cho doanh nghiệp lữ hành trong nước “không lớn lên được”.

Với sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, du khách Việt đi ra nước ngoài được hưởng dịch vụ chất lượng cao, từ đó, tác động trở lại làm cho doanh nghiệp Việt nâng cao nghiệp vụ để cạnh tranh tốt hơn…

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/sua-doi-luat-du-lich-chuyen-nghiep-hoat-dong-lu-hanh/119721